Không để mai một bản sắc văn hóa
Lần đầu tiên dự thi cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cậu học trò vùng cao Và Bá Sơn (Trường PT DTBT THCS Nậm Càn huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã vượt quãng đường hơn 200km mang theo những khèn, sáo, cù, quả pao, quả còn… cho phần dự thi của mình. Dự án của em mang tên Bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian các dân tộc thiểu số đối với học sinh vùng Tây Nam Nghệ An.
Nói về dự án của mình, Và Bá Sơn cho biết: Việc lưu giữ và chơi trò chơi dân gian của các dân tộc ở bản làng hiện giờ rất ít. Chỉ vào ngày Tết hoặc những dịp lễ hội mới xuất hiện nhưng không đủ sức thu hút các bạn so với trò chơi điện tử hoặc chơi điện thoại.
Vì vậy, chúng em muốn trò chơi dân gian được xuất hiện nhiều hơn, ở trong trường học và bản làng. Theo em, các trò chơi truyền thống của dân tộc không chỉ có tính tập thể, để các bạn cùng giao lưu, trò chuyện với nhau vui vẻ, mà còn rèn luyện sức khỏe, sự khéo léo của mỗi người.
Cũng với mong muốn bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, 2 em Vừ Y Sếnh, Già Bá Rê (Trường THCS Dân tộc nội trú THCS Kỳ Sơn) đã cùng xây dựng cuốn từ điển tiếng Mông. Cô Nguyễn Thị Quỳnh Sen - giáo viên hướng dẫn của 2 bạn giới thiệu: Dự án Bảo tồn và phát huy chữ viết dân tộc Mông huyện Kỳ Sơn – Nghệ An do Y Sếnh và Bá Rê mày mò, ghi chép, biên soạn.
Bản thân các em là người dân tộc Mông nên rất đam mê, yêu thích và tâm huyết với dự án này. Còn cô không hề biết chữ Mông nên chỉ giúp đỡ các em về thủ tục để dự thi đúng quy định.
Cuốn từ điển vẫn còn khá đơn sơ, nhỏ gọn nhưng đã tập hợp đầy đủ từ ngữ hàng ngày mà học sinh và bà con người Mông đang sử dụng. Các bạn cũng khảo sát tại 33 trường tiểu học, trung học trên địa bàn huyện và cho biết chỉ có có gần 50% số trường có dạy chữ Mông. Số giáo viên có chứng chỉ và dạy được chữ Mông cũng chỉ chiếm 45%.
Phát triển bản sắc văn hóa trong cuộc sống hiện đại
Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An là nơi hội tụ học sinh của nhiều dân tộc nhất trong tỉnh. Năm học 2019 – 2020, trường có 546 học sinh của 9 dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu, Nùng, Thổ, Kinh, Đan Lai. Trong đó tộc người Ơ Đu và Đan Lai là 2 dân tộc rất ít người chỉ phân bố ở Nghệ An.
Việc gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống được nhà trường hết sức quan tâm. Hiện, vào thứ 2 hằng tuần và các ngày lễ lớn trong năm, học sinh đều phải mặc trang phục truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, nhà trường còn có nhiều hoạt động ngoại khóa hay lồng ghép các chương trình giáo dục địa phương của từng môn học.
Vừa qua, cô Vi Thị Hồng và hai học sinh Lầu Nguyễn Hương Giang và Lương Quỳnh Nga đã cùng nhau thực hiện dự án Học sinh dân tộc thiểu số Nghệ An với việc bảo tồn và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Các bạn đi thực tế tại bản Xiềng – huyện Con Cuông – nơi có làng nghề dệt thổ cẩm để tìm hiểu về quá trình sản xuất và đưa ra những giải pháp để bảo tồn và phát triển làng nghề.
Trở về từ chuyến thực tế, các em cùng Đoàn trường phát động cuộc thi thiết kế mẫu mã các sản phẩm thổ cẩm và trình diễn trang phục thổ cẩm... Chia sẻ về quá trình thực hiện, em Lương Quỳnh Nga cho biết: Lâu nay, chúng em vẫn mặc đồ thổ cẩm nhưng chưa hiểu hết ý nghĩa của trang phục truyền thống dân tộc mình.
Ví như hoa văn dệt ở chân váy có hình mặt trời, hoa lá, cỏ cây… biểu trưng cho đất trời và vạn vật sinh sôi nảy nở… Từ sau dự án này, chúng em rất vui bởi đã góp phần nâng cao hiểu biết của học sinh về làng nghề và bồi đắp lòng tự hào về nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Em Lương Thị Nhi và Sầm Thị Khánh Linh (Trường THCS Tiến Thắng) sinh ra và lớn lên ở vùng đất có làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến nổi tiếng của huyện Quỳ Châu, Nghệ An. Tuy nhiên, những sản phẩm dệt mềm mại, hoa văn độc đáo của bà con người dân tộc Thái đang bị cạnh tranh lớn từ nhiều loại hàng hóa sẵn, giá thành rẻ hơn.
Trước thực tế đó, hai bạn đã cùng thực hiện dự án nâng cao nhận thức học sinh Trường THCS Tiến Thắng để bảo tồn, phát triển làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến. “Bởi chính học sinh, người dân bản địa phải biết yêu quý, bảo vệ làng nghề của mình trước tiên”, Khánh Linh chia sẻ. Hai bạn cũng đem theo những sản phẩm khăn, váy, túi, đồ lưu niệm dệt tay giới thiệu cho các bạn miền xuôi và nhận được nhiều lời khen ngợi.
Huyện Quỳnh Lưu, chỉ có duy nhất 5 xóm thuộc 2 xã Tân Thắng và Quỳnh Thắng có bà con người Thái sinh sống. Học sinh ở các xóm này quen với nếp nếp sinh hoạt của người Kinh nên sự hiểu biết về truyền thống của dân tộc mình mai một đi nhiều. Thấy vậy, một thầy giáo Trường THCS Quỳnh Thắng đã lập trang Facebook “Người Thái ở Tân Thắng, Quỳnh Thắng” nhằm mục đích kết nối học sinh và người Thái trong vùng.
Trang thường xuyên cập nhật những thông tin, nội dung liên quan đến sinh hoạt văn hóa người Thái ở địa phương cũng như địa bàn lân cận để lan tỏa, chia sẻ, cung cấp kiến thức, hiểu biết cho học sinh. Bên cạnh đó, trường cũng tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa như: Chơi trò chơi dân gian, thi trình diễn trang phục dân tộc, thi nấu ăn các món truyền thống…
Đặc biệt, một nhóm học sinh của trường đã dựng một clip giới thiệu về văn hóa dân tộc Thái trong vùng. Clip được ghi vào đĩa CD gửi đến các trường học, xóm bản trong hai xã để phát trên hệ thống loa phát thanh.
Các em cũng đã thành lập “Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái” với đối tượng chủ yếu là học sinh, thanh thiếu niên trong trường và mời những người cao tuổi trong tuổi trong xã truyền dạy làn điệu truyền thống của người Thái. Em Lương Thị Duyên, thành viên sáng lập CLB cho biết: Từ khi tham gia câu lạc bộ, chúng em biết rất nhiều về các phong tục tập quán của dân tộc mình và càng có ý thức hơn trong việc gìn giữ, phát huy và bảo tồn những giá trị tốt đẹp đó.