Sẽ xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường

 Giáo viên sẽ được giảm áp lực sổ sách ngay khi Chỉ thị 138/CT-BGDĐT có hiệu lực
Giáo viên sẽ được giảm áp lực sổ sách ngay khi Chỉ thị 138/CT-BGDĐT có hiệu lực

Theo Vụ trưởng Vũ Đình Chuẩn, Chỉ thị 138/CT-BGDĐT cụ thể hóa chủ trương của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhằm giảm áp lực không đáng có cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong các nhà trường.

Trong đó, điểm quan trọng của Chỉ thị này là đã đề cập đến chế tài xử lí đối với những cá nhân, đơn vị vi phạm.

Ông Vũ Đình Chuẩn- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Bộ GD&ĐT
 Ông Vũ Đình Chuẩn- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Bộ GD&ĐT 

PV: Thưa ông, vì sao Bộ GD&ĐT lại ban hành Chỉ thị chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong các nhà trường? Việc “lạm dụng hồ sơ, sổ sách” ở đây biểu hiện qua những hiện tượng nào và giải pháp chấn chỉnh cụ thể ra sao?  

Ông Vũ Đình Chuẩn: Việc ban hành Chỉ thị này cụ thể hóa chủ trương của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giảm áp lực không đáng có cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong các nhà trường.

Sở dĩ phải ban hành Chỉ thị “Chấn chỉnh lạm dụng hồ sơ, sổ sách” vì lâu nay Điều lệ trường chỉ quy định một số loại hồ sơ, sổ sách của giáo viên đối với từng cấp học nhưng một số trường có quy định riêng gây áp lực cho giáo viên.

Qua tìm hiểu tình hình thực tế và lắng nghe phản ánh của giáo viên, Bộ GD&ĐT nhận thấy không ít trường có hiện tượng yêu cầu giáo viên phải làm nhiều hơn hồ sơ, sổ sách so với với quy định, làm mất thời gian, công sức của giáo viên khiến họ thực sự cảm thấy áp lực. Những áp lực này không mang lại hiệu quả tích cực cho công tác dạy học, trái lại khiến giáo viên bị mất quá nhiều thời gian, công sức vào việc ghi chép sổ sách, ảnh hưởng tới thời gian đầu tư nghiên cứu, nâng cao chất lượng chuyên môn.

Tôi ví dụ, nhiều nhà trường hoặc Phòng GD&ĐT yêu cầu tách sổ ghi kế hoạch giảng dạy, sinh hoạt chuyên môn và dự giờ thành 3 sổ riêng (sổ Kế hoạch giảng dạy; sổ Sinh hoạt chuyên môn; sổ Dự giờ (theo mẫu cứng nhắc, không phù hợp với việc đổi mới phương pháp dạy học). Do vậy, Chỉ thị yêu cầu thực hiện đúng Điều lệ: chỉ có duy nhất 1 sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn và dự giờ.

Nhiều trường còn quy định Giáo án mẫu yêu cầu giáo viên phải sử dụng và yêu cầu phải viết tay, thậm chí phải chép lại hằng năm, mất nhiều thời gian… Thậm chí, có nơi vừa yêu cầu giáo viên dùng giáo án điện tử (để thể hiện việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin) vừa vẫn phải có giáo án viết tay, gây áp lực.

Chỉ thị yêu cầu thực hiện đúng Điều lệ, không có giáo án mẫu, giáo viên được sáng tạo để đổi mới phương pháp dạy học và tự chọn hình thức thể hiện, viết tay hay đánh máy (Điều lệ không quy định mẫu giáo án). Nếu giáo viên sử dụng được máy tính để soạn giáo án thì sẽ rất nhẹ nhàng, thuận tiện, dễ lưu trữ, dễ tra cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện trong quá trình giảng dạy…; nếu sử dụng phần mềm soạn giáo án điện tử lại càng thuận tiện, có thể dễ dàng tạo bài giảng điện tử để hướng dẫn học sinh học trực tuyến…

Nhiều nơi yêu cầu sổ điểm cá nhân không được gạch xoá (như là một biện pháp để chống sửa điểm…), dẫn tới có trường hợp giáo viên phản ánh là chẳng may viết sai một chỗ nào đó thì có thể sẽ phải chép lại cả quyển. Cuối mỗi học kì, việc “làm điểm” cũng mất nhiều thời gian “cộng, trừ, nhân, chia”…

