Đang tập trung họp online chuẩn bị cho năm học mới, tôi giật mình khi nghe điện thoại của con dâu: Mẹ, mẹ ra đầu ngõ con nhờ. Sao con không vào nhà? Dạ, là con không vào được ạ. Là sao? Dạ, ngoài đầu ngõ có chốt gác, con không phải cư dân khu này nên không vào được.
Tôi ngỡ ngàng, khu ngõ nhà mình chưa hề có ca F0, F1 nào, cớ sao có chốt canh gác. Là phong tỏa hay là sao?
Nghĩ vậy, tôi vẫn đi ra đầu ngõ. Đúng như con nói, đầu ngõ nhà tôi có sự khác lạ. Ngõ được chắn ngang bởi rào chắn bằng sắt, có để chừa một lối đi chừng một mét, có một bác đeo băng đỏ ở tay đứng cạnh rào chắn (sau này tôi biết đó là đội trật tự dân phố của tổ dân phố thành lập) để ngăn không cho người lạ vào khu vực trong khu dân cư trong ngõ.
Đem thắc mắc này ra hỏi ông xã, một nhà báo chuyên nghiệp, tôi mới vỡ lẽ: Khu ngõ nhà mình là Vùng xanh! Cái chốt gác đó lập ra theo chiến lược Bảo vệ vùng xanh.
Chưa tìm hiểu kỹ xem Vùng xanh và chiến lược Bảo vệ vùng xanh cụ thể như thế nào, trong tôi đã lan tỏa một cảm xúc gì đó, như là bình an, như là hy vọng.
Rồi sau đó tôi được hiểu thêm là mục tiêu của chiến lược Bảo vệ vùng xanh là để giữ vững những vùng, những khu vực không có dịch. Để những nơi đó trở thành hậu thuẫn vững chắc cho những vũng có dịch. Cũng là để giảm áp lực gánh nặng cho dân, cho chính phủ, cho ngành y tế. Thêm vào đó là những vùng cam, vùng đỏ sẽ phấn đấu để trở thành vùng xanh.
Một niềm vui lan tỏa trong tâm trí tôi. Nếu mình chỉ tập trung vào vùng đỏ, cam không thôi, cảm giác chung sẽ là: Ôi! dịch bệnh khắp nơi, chỗ nào cũng dịch! Tâm trạng thật là mệt mỏi, lo lắng, bi quan.
Nay mới thấy, còn bao nhiêu vùng xanh, còn bao nhiêu hy vọng. Và mình quyết tâm bảo vệ vùng xanh, là mình cũng đang tham gia hiệu quả vào công cuộc chống dịch.
Tự nhiên, thuật ngữ Vùng xanh, khiến tôi lan man nghĩ và sao thấy nó quen quen, nó tương đồng với điều gì đó rất gần gũi, rất thân quen với tư duy, với công việc của mình. Và tôi đã tìm ra nó!
Bảo vệ, nhân rộng những cái tốt, những điều tích cực, đó chẳng phải là một triết lý giáo dục vô cùng quan trọng hay sao? Nó thậm chí còn là một triết lý giáo dục quan trọng nhất!
Lấy thử một ví dụ nhé. Bạn có đứa con nhỏ rất mê game. Bạn chẳng biết làm sao để khống chế tật này của nó. Bạn tranh đấu, bạn la mắng, mặc cả...nhìn chung là một cuộc chiến!
Nhưng, bạn nhỏ này lại rất có năng khiếu hội họa, yêu thích màu sắc, vẽ đẹp. Thay vì suốt ngày ca thán mắng mỏ, căng thẳng với con, bạn đăng ký cho con một lớp học vẽ online. Đúng sở trường, đúng khả năng, con bạn ngày một tiến bộ và những bức tranh lần lượt ra đời.
Bạn treo những bức tranh đó trên tường, khắp nơi trong nhà…chẳng bao lâu cả bạn và con bạn đã không nhận ra, sở thích game đã dần thu bé lại, mất đi không chừng.
Bạn đã đồn sức bảo vệ vùng xanh, và làm cho nó ngày càng phát triển. Đó chỉ là một ví dụ dễ để hình dung.
Còn sự thật thì tập trung phát huy điểm mạnh đã là một phương pháp giáo dục được thực tiễn và các nhà giáo dục công nhận hiệu quả đặc biệt của nó.
Lại nữa, gần đây tôi mới đọc 1 tài liệu của bác sỹ người Nhật bản về Phòng và chữa ung thư bằng phương pháp tự nhiên, đó là tăng sức đề kháng, phát triển sức mạnh tổng thể để tế bào ung thư không phát triển, không xâm lấn được. Đó chẳng phải chúng ta cũng phải bảo vệ vùng xanh của cơ thể hay sao.
Trở lại câu chuyện chống dịch Covid-19. Theo dõi trên ti vi, tôi thấy cả nước đang đồng lòng và quyết tâm một cách mạnh mẽ trong chiến dịch Bảo vệ vùng xanh. Những hình ảnh các chốt gác Bảo vệ vùng xanh hiện diện khắp nơi ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thế mới biết, dù là một thành phố đang trong tâm dịch, vùng xanh vẫn còn nhiều lắm. Và khi nó là vùng xanh, ai mà không muốn bảo vệ chứ!
Trở lại gia đình, tôi cùng với mọi người trong nhà, hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp bảo nhau, chúng ta cùng bảo vệ vùng xanh, biến vùng đỏ, vùng cam thành vùng xanh. Động viên nhau kiên cường, sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu, chống dịch. Chúng ta nhất định sẽ chiến thắng!