Bội thực vì “ngôn ngữ bẩn”
Quá nhiều trường hợp bóc phốt nhau trên mạng xã hội khiến người phạm lỗi to hay nhỏ đều sợ hãi khi hàng trăm con người vào phán xét, sỉ nhục, buông lời thóa mạ. Hàng trăm lượt like đồng tình với những lời lẽ ấy cũng khiến nhiều người “sốc”.
Nhiều vụ đánh ghen ầm ĩ trên mạng xã hội từng khiến người ta “bội thực” vì văn hóa livestream bóc mẽ, chửi bới mà ở đó họ có quyền cho mình làm quan toà. Rồi lại có hàng trăm quan toà khác vào chửi bới theo.
Và nếu chẳng may có ai đó khuyên nên bình tĩnh soi xét, về nhà đóng cửa bảo nhau thì ngay lập tức sẽ có người phản ứng, thậm chí dùng lời lẽ cay độc. Thế là lời khuyên chân thành thưa dần, hay chẳng ai lên tiếng nữa. Thay vào đó là sân khấu để hàng trăm người lăng mạ, trút giận.
Trước đây, từng có vụ việc một bạn trẻ lấy trộm quần áo trong một cửa hàng gây xôn xao trên mạng xã hội. Ngay lập tức, bạn nhỏ bị hàng trăm con người không quen biết cũng như chưa rõ nguồn cơn lao vào chửi bới, sỉ nhục.
Ở Hàn Quốc, câu chuyện về người nổi tiếng không chịu đựng được áp lực dư luận từ mạng xã hội phải tự tử còn dư âm đâu đây. Đó chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người sẵn sàng dùng ngôn từ thiếu sáng suốt để mắng chửi, vào hùa với nhau.
Những chuyện trên khiến chúng ta bức xúc, tranh luận về sự đối xử giữa con người và con người. Nhưng hãy thử nghĩ về những điều sâu xa hơn, về cách chúng ta hành xử trong cuộc sống này, về việc tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật để mọi chuyện đã không bị đẩy đi quá xa.
Chuyên gia tâm lý Vũ Quang Hoà (Giám đốc Trung tâm Rèn kỹ năng và EQ cho trẻ) nêu quan điểm: Ở đây, chúng ta không bàn đến câu chuyện đúng hay sai. Bởi ai có lỗi cần có sự xét xử của cơ quan chức năng. Trên mạng xã hội, cũng như ngoài đời thật, những câu chửi rủa hay vạch mặt nhau không chỉ nói lên văn hóa ứng xử giữa người với người, mà còn là một hành vi vi phạm pháp luật. Nếu vượt quá giới hạn cho phép có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến xu hướng dùng mạng xã hội để xúi giục, kích động, tẩy chay và trả đũa nhau khốc liệt đến vậy. Cùng với những cá nhân có cái “tôi” quá lớn, là những “anh hùng bàn phím” không ngừng chạy đua theo các trào lưu. Họ xông vào mọi ngóc ngách cuộc sống đời tư người khác để chửi rủa bất chấp đúng sai.
Cha mẹ cần vào cuộc
Chúng ta đang bước dần tới cuộc sống văn minh, khi không thể kiểm soát cơn nóng giận của bản thân, đồng thời họ cũng làm mất chính mình và cả đời họ sẽ không thể nhận được tình cảm chân thành từ những người xung quanh. Mạng ảo nhưng cuộc sống và những con người phía sau đó là thật. Nhất là ngày nay, con trẻ sử dụng mạng xã hội để giao lưu, kết nối rất nhiều. Người lớn cần làm gì để bảo vệ con trước những nguy hiểm này có thể xảy ra bất cứ lúc nào?
Thử tưởng tượng, nếu một ngày vì giận dỗi nhau mà con trẻ bị bạn bè đưa lên mạng xã hội đấu tố, cha mẹ sẽ thấy sao? Và khi chưa hiểu hết nguồn cơn, nhiều bạn khác cũng nhảy vào vạch trần đời tư của con bạn thì người lớn có xót xa? Liệu trẻ có đủ bình tĩnh để vượt qua khi mọi thứ được phơi bày mà trẻ lại không đủ sức thanh minh, giải thích. Hay dù có làm sai đi chăng nữa, trẻ cũng có đủ dũng cảm để chấp nhận lỗi sai ấy và sửa sai khi với chúng, cả thế giới đã biết chuyện?
Cô giáo Nguyễn Phương Thảo, Trường THPT Ứng Hoà B (Hà Nội), nêu quan điểm, khi mạng xã hội phát triển, nhiều người lợi dụng nó làm nơi trút bỏ những bức xúc của bản thân. Họ còn buông lời lẽ thô tục, chửi rủa, lăng mạ, hạ uy tín của người khác, kêu gọi những người đồng quan điểm, ùa theo nói xấu, đe doạ.
Có học sinh vì một chuyện nhỏ nhặt, lên Facebook gọi cô thầy là ông nọ bà kia, nói năng cộc lốc, vô lễ. Thậm chí còn bịa chuyện để làm thầy cô mất mặt. Thành phần khác vì tức giận ba mẹ mà lên mạng than vãn, chửi rủa: “Ông ấy không phải là cha tôi, ông ấy thật tàn nhẫn” kèm theo đó là những dòng bình luận tỏ thái độ bất bình, vô lễ với người lớn.
Một số em coi đó như là công cụ để lăng nhục, chửi rủa bạn bè, thể hiện bản thân bằng ngôn ngữ thô tục, khó chấp nhận. Thậm chí gây gổ đánh nhau, giật tóc, lột hết quần áo của bạn mình rồi quay video đăng lên mạng xã hội để mọi người vào bàn tán, hùa theo.
Đặc biệt, một bộ phận giới trẻ, vì đam mê các thần tượng của mình mà đi lăng nhục, chửi rủa những người được xem là “đối thủ” của thần tượng với những lời lẽ vô cùng khiếm nhã, tiêu cực. Nhiều người sẵn sàng buông lời lẽ thóa mạ người khác mà không hề nghĩ đến cảm xúc của họ, chỉ biết a-dua, theo phong trào dù chưa biết mọi chuyện thực hư.
Có nhiều trường hợp sử dụng mạng xã hội gây nên những hiện tượng như bắt nạt, miệt thị, chống đối… Trẻ có thể trở thành nạn nhân, nhưng cũng có thể trở thành thủ phạm khi bị bạn bè lôi kéo. Dù là nạn nhân hay thủ phạm, thì những hành vi trên đều ảnh hưởng đến tâm lý, thậm chí đến tương lai của trẻ.
“Cha mẹ cần giáo dục con tránh tham gia các hành vi đe dọa, bắt nạt trên mạng. Trong trường hợp nếu con là nạn nhân, hướng dẫn con cách chặn, hủy kết bạn với các đối tượng bắt nạt và thông báo ngay sự việc với cha mẹ, thầy cô hoặc những người lớn mà các em tin tưởng. Đồng thời, cha mẹ cần làm gương, tránh xa những cuộc bàn luận, đấu tố hay bức xúc trên mạng để trẻ lấy đó làm tấm gương cho mình”, cô Thảo đưa ra lời khuyên.