Thế nhưng có điều, công tác quản lý và phát huy giá trị các công trình nhà cổ đến nay vẫn tồn tại nhiều mặt hạn chế. Dường như chúng ta đang thiếu hụt là cả tri thức và ý thức bảo tồn các công trình nhà cổ được coi như là di sản quý này.
Kiến trúc di sản quý bị lãng quên
Có thể nói cho dù ở giai đoạn nào, dưới góc độ xã hội, những công trình biệt thự, nhà cổ đều là tài sản văn hóa, lịch sử, lưu giữ những giai đoạn lịch sử phát triển nhất định không thể tách rời của đất nước.
Thế nhưng đúng là công tác quản lý, bảo tồn đang thực sự có rất nhiều bất cập. Cho đến nay, chưa có cơ quan nào thống kê cả nước có bao nhiêu nhà cổ, và bao nhiêu ngôi đã bị phá đi theo từng năm. Nhưng có thể khảo sát sơ bộ con số nhà cổ trong các ngôi làng nổi tiếng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Hơn thế, con người, đóng vai trò chủ thể, tạo dựng cái hồn cốt của nhà cổ cũng chưa được quan tâm. Chưa thực sự tạo dựng một cơ chế để mọi người thấy rõ, điều làm nên giá trị của ngôi nhà không chỉ là những hiện vật cấu thành, không gian xung quanh nó, mà còn là chủ thể con người sống trong nó. Sự việc người dân xin trả lại danh hiệu ở Đường Lâm và tiếp đó ở phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) là những minh chứng về sự cứng nhắc về quản lý cũng như cách làm áp đặt.
Phố cổ Hội An (Quảng Nam) |
Hay ngay tại Hà Nội, nơi có rất nhiều biệt thự cổ, kiến trúc Pháp đang rơi vào tình trạng xuống cấp, cũ nát, bị lấn chiếm và biến dạng. Hầu hết các ngôi biệt thự đã thay đổi toàn bộ công năng, biến thành nơi làm việc hoặc chung cư mi-ni, dẫn đến tình trạng tự cải tạo, cơi nới, phá vỡ kết cấu; ảnh hưởng tuổi thọ của công trình, dẫn đến nguy cơ sập đổ.
Và vụ sập biệt thự cổ tại ngõ 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội không chỉ làm cả Hà Nội nhất loạt giật mình, mà thực sự đang gióng lên hồi chuông cảnh báo trong việc bảo đảm an toàn cho những công trình nhà cổ, cũng như bảo tồn kiến trúc, di sản trong cuộc sống hiện đại. Nhất là khi mà chúng ta đang hướng tới bảo tồn các di sản văn hóa, các phố cổ, biệt thự cổ và các ngôi làng giàu truyền thống và bình dị.
Cần có giải pháp tổng thể
Đã đến lúc cần tăng cường công tác quản lý của các cơ quan chức năng trong việc phân định rõ trách nhiệm bảo trì, bảo tồn những công trình nhà cổ; có phương án sửa chữa tránh việc để tái diễn “mạnh ai nấy sửa”, không có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể như suốt thời gian dài vừa qua.
Một ngôi nhà cổ ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), nơi còn lưu giữ những nét kiến trúc, văn hóa xưa hài hòa cùng những nét mới của cuộc sống hiện đại |
Bên cạnh đó cần tăng cường tuyên truyền gìn giữ, đầu tư kinh phí bảo tồn những ngôi nhà thật sự có giá trị. Chỉ khi nào công tác bảo tồn thật sự đi vào bản chất, với sự nỗ lực và tâm huyết của các cơ quan liên quan cùng sự đồng thuận của người dân, thì những di sản nhà cổ sẽ có cơ hội tiếp tục song hành cùng nhịp sống hiện đại.
Một trong những công việc cần được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm lúc này là đánh giá và phân loại giá trị của những ngôi nhà cổ để xác định phương án bảo tồn phù hợp, chứ không phải cách làm “bảo tàng hóa” như lâu nay. Đồng thời có các biện pháp phân loại, đánh giá, xếp hạng theo các tiêu chí về niên đại, loại hình kiến trúc, kết cấu công trình, quy mô... cho nhà cổ để sớm thực hiện ở tất cả các địa phương trong cả nước.