Diễn biến phức tạp
Dự báo, đến trưa ngày 2/8 bão sẽ đổ bộ vào Hải Phòng, sức gió mạnh cấp 7-8, sức gió trên Vịnh Bắc Bộ mạnh cấp 9-10, giật cấp 12.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Tây. Đến 13 giờ ngày 2/8, vị trí tâm bão ngay phía Đông Móng Cái (Quảng Ninh). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12.
Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) trong ngày hôm nay còn có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao 2-4m, biển động mạnh. Ở vịnh Bắc Bộ, sóng biển cao từ 3-5m. Biển động rất mạnh.
Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng báo cáo, đến sáng nay (1/8), những địa phương dự báo sẽ rơi vào tâm bão đã triển khai tích cực các phương án ứng phó. Như toàn bộ tàu thuyền ở tỉnh Quảng Ninh đã về nơi trú bão. Các du khách trên Cô Tô cũng được đưa về bờ. Thành phố Hải Phòng ra lệnh cấm biển, lực lượng điều tiết giao thông thủy và tàu thuyền đã về nơi trú ẩn an toàn. 10 giờ sáng nay (1/8) tỉnh Thái Bình cũng có lệnh cấm biển. Các ngư dân trên các lồng bè yêu cầu vào bờ trước 16h cùng ngày.
Chủ động phòng chống bão
Sáng nay 1/8, Ban Chỉ đạo TW về Phòng chống thiên tai (PCTT) đã họp bàn về công tác ứng phó với bão WIPHA. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì. Sau khi nghe báo cáo diễn biến phức tạp của bão WIPHA, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng có nhiều công trình đang xây dựng và nhiều kho bãi, cần chủ lên phương án động ứng phó kịp thời.
Đường đi của bão WIPHa vệ tinh chụp lúc 14 h ngày 1/8 |
Đồng thời, các địa phương phải đảm bảo an toàn tối đa cho tàu thuyền trên biển ở nơi tránh trú và vận dụng kinh nghiệm của ngư dân.
Tận dụng thu hoạch các lồng bè thủy hải sản nuôi trên biển để giảm thiểu thiệt hại tài sản, tránh tình trạng nguy hiểm cho người ở lại lồng bè, chòi canh bảo vệ tài sản khi bão đến.
Với các địa phương ven biển, đề phòng ngập lụt khi triều lên. Các tỉnh miền núi chủ động, đề phòng nguy cơ sạt lở, lũ quét. Đặc biệt, lực lượng cứu hộ, cứu nạn và bộ đội luôn luôn sẵn sàng trong mọi tình huống, chuẩn bị các phương tiện hiện đại nhất, có thể hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt, nguy hiểm để cùng toàn dân chủ động ứng phó với bão số 3.
Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) trong ngày hôm nay còn có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 12. Sóng biển cao 3,-5,5m. Biển động rất mạnh.
Trên đất liền các tỉnh ven biển từ Thái Bình đến Thanh Hóa từ trưa mai (2/8) có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9-10. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng từ sáng mai có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10-11.
Từ đêm nay đến ngày 4/8, ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa 200-400mm/đợt).
Khu vực Hà Nội: Có mưa, từ chiều và đêm mai (2/8) có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm), từ chiều mai có gió mạnh dần lên cấp 5, giật cấp 6-7.