Do vậy, Chỉ thị yêu cầu cho phép giáo viên được chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy. Như vậy, giáo viên có thể sáng tạo, tích hợp trong việc thực hiện hồ sơ, sổ sách trên nguyên tắc bảo đảm đầy đủ các nội dung theo quy định; sử dụng phần mềm thông dụng (chẳng hạn dùng Excel) để lập sổ điểm cá nhân trong máy tính để vào điểm cho học sinh. Khi đó, việc “làm điểm” cuối học kì trở nên nhẹ nhàng, đơn giản và chính xác hơn.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

PV: Lâu nay, giáo viên bắt buộc phải viết tay các loại hồ sơ, sổ sách khiến họ rất mệt mỏi. Chỉ thị đã đưa ra giải pháp cho phép sử dụng công nghệ thông tin, đánh máy. Tuy nhiên, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa khi chưa có điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin thì liệu có thiệt thòi hơn giáo viên ở thành thị?

Ông Vũ Đình Chuẩn: Giáo viên được quyền chọn cách viết tay hoặc đánh máy. Tuy nhiên, Chỉ thị yêu cầu từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử một cách đồng bộ và theo lộ trình phù hợp với địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên; từng bước tin học hoá quản trị nhà trường. Việc này cũng nhằm từng bước nâng cao năng lực cho giáo viên, cán bộ quản lí về ứng dụng công nghệ thông tin từ việc sử dụng những phần mềm thông dụng vào công việc hằng ngày để giảm dần công việc “tay chân”, dành thời gian đổi mới, sáng tạo trong dạy học và quản trị nhà trường.

Việc sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử của giáo viên và nhà trường là minh chứng đánh giá tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin theo Điều 8 Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và Điều 8 Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông. Do vậy, tôi tin rằng các nhà trường và mỗi giáo viên sẽ có động lực để thay đổi.

PV: Như ông đã đề cập ở trên, Chỉ thị mà Bộ trưởng vừa ban hành chỉ nhắc lại những loại hồ sơ, sổ sách của giáo viên đối với từng cấp học theo Điều lệ trường. Nghĩa là chúng ta đã có quy định rất rõ ràng nhưng một số cơ quan quản lý, nhà trường vẫn khiến giáo viên bị áp lực bởi yêu cầu thêm những loại sổ sách ngoài quy định. Vậy Chỉ thị này có bổ sung chế tài xử lý ra sao đối với những cá nhân, đơn vị vi phạm hay không?

Ông Vũ Đình Chuẩn: Đúng là quy định về hồ sơ, sổ sách trong Điều lệ trường đã khá rõ ràng và bản thân quy định này nếu làm đúng thì không gây áp lực cho giáo viên. Tuy nhiên, chế tài đối với việc này còn chưa cụ thể nên lâu nay có hiện tượng một số trường có quy định riêng gây áp lực cho giáo viên như tôi đã chỉ ra ở trên.

Chính vì vậy, trong Chỉ thị mà Bộ trưởng vừa ký ban hành có nêu rõ về chế tài xử lí đối với những cá nhân, đơn vị vi phạm. Cụ thể, những vi phạm quy định về hồ sơ, sổ sách của cán bộ quản lí là minh chứng để đánh giá hằng năm theo Quy định chuẩn hiệu trưởng ban hành kèm theo Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT. Tùy mức độ vi phạm, cán bộ quản lí sẽ bị xử lí kỉ luật theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường trách nhiệm của Văn phòng, các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ và Giám đốc Sở GDĐT trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lí vi phạm về sử dụng hồ sơ, sổ sách sai quy định.

Chúng tôi cũng rất mong, mỗi cán bộ, giáo viên và cơ sở giáo dục nghiên cứu thật kỹ và thực hiện đúng tinh thần của Chỉ thị này và phản ánh kịp thời tới cơ quan có thẩm quyền nếu đơn vị mình xảy ra tình trạng lạm dụng, đặt ra các quy định riêng về hồ sơ, sổ sách, gây áp lực không đáng có cho người thực hiện.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: