Theo tiết lộ của các công ty bảo vệ an ninh mạng thì 20% trẻ em chưa chào đời đã có mặt trên mạng xã hội trước, 75% trẻ em dưới 2 tuổi đã được cha mẹ mình đăng tải ảnh lên mạng.
Ngoài việc chia sẻ những khoảnh khắc đáng yêu của con trẻ thì đã có không ít người nhận được hậu quả đắng. Từng có một bà mẹ ở Mỹ đăng tải hình ảnh con mình lên mạng, nhưng sau đó vô tình phát hiện ra những bức ảnh ấy xuất hiện trong một nhóm ấu dâm. Bà phải tìm mọi cách liên hệ với admin của trang đó để yêu cầu hạ hình ảnh của con mình xuống.
Theo Common Sense Media, khi lên 5 tuổi, trẻ bắt đầu phát triển ý thức về bản thân và cá nhân, đồng thời chú ý hơn tới cách thế giới nhìn nhận về chúng.
Sự riêng tư lúc này trở nên quan trọng hơn rất nhiều. Chúng có thể bắt đầu cảm thấy xấu hổ khi bố mẹ đăng ảnh của chúng lên mạng xã hội mà không hỏi trước ý kiến, đặc biệt là các bức ảnh nhạy cảm chụp hồi còn bé.
Việc các bậc phụ huynh vô tư đăng tải ảnh của trẻ có thể khiến chúng cảm thấy bản thân bất lực, không có giá trị khi bị người thân chia sẻ mà chúng không có quyền lên tiếng.
Cảnh sát quốc gia Pháp đã kêu gọi các bậc cha mẹ hãy cân nhắc kỹ về việc đăng ảnh con cái lên mạng xã hội Facebook với lý do hình ảnh có thể xâm phạm sự riêng tư và an toàn của con cái, đồng thời để lại nhiều hậu quả về tâm lý hay xã hội khi trẻ lớn lên. Thậm chí, bố mẹ còn có thể bị kiện và phải ngồi tù vì hành vi tưởng như vô hại này.
Lời kêu gọi trên được cảnh sát Pháp đưa trên Facebook kèm theo cảnh báo về một chiến dịch thu hút nhiều ông bố bà mẹ “Motherhood Challenge” (Thách thức làm mẹ): “Các bạn có thể đều là những ông bố, bà mẹ tự hào về những đứa con tuyệt vời, nhưng hãy cẩn thận. Chúng tôi nhắc nhở các bạn rằng đưa ảnh con cái lên Facebook không phải vô hại”.
Thậm chí, cảnh sát Pháp ở một khu vực còn khẩn thiết đề nghị các bậc cha mẹ chấm dứt tham gia chiến dịch bằng câu viết hoa: “Cha mẹ có nhiệm vụ bảo vệ hình ảnh con cái”.
Theo luật về quyền riêng tư ở Pháp, bất kỳ ai bị kết án về tội đăng và phát tán ảnh của người khác mà không được họ đồng ý có thể phải ngồi tù một năm và bị phạt 45.000 euro. Điều này cũng sẽ được áp dụng với cha mẹ đăng ảnh con lên Facebook.
Cơ quan bảo vệ dữ liệu Pháp đã kêu gọi các bậc cha mẹ thiết lập chế độ riêng tư mạnh hơn để hạn chế số người có thể xem được ảnh của họ và con cái trên Facebook.
Một nhân tố bị tác động tiêu cực nữa là mối quan hệ gia đình. Theo bà Catherine Steiner - Adair, tác giả cuốn sách về cách bảo vệ tuổi thơ và quan hệ gia đình trong kỷ nguyên số, nhận định: Thói quen chụp và đăng ảnh con cái, gia đình lên
Facebook có thể rất tuyệt vời, thú vị nhưng khi thái quá, thói quen này sẽ “phản chủ”, gây thêm khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Con cái coi việc bố mẹ chăm chăm chụp ảnh, quay phim chúng làm việc gì đó là rào cản ngăn cách giữa chúng và bố mẹ.
