Sản phẩm dệt thổ cẩm từ lâu đã trở thành món hàng lưu niệm không thể thiếu đối với mỗi du khách khi đến với văn hóa đặc sắc của người dân tộc Thái trắng Tây Bắc nơi đây.
Vực dậy nghề truyền thống
Bản Lác xinh đẹp thuộc xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình) những năm gần đây trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam với những sản phẩm du lịch cộng đồng, homestay, du lịch văn hóa nổi tiếng và đầu tiên của cả vùng Tây Bắc.
Ngày nay, du khách đến với Mai Châu đều không khỏi ngỡ ngàng trước những sản phẩm du lịch văn hóa đa dạng và hấp dẫn, được cung cấp bởi chính những người nông dân “chân lấm, tay bùn”…
Với người phụ nữ dân tộc Thái ở bản Lác, dệt thổ cẩm dường như là một kỹ năng bắt buộc được truyền từ đời nay sang đời khác, qua các thế hệ trong mỗi gia đình. Vậy nhưng, đã từng có một thời những người phụ nữ Thái ở bản Lác không còn dệt nữa.
Vải công nghiệp và văn hóa ăn mặc hiện đại của người miền xuôi đã gần như xâm chiếm và làm mai một thói quen dệt vải, thêu thùa của những người phụ nữ nơi đây nếu như không có sự ra đời của một hợp tác xã (HTX) dệt may, một mô hình không mới nhưng vẫn đem lại hiệu quả.
HTX dệt thổ cẩm Chiềng Châu ra đời năm 2005, khi mà nghề dệt thổ cẩm ở Mai Châu đã gần như mai một. Ban đầu HTX được hình thành từ một dự án của tổ chức JICA (Nhật Bản) nhằm bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nữ ở nông thôn, vùng cao.
Phó chủ nhiệm HTX Vì Thị Oanh cho biết: Ban đầu có 30 chị em hội phụ nữ được JICA tổ chức dạy thêm nghề may bằng máy công nghiệp và cách tạo ra các sản phẩm mới phù hợp với yêu cầu của thị trường và khách du lịch, kết hợp với nghề dệt thổ cẩm sẵn có để sản xuất ra những sản phẩm trên chất liệu thổ cẩm truyền thống.
Sau hai năm thực hiện dự án, đến nay HTX vẫn duy trì được hoạt động tốt, sản xuất đều đặn và có thị trường tiêu thụ ổn định. Thu nhập và đời sống của chị em xã viên ngày một nâng cao với mức thu nhập trung bình mỗi người khoảng 3 triệu đồng một tháng.
Đây là nguồn động lực lớn để HTX nhân rộng mô hình sản xuất, tiếp nhận thêm chị em xã viên và chia sẻ lợi ích từ vốn nghề truyền thống của dân tộc Thái. Đồng thời, đây cũng là phương thức bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa của dân tộc, địa phương.
Người phụ nữ Thái xe sợi làm nguyên liệu dệt thổ cẩm |
Sáng tạo, tìm hướng đi mới
Bây giờ đến Mai Châu, dạo một vòng qua các nhà sàn trong bản sẽ thấy ở mỗi gia đình đều có khung dệt cổ truyền. Cùng với những xã viên đang làm việc tại HTX, có thể nói mỗi gia đình trong bản giờ là một xã viên bởi gia đình nào cũng có khung dệt.
HTX đã tạo điều kiện cho mọi người sản xuất tại nhà theo tiêu chuẩn chất lượng chung rồi thu mua thổ cẩm về may thành sản phẩm hàng hóa theo các đơn hàng. Cũng bởi vậy mà mô hình HTX giờ đã hòa cùng nhịp sống hàng ngày trong thôn bản, trong mỗi gia đình xã viên, tạo thêm điều kiện tham gia và tăng thu nhập.
Những người phụ nữ ở đây thường tranh thủ nông nhàn để dệt
thổ cẩm. Ghé thăm một nhà sàn có sạp trưng bày và bán thổ cẩm tại Bản Lác, tận mắt thấy những cô gái trong trang phục của người Thái trắng duyên dáng vừa giới thiệu sản phẩm cho du khách, vừa nhanh tay dệt những sợi chỉ màu trên chiếc khung dệt thủ công mà như thấy sức trỗi dậy của cả một nét văn hóa đặc sắc.
Và, vui hơn khi cảm nhận sự hài lòng, thích thú của du khách với những món quà tặng, túi xách, váy áo…
Không chỉ gìn giữ những nét hoa văn cổ, người phụ nữ Thái ngày nay biết tìm hướng đi mới, sáng tạo nên những sản phẩm mới từ cái gốc là thổ cẩm truyền thống. Chính điều này vừa đem lại những lợi ích về kinh tế đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
“Những năm gần đây, khi sản phẩm dệt thổ cẩm Chiềng Châu tìm được hướng đi mới, sức sống mới thì khắp trong thôn bản đâu đâu cũng nghe tiếng lách cách của khung dệt. Từ những sản phẩm truyền thống ban đầu, thổ cẩm giờ đã mang thêm những hình dáng mới, phong phú hơn như: khăn, túi, ví, gối, áo, váy, mũ...
Từ đó truyền thống và hiện đại hòa vào nhau trong những sản phẩm được những người nông dân làm ra. Những nét tinh hoa văn hóa truyền thống tiếp tục có cơ hội “sống” trong đời sống cộng đồng, phát triển mạnh mẽ và vươn xa ngoài cộng đồng người Thái, hòa mình vào dòng chảy văn hóa dân tộc và quốc tế.