Văn bản kiểm tra nêu rõ, do bị tác động, tác phẩm bị mất đi lớp sơn bề mặt nên sự uyển chuyển, tinh tế, liên kết giữa các mảng sơn, mảng vỏ trứng, mảng dát vàng đã không còn sự uyển nhã, huyền ảo của nghệ thuật sơn mài Nguyễn Gia Trí.
Xét ở góc độ hư hại về tinh thần, tác phẩm đã bị hư hại khoảng trên 30%. Các mảng vỏ trứng bị trơ ra, mảng dát vàng bị mài mòn nên xét ở góc độ hư hại về vật chất bề mặt tác phẩm thì độ hư hại khoảng 15%.
Cũng theo văn bản, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã giao việc vệ sinh tác phẩm cho ông Lưu Minh Phụng, thợ sơn mài ở TP.HCM. Do không hiểu biết về nghệ thuật hội họa sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, ông này đã sử dụng nước rửa chén và bột chu, giấy ráp 2000 can thiệp quá mức khi làm vệ sinh bề mặt bức tranh.
Văn bản đã đưa ra 4 đề xuất kiến nghị. Thứ nhất, cần lưu giữ bảo quản tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc ở chế độ đặc biệt. Thứ hai, Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM chỉ đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM lập dự án tu sửa tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc một cách thận trọng, khoa học, khắc phục sự hư hại hiện tại ở mức độ tốt nhất.
Bảo tàng cần xây dựng phương án và giải pháp tu sửa, làm thử nghiệm một số vị trí trên tranh; giao việc tu sửa phục hồi tác phẩm cho họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, người đã trực tiếp làm việc với họa sĩ Nguyễn Gia Trí hoặc họa sĩ có chuyên môn, uy tín cao trong nghề làm tranh sơn mài, dưới sự phối hợp giám sát của Trung tâm bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật – Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Thứ ba, lãnh đạo và cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cần rút kinh nghiệm sâu sắc về sự đơn giản, tùy tiện trong công tác bảo quản, bảo dưỡng tác phẩm, thái độ ứng xử với hiện vật bảo tàng, đặc biệt là với bảo vật quốc gia.
Thứ tư, văn bản tham mưu ghi rõ: Cục Di sản văn hóa sớm tham mưu cho lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch ban hành văn bản hướng dẫn về chế độ bảo vệ, bảo quản đặc biệt đối với bảo vật quốc gia.