Tại Nhật Bản, cha mẹ không chia sẻ hình ảnh của con cái mình. Họ rất bảo vệ thông tin cá nhân của bản thân, cũng như tôn trọng những thông tin cá nhân của người khác. Việc để lộ thông tin cá nhân sẽ dẫn đến nguy cơ bị trộm cắp, bị đe dọa, nên đối với con trẻ vẫn chưa biết tự bảo vệ mình thì họ lại càng phải bảo vệ những thông tin cá nhân của con vì lý do an toàn.
Đối với người Nhật, sự giàu có, giỏi giang không phải là thước đo để so sánh giá trị của bản thân với mọi người.
Cha mẹ Nhật cũng không đem việc con mình giỏi hay thông minh ra để khoe khoang với người khác. Họ không khoe chiều cao cân nặng của con, vì đó là thông tin cá nhân. Họ không khoe việc trẻ làm được việc này việc kia nhanh hơn so với quy định của lứa tuổi… vì nó sẽ dẫn đến việc con họ sẽ bị so sánh với con người khác, điều đó rất không tốt cho sự phát triển của trẻ.
Cha mẹ Nhật không khoe trên mạng xã hội nhưng vẫn lưu lại những khoảnh khắc của con trên nhật ký hay blog riêng, chỉ chia sẻ với bạn bè thân thiết. Bà Kawai Michiko, tác giả cuốn “Hôm nay mẹ sẽ không nổi giận với con” và các chuyên gia nuôi dạy trẻ ở Nhật khuyên các bà mẹ đang nuôi con hãy thường xuyên ghi nhật ký.
Những khi cha mẹ gặp phải những tình huống dễ nổi cáu như con ương bướng, hờn dỗi, không nghe lời, hãy quan sát hành động của con rồi ghi ra nhật kí hay blog để lưu lại hoặc chia sẻ cho những người bạn thân của mình. Đó là một cách để giải tỏa stress, đồng thời khi đọc lại cha mẹ sẽ có cái nhìn khách quan hơn với những suy nghĩ hay tâm trạng của con khi đó và thấu hiểu con hơn.
Những trang viết này sẽ giúp cha mẹ biết lắng nghe con, nhận ra những thay đổi hàng ngày của con, điều mà những lúc nóng giận với con hay bận rộn cha mẹ không có cái nhìn khách quan vậy được.
Là một chuyên gia dữ liệu, chị Amy Webb (Mỹ) quyết định không chia sẻ hình ảnh, thông tin của con lên Facebook hay bất cứ mạng xã hội nào. Theo chị, đó là cách duy nhất để bảo vệ con khỏi các ứng dụng nhận diện khuôn mặt, lộ thông tin cá nhân và bị lạm dụng thông tin trên mạng Internet.
Chia sẻ trên tờ Slate (Mỹ), chị cho biết: “Tôi nhớ rất rõ một bức ảnh chia sẻ trên Facebook là ảnh con gái của bạn tôi đứng bên ngoài ngôi nhà trong bộ bikini màu vàng, địa chỉ nhà ở ngay phía sau lưng cô bé. Bạn tôi chia sẻ bức ảnh với dòng chú thích: “Đi biển chơi nhân dịp Quốc tế Lao động”.
Bức ảnh này nằm trong một album ảnh bao gồm 114 bức ảnh đủ thể loại khác của Kate, từ ngày cô bé chào đời cho đến nay. Tôi hoàn toàn hiểu được mong muốn của bố mẹ Kate khi chụp hình cô bé, nhiều nhất có thể, bởi vì thời thơ ấu đáng yêu này sẽ qua rất nhanh.
