Các địa phương phải khoanh và giữ cho được những “vùng xanh” an toàn

GD&TĐ - Phó Thủ tướng nhấn mạnh, song song với mũi truy vết, khoanh vùng, dập các ổ dịch, bây giờ các địa phương, kể cả TP Hồ Chí Minh đều ý thức phải khoanh và giữ cho được những “vùng xanh” an toàn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 10/8, tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá Tây Ninh là một tỉnh biên giới, giao thương, giao lưu chặt chẽ với TP Hồ Chí Minh nên có rủi ro dịch bệnh rất cao. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, đặc biệt là nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh đã rất nỗ lực, có nhiều sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, từ ngày 1/6 đến nay, Tây Ninh đã ghi nhận 3.078 ca mắc Covid-19, truy vết gần 14.000 trường hợp F1, tập trung chủ yếu ở thị xã Trảng Bàng và huyện Dương Minh Châu.

Toàn tỉnh có 14 cơ sở y tế tham gia điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, hơn 900 y bác sĩ với khoảng 3.440 giường, chia thành 3 tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tây Ninh đang tiếp tục chuẩn bị kịch bản có 3.000 ca mắc; thiết lập các bệnh viện dã chiến đáp ứng yêu cầu điều trị theo kịch bản 5.000 - 10.000 ca mắc. Năng lực xét nghiệm toàn tỉnh đạt gần 2.500 mẫu đơn/ngày, thời gian tới có thể nâng lên gần 3.300 mẫu đơn/ngày.

Cùng với các tỉnh, thành phố phía Nam, Tây Ninh đã bước sang tuần thứ 3 giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, góp phần kiểm soát người dân từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh có dịch đi về các địa phương khác làm lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác, Tây Ninh không thể kéo dài mãi thời gian thực hiện Chỉ thị 16 mà phải có giải pháp để sớm từng bước quay trở lại trạng thái bình thường mới.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh song song với mũi truy vết, khoanh vùng, dập các ổ dịch, bây giờ các địa phương, kể cả TP Hồ Chí Minh đều ý thức phải khoanh và giữ cho được những “vùng xanh” an toàn. Định hướng này liên quan đến các chỉ đạo về công tác truy vết, xét nghiệm, đặc biệt là kêu gọi, vận động người dân đăng ký, tham gia giữ “vùng xanh”.

Phó Thủ tướng lưu ý, Tây Ninh phải nỗ lực thật cao, làm nghiêm hơn nữa, phát động bà con nhân dân cố gắng khắc khổ thêm một thời gian ngắn để quay lại trạng thái bình thường mới, nếu dễ dãi một chút dịch sẽ dây dưa, kéo dài và đến một lúc nào đó cả xã hội sẽ rất mệt mỏi, thậm chí khi đến một ngưỡng nào đó sẽ vượt qua khả năng ứng cứu của hệ thống điều trị, sẽ có tử vong. Lực lượng y tế sẽ mệt mỏi, có thể bị lây nhiễm.

Xử lý nghiêm những ai không khai báo y tế hoặc không trung thực

Về một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian còn lại thực hiện Chỉ thị 16 Tây Ninh phải thực hiện thật nghiêm. Trước hết là “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để nắm tất cả những người từ nơi khác về, xử lý nghiêm những ai không khai báo y tế hoặc không trung thực, trong đó có trách nhiệm của thành viên trong gia đình. Tây Ninh cần tổ chức hệ thống theo dõi, quản lý, giám sát y tế cộng đồng để trợ giúp kịp thời cho người dân vùng dịch về các vấn đề y tế cũng như các trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác chuẩn bị Bệnh viện Dã chiến số 1 (tại Khu công nghiệp Thành Thành Công, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh). Nguồn: VGP.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác chuẩn bị Bệnh viện Dã chiến số 1 (tại Khu công nghiệp Thành Thành Công, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh). Nguồn: VGP.

Trong công tác xét nghiệm, Tây Ninh cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa xét nghiệm nhanh, xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp, mẫu đại diện để sàng lọc cộng đồng; bóc tách F0 nhanh ra khỏi những ổ dịch đậm đặc; sàng lọc tại các bệnh viện,… “Các hướng dẫn của Bộ Y tế không bao giờ phù hợp cho tất cả địa phương, các đồng chí phải vận dụng rất sáng tạo, làm thật nhanh, hiệu quả nhưng phải tiết kiệm”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu Tây Ninh bằng việc thực hiện giãn cách tuyệt đối, thực hiện xét nghiệm, sau một tuần nữa phải khẳng định được những vùng an toàn, khu nguy cơ cao, rất cao.

Giãn cách xã hội thật nghiêm để giảm F0

Qua kiểm tra tại một số tỉnh phía Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Tây Ninh cần mạnh dạn tổ chức hệ thống điều trị bệnh nhân Covid-19 trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế về mô hình tháp điều trị 3 tầng. Trong đó cần chú trọng đến tầng 1 tiếp nhận  F0 không triệu chứng, tầng 2 điều trị F0 có triệu chứng nhẹ, cấp cứu những trường hợp chuyển nặng.

Ở tầng 1, các F0 không triệu chứng, chưa phải là bệnh nhân, được quản lý chặt để không tiếp xúc, không lây ra bên ngoài nhưng bên trong bà con được chăm sóc dinh dưỡng, cấp thuốc đông y, tây y, có không gian để vận động, sức khỏe tăng lên, tỷ lệ chuyển sang có triệu chứng giảm đi rất nhiều. Đồng thời hướng dẫn bà con các dấu hiệu nhận biết sớm triệu chứng để báo ngay cho nhân viên y tế, chuyển ngay lên tầng trên.

Tỷ lệ 36% F0 không triệu chứng chuyển sang có triệu chứng ở Tây Ninh là quá cao, trong khi ngay tại huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) tỷ lệ chỉ khoảng 3%, còn một số quận khác của TP Hồ Chí Minh cũng lên đến 30%, ở Khánh Hòa khoảng 10%... Tây Ninh phải tổ chức lại ngay khu thu dung tầng 1 để giảm tỷ lệ này xuống.

Tại các cơ sở điều trị tầng 2, Tây Ninh phải khẩn trương lắp đặt hệ thống oxy tập trung, máy thở dòng cao (HFNC)… chứ không chỉ tăng số giường bệnh đơn thuần.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Chiến lược quan trọng hàng đầu hiện nay là Tây Ninh phải giãn cách xã hội thật nghiêm để giảm F0; giảm tối đa tỷ lệ F0 chuyển sang triệu chứng nhẹ, từ nhẹ chuyển sang nặng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) trả lời thắc mắc của học sinh Trường THCS Thanh Xuân về tác hại của thuốc lá điện tử. Ảnh: TG

Hình thành thói quen 'nói không với thuốc lá'

GD&TĐ - Các nhà trường đã và đang triển khai nhiều giải pháp đa dạng để tuyên truyền về tác hại của khói thuốc, giúp học sinh hình thành thói quen “nói không với thuốc lá”.