Tại buổi hội thảo, báo cáo viên giới thiệu chương trình giáo dục kỹ năng sống POKI với 35 tiết danh cho trẻ mầm non và 35 tiết dành cho học sinh tiểu học. Giới thiệu bài học mẫu thông qua phần mềm dành cho giáo viên; cách triển khai tại các trường học.
Chương trình giáo dục kỹ năng sống POKI là chương trình mới do tổ chức GD&ĐT POKI Tân Á Châu thực hiện và ủy quyền cho Công ty cổ phần Kết nối Trường học Việt Nam triển khai.
Tham dự hội thảo với đông đảo giáo viên toàn tỉnh. |
Khung năng lực POKI hướng tới sự hình thành và phát triển các năng lực quan trọng cho công dân toàn cầu, với 4 nhóm năng lực chính: Thường thức cuộc sống, giao tiếp và tương tác, tư duy học tập và sáng tạo, sử dụng thông tin và ứng dụng công nghệ.
Theo đó, trẻ sẽ được cung cấp các kiến thức, kỹ năng như: Sức khỏe sinh tồn, đạo đức và ứng xử, tự phục vụ bản thân, trách nhiệm công dân toàn cầu, hiểu biết về kinh tế tài chính; giao tiếp hiệu quả, lãnh đạo và làm việc nhóm, phát triển bản thân; sáng tạo và đổi mới, tư duy phản biện, giải quyết và ra quyết định, học tập hiệu quả; khai thác xử lý thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin.
Mục tiêu của phát triển năng lực là chuẩn bị những tri thức và kỹ năng cần thiết để trở thành công dân có đủ tự tin, trách nhiệm, tự lập, chủ động, có sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong thế kỷ 21.
Ông Nguyễn Văn Tuyển, đại diện Công ty Cổ phần kết nối Trường học Việt Nam cho biết: “Khi triển khai chương trình giáo dục kỹ năng sống POKI, mỗi giáo viên được cấp tài khoản riêng. Giáo viên không mất thời gian soạn giáo án, đơn giản, dễ sử dụng; trực quan, sinh động và cuốn hút học sinh; linh động và chủ động trong việc cập nhật bài học”.
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà cũng cho rằng, kỹ năng sống cho học sinh hiện nay là vô cùng quan trọng tại các trường học. |
Để theo học chương trình, các em học sinh phải đóng học phí. Tuy nhiên, học sinh thuộc đối tượng gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo hoặc học sinh khuyết tật, con cán bộ giáo viên đang công tác tại trường sẽ được miễn 100% học phí – lãnh đạo công ty cho hay.
Tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến đại diện cho rằng, đưa kỹ năng sống vào trường học là điều vô cùng cần thiết. Nó không chỉ cần thiết cho mỗi học sinh mà ngay cả phụ huynh, giáo viên cũng cần biết thêm. “Ngay đến người lớn, khi gặp sự cố cháy nhà, không biết xử lý thế nào để thoát nạn trong trường hợp nguy cấp nhất” – một giáo viên nói.
Rồi việc, đánh răng cho trẻ như thế nào cho phù hợp, tránh bị sâu răng, nhiều khi chính bậc làm cha mẹ cũng hướng dẫn sai. Con bị chảy máu cam, theo quán tính là bảo con ngửa cổ ra, nhưng không hề biết đó là điều nguy hiểm, chính đứa trẻ sẽ nuốt phải lượng máu xấu đó vào trong. Đây chính là một trong những kỹ năng cơ bản mà chương trình POKI giảng dạy.
Qua hội thảo, nhìn nhận từ các ý kiến, thấy rằng: Dường như chính các giáo viên, người quản lý giáo dục chưa “mặn mà” hoặc không hiểu khi cho học sinh học môn này. Nguyên nhân chính là giáo trình môn học này chưa chính thức được thống nhất của Bộ GD&ĐT mà lấy lại từ một số công ty tự biên soạn. Không những vậy, mức đóng phí, áp lực quá tải về thời gian biểu học ở trường cũng là nguyên nhân khiến các giáo viên tỏ ra băn khoăn?
Bà Đặng Thị Quỳnh Diệp, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh phát biểu tại hội thảo. |
Trao đổi về vấn đề trên, bà Đặng Thị Quỳnh Diệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết, Sở đã tìm hiểu kỹ về các đơn vị tỉnh thành áp dụng bộ môn dạy học về kỹ năng sống POKI, cho thấy nội dung rất thiết thực. Bởi thực tế, con (học trò) chúng ta đang thiếu và cần về kỹ năng sống. Quan điểm của Sở rất mong muốn thực hiện chương trình dạy kỹ năng sống cho học sinh tại các trường học, nhưng với tinh thần tự nguyện, hình thức xã hội hóa.
“Chủ trương của Sở là vừa thử nghiệm, vừa kiểm định. Đặc biệt, việc triển khai dạy kỹ năng sống trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc học sinh, kinh phí phù hợp và không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến chất lượng các môn học chính khóa. Kết quả dạy thí điểm là căn cứ để ngành giáo dục xem xét, quyết định có cho phép tổ chức dạy đại trà kỹ năng sống cho học sinh hay không” – bà Diệp nhấn mạnh.