Bảo tồn di sản tư liệu văn hóa: Nhanh lên còn kịp

GD&TĐ - Di sản tư liệu là những tài sản quan trọng của quốc gia mà qua đó chúng ta có thể hiểu được về lịch sử, văn hóa, kinh tế - chính trị và các lĩnh vực xã hội của đất nước. 

Bảo tồn di sản tư liệu văn hóa: Nhanh lên còn kịp

Bên cạnh những di sản tư liệu quý đang được các cơ quan lưu trữ của Nhà nước bảo quản, thì một lượng lớn di sản tư liệu đang được lưu giữ ở các dòng tộc, gia đình và tại không ít di tích đình, chùa… Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì việc bảo vệ và phát huy các giá trị của “kho tàng lịch sử” này đang còn nhiều bất cập.

Kho tàng vô cùng quý giá

Bên cạnh 3 di sản được công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Mộc bản triều Nguyễn, Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442 - 1779) và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang), thì mới đây Mộc bản trường học Phúc Giang và Hệ thống văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới tại Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nếu Mộc bản triều Nguyễn là những bản khắc gỗ chữ Hán – Nôm phản ánh mọi mặt của xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn về lịch sử, địa lý, chính trị – xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ – văn tự… thì các bia đá tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội là nguồn tư liệu phong phú phản ánh giai đoạn lịch sử hơn 300 năm dưới triều Lê – Mạc (1442 – 1779), cho thấy tư tưởng trị quốc dựa vào nhân tài.

Trong khi đó, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm chứa đựng những giá trị có trong kinh, sách, các văn bản về giới luật nhà Phật và một số trước tác về thơ, phú, nhật ký của các vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử riêng có ở Việt Nam. Với những giá trị lịch sử chính trị và văn hóa từ lâu đời, các di sản tư liệu là tài sản quý giá và là minh chứng cho sự hình thành, phát triển của các triều đại trong lịch sử Việt Nam.

Theo số liệu thống kế, Hệ thống văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế hiện tại vẫn bảo tồn được hơn 3.000 đơn vị với đầy đủ các loại hình văn thơ, câu đối, đại tự…. Di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được đánh giá là một di sản tư liệu chân xác hàm chứa một nội dung giá trị được lưu giữ bằng những tác phẩm nghệ thuật vô giá. Những bức tranh, những bức thư pháp được các nghệ nhân tài hoa chạm khảm trên một loại gỗ quý và bền như sắt thép (lim: Thiết mộc) để trang hoàng làm tôn vinh giá trị của các công trình kiến trúc cung đình Huế.

Thách thức trong việc bảo tồn

Nguồn tài liệu lưu trữ này là những bằng chứng lịch sử chứa đựng các thông tin của quá khứ, phản ánh thành tựu sáng tạo của nhân dân qua các thời kỳ khác nhau, cũng là công cụ để quản lý nhà nước, xác lập, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Tuy nhiên, do nước ta trải qua nhiều giai đoạn binh biến lịch sử với chiến tranh, loạn lạc cho nên nhiều khối tư liệu có giá trị đã bị thất lạc. Hiện có nhiều di sản tư liệu vẫn đang được bảo quản ở các nơi thờ tự hay tại các nhà dân. Mới đây, việc “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” được công nhận là di sản tư liệu thế giới đã là một trong những bằng chứng chứng minh việc quyết tâm giữ gìn các di sản tư liệu quý báu đó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những di sản này đã được hội đồng quốc tế kiểm chứng và chúng ta có thêm cơ hội điều kiện pháp lý để bảo vệ các giá trị văn hóa lịch sử của cha ông.

Theo ông Trần Đăng Phương, Trưởng phòng Bảo quản tài liệu (Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1) thì các tài liệu được hình thành từ các vật hữu cơ. Do đó, chúng bắt đầu bị tổn hại ngay khi hình thành và quá trình này diễn ra càng nhiều trong điều kiện môi trường bảo quản kém. Huống chi, các tư liệu ở Việt Nam lại khó giữ được tính bảo toàn do chiến tranh và nhiều lần vận chuyển, cho nên mức độ hư hỏng tương đối lớn, công tác bảo quản cũng trở nên phức tạp hơn.

Theo ông Trần Đăng Phương, công tác bảo quản tư liệu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong đó, việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm kéo dài tuổi thọ của tài liệu lưu trữ có nguy cơ hư hỏng là việc cần được quan tâm. Rõ ràng với một số lượng đồ sộ về di sản văn hóa ở nước ta, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của di sản quả thực không phải điều đơn giản. Bên cạnh công tác tu bổ tôn tạo di tích được các cấp, ngành và toàn xã hội quan tâm, cần phải đẩy mạnh việc học tập và tuyên truyền giáo dục lịch sử, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương tới đông đảo quần chúng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.