Cháy di tích lịch sử: Không thể thờ ơ

GD&TĐ - Một ngôi đình có lịch sử hơn 300 năm, được cấp bằng di tích lịch sử cấp quốc gia tại huyện Đông Hưng (Thái Bình) vừa bị thiêu rụi trong vụ cháy ngày 27/11. Mặc dù chưa xác định nguyên nhân chủ quan hay khách quan, nhưng câu chuyện hỏa hoạn tại khu di tích vẫn đang là những câu chuyện dài mà ngành bảo tồn di tích phải đối mặt.

Cháy di tích lịch sử: Không thể thờ ơ

Khi “bà Hỏa ghé thăm”

Đình Lưu huyện Đông Hưng (Thái Bình) được xây dựng lần đầu cách đây khoảng 300 năm, thậm chí có tài liệu còn khẳng định được xây dựng vào năm 1.670 thờ Nam Hải Đại Vương. Kết cấu của đình Lưu chủ yếu được làm bằng gỗ lim, nhiều xà, được nối bằng dui mè rất kỹ thuật.

Dù đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng cho đến nay, đình Lưu vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc độc đáo của thời Nguyễn và một số chi tiết mang dáng dấp, phong cách của triều Lê, vẫn còn lưu giữ một số sắc phong quý, có giá trị từ thời Nguyễn.

Với nhiều giá trị độc đáo đó, đình Lưu đã được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia vào năm 1990. Thế nhưng, vừa qua, ngôi đình hơn 300 tuổi này đã bị hỏa hoạn thiêu rụi. Hiện trường chỉ còn lại những mảng tường gạch trơ trọi, mái đình với vì kèo, xà gỗ cháy đen nham nhở, không còn khả năng phục hồi.

Đây không phải lần đầu tiên di tích bị hỏa hoạn, mà thời gian qua, đã từng có nhiều di tích kiến trúc bị “bà Hỏa hỏi thăm”. Có thể kể đến ngôi nhà Lang hơn 100 tuổi cùng nhiều hiện vật quý thuộc Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình) đã bị thiêu rụi. Thiệt hại vật chất còn có thể đo đếm và bù đắp, nhưng thiệt hại về văn hóa không gì bù đắp nổi.

Cách đây gần 2 năm, tại chùa Tảo Sách (Hà Nội), toàn bộ Tam bảo với diện tích 150m2 đã phải hứng chịu một trận hỏa hoạn lớn. Rất may, nhiều tượng quý và đồ thờ tự đã được kịp thời di chuyển đến nơi an toàn.

Năm 2012, một sự cố đáng tiếc về ngôi chùa cổ 700 năm tuổi Trasathkong (thường gọi là chùa Tắc Gồng) tại ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng xảy ra cháy. Đám cháy không gây thiệt hại về người nhưng do chính điện đóng kín, khói và sức nóng làm ảnh hưởng bên trong và những bức hoa văn đặc sắc có từ xưa đã bị bụi đen phủ kín…

Còn quá nhiều bất cập

Thời gian qua, ngành văn hóa đã ban hành nhiều văn bản, thành lập nhiều đoàn kiểm tra về việc phòng, chống cháy nổ, mất cắp tại các di tích. Một số nơi đã làm nghiêm túc, nhất là đối với những di tích văn hóa lớn, được xếp hạng. Tuy nhiên, không ít địa phương lại coi nhẹ vấn đề này.

Có nhà quản lý đã đặt câu hỏi, tại sao trong lúc thiết kế tu bổ, không cho tiến hành xây dựng các trụ cứu hỏa. Với các đình chùa, đền, miếu có diện tích lớn và xa trung tâm, khi cần thì có thể sử dụng tại chỗ? Khó nữa là, các thiết bị PCCC dù được đầu tư, nhưng nếu không được bảo trì bảo quản thường xuyên cũng có ngày hoen gỉ, hỏng, lúc cần nhất lại không thể sử dụng.

Ai cũng biết, phòng cháy quan trọng hơn chữa cháy. Công tác tập huấn PCCC cho người trông coi di tích là hết sức quan trọng. Thế nhưng, có cơ sở di tích khi đề nghị tập huấn PCCC thì… kiêng, đang hẳn hoi lại nói chuyện xui xẻo. Có nơi vào đề nghị tập huấn cho sư trụ trì, gặp được sư trụ trì xong thì bỏ ý định tập huấn vì vị sư đã già yếu. Vì thế, nguy cơ cháy nổ trong di tích, đặc biệt là kiến trúc gỗ là điều ai cũng nhìn thấy.

Mỗi di tích lịch sử văn hóa là một kho báu chứa đựng di sản quý giá của ông cha để lại. Tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn lớn, nhỏ thời gian qua ở nhiều di tích là vấn đề đáng lo ngại nhất. Đối với các di tích văn hóa, nếu có thiệt hại thì không thể đo đếm bằng tiền, bởi chẳng có tiền nào mua nổi giá trị lịch sử.

Có thể thấy, mỗi di sản mất đi, nó không chỉ là sự tổn hại vật chất, mà còn gây tổn thất cho cả nền văn hóa. Câu hỏi buộc phải đặt ra, chúng ta đang thực hiện công tác PCCC thế nào, việc xảy ra cháy do ý thức của du khách, do lơ là buông lỏng hay do chủ quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.