Văn bản này được coi là “chìa khóa” giúp các cơ sở giáo dục đại học và người học bảo đảm tiến độ tốt nghiệp.
Tháo gỡ vướng mắc
Theo TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng), việc Bộ cho phép và hướng dẫn cụ thể các cơ sở giáo dục đại học đánh giá đồ án, khóa luận, luận văn, luận án tốt nghiệp theo hình thức trực tuyến trong thời gian dịch Covid-19 phù hợp với thực tiễn khách quan, đáp ứng nhu cầu của trường đại học cũng như người học.
“Năm 2020, khi TP Đà Nẵng bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng, chúng tôi đã tính đến phương án này. Nhưng vì quá gấp, nhà trường chưa kịp triển khai, thực hiện. Hơn nữa, để tổ chức đánh giá đồ án, khóa luận, luận văn, luận án tốt nghiệp online, cần có văn bản xin ý kiến Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, do chưa chuẩn bị kỹ, nên chúng tôi quyết định lùi thời điểm bảo vệ tốt nghiệp của người học. Năm nay, chúng tôi yên tâm vì Bộ có văn bản hướng dẫn chi tiết. Như vậy, cơ sở pháp lý đã đầy đủ, việc còn lại là các trường triển khai thực hiện như thế nào?” – TS Võ Thanh Hải nói, đồng thời hoan nghênh Bộ GD&ĐT đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các trường.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân trao đổi: Theo tiến độ đào tạo chung của ngành Giáo dục, sinh viên thường tốt nghiệp vào tháng 5 - 6 hằng năm. Vì thế, thời điểm này, Bộ đưa ra hướng dẫn bảo vệ tốt nghiệp trực tuyến giúp các trường có thời gian chuẩn bị điều kiện hạ tầng kỹ thuật và quy định, hướng dẫn nội bộ để triển khai, thực hiện.
TS Võ Thanh Hải chia sẻ: Theo kinh nghiệm của Trường ĐH Duy Tân, các tổ chức kiểm định quốc tế thường kiểm định nhà trường bằng hình thức trực tuyến. Vì thế, không có lý do gì nhà trường không thể tổ chức đánh giá đồ án, khóa luận, luận văn, luận án tốt nghiệp bằng hình thức này.
“Trường ĐH Duy Tân tự tin đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết để triển khai. Nhà trường đã và đang thực hiện tốt đào tạo trực tuyến. Các phòng học đều có thiết bị ghi âm, ghi hình” – TS Võ Thanh Hải bày tỏ, đồng thời cho biết: Sau hướng dẫn của Bộ, nhà trường sẽ cụ thể hóa bằng văn bản nội bộ; trong đó hướng dẫn chi tiết quy trình tổ chức; nhiệm vụ của học viên, người hướng dẫn và thành viên hội đồng trước khi bảo vệ online...
Kịp thời và cần thiết
Khẳng định hướng dẫn của Bộ GD&ĐT là cần thiết, PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) nhấn mạnh: Đây là cơ sở pháp lý để nhà trường thực hiện đánh giá đồ án, khóa luận, luận văn, luận án tốt nghiệp theo hình thức trực tuyến, nhất là trong điều kiện dịch bệnh có diễn biến khó lường. Không có hướng dẫn, các trường muốn triển khai sẽ phải xin ý kiến, nếu Bộ GD&ĐT đồng ý mới có thể thực hiện. Hoặc, nếu thực hiện có thể gặp vướng mắc bởi các quy định khác.
“Tôi cho rằng, văn bản được ban hành ở thời điểm này là kịp thời, cần thiết và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Dù là trực tuyến hay trực tiếp, quy trình các bước như nhau. Vì thế, không có gì phải băn khoăn, lo lắng” - PGS.TS Bùi Đức Triệu nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phan Đình Nguyên – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh viện dẫn, một trong những yêu cầu để tổ chức bảo vệ tốt nghiệp trực tuyến là: Diễn biến của buổi bảo vệ tốt nghiệp được cơ sở đào tạo ghi hình, ghi âm đầy đủ và lưu trữ kèm theo hồ sơ của người học. Vì thế, dù là hình thức trực tiếp hay trực tuyến, chất lượng như nhau. “Chúng tôi sẵn sàng thực hiện và có phương án chuẩn bị điều kiện cần thiết để có thể ứng phó kịp thời nếu dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp” - PGS.TS Phan Đình Nguyên nhấn mạnh.
Nhìn ở góc độ doanh nghiệp, bà Bùi Thị Ngần - Giám đốc Đào tạo, Công ty Cổ phần Công nghệ giáo dục Novaedu cho rằng: Khi tuyển dụng nhân sự, nhà tuyển dụng ít coi trọng việc tổ chức tốt nghiệp bằng hình thức trực tuyến hay trực tiếp. Họ chỉ quan tâm đến kết quả học tập, tiếp đến là thái độ và năng lực làm việc. “Không nhà tuyển dụng nào lại hỏi, bạn làm thế nào để có được bằng khá, giỏi hay bạn tổ chức lễ tốt nghiệp bằng hình thức trực tiếp hay trực tuyến” – bà Ngần cho hay, đồng thời nhấn mạnh: Tuỳ vào điều kiện thực tế, các trường có thể linh hoạt trong lựa chọn phương thức tổ chức bảo vệ tốt nghiệp cho người học. Quan trọng là bảo đảm chất lượng đào tạo.