Bảo tồn truyền thống lịch sử, văn hóa dòng họ Nguyễn Cảnh

GD&TĐ - Ngày 15/1, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Viện sử học cùng Hội đồng gia tộc Nguyễn Cảnh Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Truyền thống lịch sử - văn hóa dòng họ Nguyễn Cảnh Việt Nam” tại nhà Tiền Đường, khu Thái học, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Đông đảo các khách mời tham gia hội thảo.
Đông đảo các khách mời tham gia hội thảo.

Căn cứ vào gia phả và một số tài liệu còn lưu lại tại các nhà thờ họ Nguyễn Cảnh ở khu vực Thanh Chương và Đô Lương, cho thấy họ Nguyễn Cảnh tại Nghệ An có nguồn gốc từ làng Thiên Lý, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương, nay thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh di cư vào vùng đất làng Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương đầu thế kỷ XV.

Trải qua hơn 600 năm tồn tại và phát triển, dòng họ Nguyễn Cảnh với 25 đời, 100 chi họ, trên 100.000 nhân khẩu, cư trú phần lớn ở các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Yên Thành, Quỳnh Lưu và nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh, gắn với nhiều di sản văn hóa liên quan như: Nhà thờ họ, đền, đình làng, miếu, phủ - nơi thờ các vị thần là những nhân vật lịch sử của dòng họ.

Các đại biểu làm lễ dâng hương trước Hội thảo.
Các đại biểu làm lễ dâng hương trước Hội thảo.

Dòng họ Nguyễn Cảnh ở Nghệ An đã sinh ra nhiều danh tướng tài giỏi, đặc biệt thời Lê Trung Hưng con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh ở Nghệ An đã có liên tục năm thế hệ liên tiếp “ông, cha, con, cháu - chắt” làm tướng, có công lớn trong việc trung hưng đất nước của nhà hậu Lê, tiêu biểu như: Đời thứ 5, họ Nguyễn Cảnh có 5 cha con, anh em trong một nhà tham gia công cuộc phò Lê, song người có công lớn được nhiều sử sách ghi chép đến đó là Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan.

Sang đời thứ 6, dòng họ Nguyễn Cảnh có 4 vị Quận công và 11 vị tước Hầu, trong đó có Nham lĩnh hầu Nguyễn Cảnh Kiên, con trai thứ hai của Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan theo cha tham gia trận mạc phục vụ triều đình khi mới 12 tuổi.

Trong sự nghiệp cầm quân của mình, ông đã đánh thắng hơn 40 trận và được triều đình ban phong nhiều chức tước quan trọng như: Đô Đốc đồng tri; Đô đốc phủ tả đô đốc; Nam quân đô đốc phủ tả đô đốc thái y viện chưởng viện sử; Thái bảo tả tư không, Thư quận công.

Bên cạnh công trạng phò Lê diệt Mạc, ông còn là một thầy thuốc giỏi thường xuyên chữa bệnh cho dân nghèo cũng như quan lại thời bấy giờ…

Dòng họ Nguyễn Cảnh còn để lại cho đất nước một cuốn sử quan trọng, mặc dù mang yếu tố là cuốn gia phả liên quan đến một dòng họ song lại được xếp vào hàng quốc sử Việt Nam.

Tại Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được 33 bài tham luận của các nhà khoa học tập trung nghiên cứu vào các nội dung chính như: Lịch sử hình thành và phát triển của dòng họ Nguyễn Cảnh Việt Nam; Thân thế và sự nghiệp của những danh nhân tiêu biểu dòng họ Nguyễn Cảnh; Truyền thống văn hóa của dòng họ Nguyễn Cảnh Việt Nam; Di sản văn hóa dòng họ Nguyễn Cảnh và việc bảo tồn, phát huy hiện nay.

Hội thảo nhằm góp phần tìm hiểu, đánh giá chính xác, khoa học, đầy đủ hơn về lịch sử cũng như những đóng góp của dòng họ Nguyễn Cảnh Việt Nam đối với đất nước, dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