Nhưng tôi cũng biết rằng, những bức ảnh bị chia sẻ lên mạng Internet sẽ có thể ảnh hưởng đến Kate khi cô bé trưởng thành, tạo ra những thách thức nhất định đối với tương lai của chính Kate. Có đến hàng trăm bức ảnh “đáng xấu hổ” và riêng tư hồi bé thơ của Kate sẽ tồn tại trên mạng xã hội, ai cũng có thể tìm kiếm và xem được”.
Chia sẻ ảnh con cái trên mạng xã hội sẽ tạo cơ hội cho những kẻ bắt cóc trong thời đại số, đó là một loại trộm cắp danh tính rất nguy hiểm. Tình trạng này xảy ra khi một ai đó chụp ảnh hoặc lấy ảnh con của bạn trên mạng xã hội và sau đó lợi dụng hình ảnh đó phục vụ cho các mục đích xấu. Con của bạn có thể sẽ bị gán cho một cái tên mới và có những người bố mẹ mạo danh khác.
Có rất nhiều trường hợp bắt cóc kiểu như này đã xảy xa. Đơn cử như vào năm 2015, một người lạ đã chụp ảnh một cậu bé 18 tháng tuổi từ trang Facebook của một bà mẹ kiêm blogger và tự ý đăng lên trang Facebook cá nhân và ghi đây là con trai của người này.
Năm 2011, một nhóm tin tặc đã xây dựng một ứng dụng cho phép quét hình ảnh gương mặt bất kỳ và ứng dụng này sẽ ngay lập tức tìm kiếm, đem về các thông tin cá nhân cũng cùng tiểu sử cơ bản của người đó trên điện thoại di động. Các nhà phát triển cũng đã hoàn thiện chế độ nhận diện khuôn mặt API trên Google Glass.
Dù Google đã chính thức cấm dùng các ứng dụng nhận diện khuôn mặt nhưng điều đó vẫn không thể ngăn chặn được các ứng dụng này liên tiếp được phát triển. Đó là mối nguy hại rất lớn cho những đứa trẻ hàng ngày hàng giờ được cha mẹ “khoe” trên mạng xã hội.
Theo chuyên gia về quyền trẻ em tại Đức, bà Sophie Pohle cho biết, trẻ em là một phần của xã hội nên chúng có quyền xuất hiện trên mạng xã hội. Tuy nhiên, mỗi bậc phụ huynh cần tự vấn lại bản thân để biết nên đăng ảnh con cái khi nào. Vấn đề không nằm ở việc nên hoặc không nên đăng ảnh trẻ con mà nằm ở cách chúng ta thực hiện nó sao cho đúng.
Rõ ràng trước khi chia sẻ lên mạng xã hội, hãy luôn hỏi xem chúng có cảm thấy bất tiện hoặc xấu hổ nếu ảnh của mình được chia sẻ hay không. Nếu quyết định chia sẻ, hãy ghi nhớ một số điều trước khi đăng bài.
Đầu tiên là quyền riêng tư. Hãy chọn chế độ bài đăng trong phạm vi danh sách bạn bè, hoặc bạn có thể chọn đăng bài và loại trừ không hiển thị bài đăng với một số người mà bạn không tin tưởng.
Tiếp đó hãy chọn những bức ảnh không có nội dung nhạy cảm và ảnh hưởng tới thanh danh của con trẻ sau này. Chú ý chèn thêm watermark vào những vị trí khó bị xóa trên bức ảnh. Cuối cùng nhớ đề nghị bạn bè và người thân hạn chế đăng ảnh hoặc video của con bạn lên mạng xã hội khi chưa được phép.
Ngoài ra tuyệt đối không nên bật chế độ định vị bức ảnh để tránh để lộ nơi chụp ảnh và mở đường cho kẻ xấu dễ dàng tiếp cận.
Khoản 2 Điều 54 Luật này quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật”.
Theo Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016, hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm.
Điều 16 Công ước về quyền trẻ em cũng quy định: Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em; trẻ em có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp hay công kích như vậy.
Ngày 9/5/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.
Điều 33 giải thích rõ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: Tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.