Bảo vệ hạnh phúc cho con bằng mọi giá

GD&TĐ - Khi tôi còn là một đứa trẻ, những trận đánh nhau của bố mẹ xảy ra như cơm bữa. Mẹ đã quát mắng bố, đập vỡ đồ đạc và tuôn ra những lời đe dọa kỳ quặc. 

Bảo vệ hạnh phúc cho con bằng mọi giá

Sự mất kiểm soát của mẹ khiến tôi sợ hãi. Bố chỉ còn cách trốn ở nơi làm việc, nhà để xe, hoặc bất cứ nơi nào không có sự hiện diện của mẹ. Tôi cảm thấy mình là một đứa trẻ không được ai bảo vệ. 

Trưởng thành, kết hôn và sinh con, tôi đã thề rằng mình sẽ không bao giờ cãi nhau với chồng trước mặt bọn trẻ. Trong nhiều năm, tôi đã học được rất nhiều điều từ chính những trải nghiệm của mình. Trẻ em thường chú ý đến cảm xúc của bố mẹ để biết mức độ an toàn của chúng trong gia đình. 

Tôi biết, cãi vã trong hôn nhân là không thể tránh khỏi nhưng tôi cũng biết rằng phải có cách tốt hơn để giải quyết nó. Xung đột là một phần bình thường của cuộc sống hàng ngày, vì vậy việc bố mẹ cãi nhau không quan trọng. Đó là cách xung đột được thể hiện và giải quyết. Nhìn ở góc độ tích cực, nếu bố mẹ giải quyết được các vấn đề khó khăn, con trẻ có thể lớn lên tốt hơn.

Nhưng nếu bố mẹ không ngừng “trả đũa” nhau, con trẻ có thể trở nên quẫn trí, lo lắng, bồn chồn và tuyệt vọng. Là một giáo viên, tôi từng chứng kiến nhiều học sinh không hạnh phúc trong gia đình của mình. 

Điều đó được thể hiện ra bên ngoài bằng các phản ứng như sự tức giận, trở nên hung hăng và phát triển nhiều vấn đề về hành vi ở trường. Tôi biết, chúng có thể bị rối loạn giấc ngủ và các vấn đề sức khỏe như đau đầu và đau bụng, hoặc chúng có thể bị ốm thường xuyên, giống như tôi hồi nhỏ. 

Sự căng thẳng có thể cản trở khả năng chú ý của trẻ và tạo ra các vấn đề học tập ở trường. Hầu hết trẻ em được nuôi dưỡng trong môi trường bạo lực đều gặp vấn đề trong việc hình thành các mối quan hệ lành mạnh, cân bằng với bạn bè cùng trang lứa. Ngay cả các mối quan hệ anh chị em cũng bị ảnh hưởng xấu, chúng có thể trở nên quan tâm và bảo vệ nhau quá mức, hoặc xa cách và chia rẽ.

Nhìn những đứa trẻ không hạnh phúc, tôi thấy đau đớn và bất lực vì không có cách nào can thiệp được vào cuộc sống phức tạp của bố mẹ chúng. Nghĩ đến các con, tôi lại càng ý thức hơn về trách nhiệm của mình. 

Ở nhà, tôi và chồng thường xuyên áp dụng một số mẹo để giải quyết xung đột nhằm duy trì mối quan hệ yêu thương và làm gương cho trẻ giải quyết vấn của riêng chúng.

Mỗi khi cảm thấy chồng chuẩn bị đưa ra quan điểm trái chiều, tôi sẽ mở đầu cuộc đối thoại bằng cách cho anh ấy biết rằng tôi là một người vợ luôn thấu hiểu và sẵn sàng đặt mình vào vị trí của người khác. Tôi thường bắt đầu bằng câu: “Em biết, anh đã phải suy nghĩ rất nhiều mới có thể đưa ra quyết định này, nhưng mà...”.

Tôi luôn cố gắng bình tĩnh và kiên nhẫn để phân tích mọi khía cạnh của vấn đề, sau đó cùng chồng thảo luận và lựa chọn khía cạnh nào là tích cực nhất. Cách cư xử của tôi khiến anh có cảm giác anh luôn được yêu thương và tôn trọng. 

Thi thoảng, anh nói với tôi: “Em à, anh biết rằng em không có ý chống đối anh, nhưng mà...”. Dù đôi lúc có những bất đồng quan điểm, nhưng vợ chồng tôi chưa bao giờ quên mình là một đội. Cùng nhau giải quyết mọi vấn đề khiến cả hai đều có cảm giác mình là người “sở hữu” giải pháp. 

Những lời chỉ trích mang tính xây dựng chỉ hữu ích khi đối phương là người chịu lắng nghe. Thay vì giọng điệu thách thức, chúng tôi trò chuyện với nhau bằng thái độ tận tình. Bằng cách đó, dù gặp phải tình huống bực tức hay thất vọng, tất cả đều có thể được giải quyết tốt hơn bằng sự tử tế. 

Bằng mọi giá, vợ chồng tôi phải giữ được sự yên bình trong gia đình để các con không khổ như tôi ngày trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