Chính thức mở cửa đón khách đúng ngày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi xa cách đây gần 60 năm, ngày 6/7/2023, bảo tàng mang tên ông tiếp tục trở thành địa chỉ đỏ cùng ghi dấu một chặng đường cách mạng Việt Nam để thế hệ trẻ hôm nay được đến để tìm hiểu, học tập và tiếp bước…
Trong khuôn viên nhỏ - khoảng 500 m2 bảo tàng được xây theo đúng nguyên mẫu ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ngoài sân, các cây roi, khế, vú sữa… bắt đầu vươn cao; chiếc ghế dài đặt cạnh cầu thang… là những hiện vật có khi được mang về từ ngôi nhà năm xưa cũng có khi tái hiện theo nguyên mẫu.
Theo ông Lê Bằng Giang, Phó Giám đốc Bảo tàng, cây roi được trồng bằng chính cành chiết từ cây roi năm xưa ở ngôi nhà số 34. Chiếc ghế dài đúc xi măng theo nguyên mẫu khúc cột điện bê tông phế liệu mà Đại tướng tận dụng làm ghế ngồi trong sân ngôi nhà xưa và Bác Hồ từng ngồi đây trò chuyện cùng ông.
Có thể nói, mỗi dáng cây, hình ghế được đặt trong khuôn viên này… đều cùng gợi nhắc về người con trung hiếu đã hiến dâng cả cuộc đời cho nền độc lập – hòa bình của dân tộc Việt Nam - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Bảo tàng đón khách từ tầng hai, theo đúng cung cách thiết kế của biệt thự cổ kiểu Pháp. Ngay khi cánh cửa xanh được mở ra là tạo hình cánh cung từ hai tấm bảng ghi những dấu mốc cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Ở giữa có bức tượng bán thân thể hiện dung mạo Đại tướng uy nghiêm mà nhân hậu. Cách bài trí ấy đem đến cảm giác ấm cúng, thân tình như thể Đại tướng đang hiện diện và vòng tay chào đón mọi người đến với tư gia để cùng trò chuyện về chặng đường cách mạng Việt Nam mà ông cũng đã góp một phần tài năng, trí tuệ của mình…
Theo chân hướng dẫn viên Thùy Linh, khách tham quan được về với Bình Trị Thiên khói lửa năm xưa để gặp cậu bé Nguyễn Vịnh sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung nông ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền.
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (số 81 Tân Nhuệ, Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mở cửa từ tháng 7/2023. Ảnh: TG. |
Dù cha mất sớm, gia cảnh khó khăn nhưng Nguyễn Vịnh rất có chí hướng, luôn tự học và đã tập viết những nét chữ đầu tiên trên tàu lá chuối sứ.
Từ năm 1931, khi chưa tròn 18 tuổi, người thanh niên này đã tham gia đấu tranh chống cường hào, ác bá ở địa phương để sau đó được giác ngộ và trở thành thủ lĩnh phong trào cách mạng miền Trung và là một trong những yếu nhân trực tiếp góp sức làm nên thắng lợi các cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.
Thật ấn tượng và xúc động trước câu chuyện Nguyễn Vịnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên Nguyễn Chí Thanh, sau đó lúc ra Việt Bắc được Người “Chào ông tướng du kích”… Nối tiếp đó là câu chuyện Đại tướng được mệnh danh là “ông tướng chính trị” rồi “ông tướng nông dân” và là ngòi bút chính luận tiêu biểu của nền báo chí cách mạng với các bút danh: Trường Sơn, Người Quan Sát, S.K.Z.
Nhất là, “ông tướng nông dân” Nguyễn Chí Thanh (khi đảm nhiệm Trưởng ban Công tác Nông thôn Trung ương) đã xuất sắc trong việc tạo ra “một phong cách tư duy và ứng xử mới với nông nghiệp, một phương thức hành động mới trong sản xuất nông nghiệp để người nông dân luôn chủ động, sáng tạo với hiệu quả cao trên cánh đồng của mình”.
Cả chặng đường 36 năm hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được tái hiện đầy đủ ở hàng trăm hiện vật, tài liệu trưng bày trong 2 tầng không gian tuy có phần nhỏ hẹp, song khá khoa học, hiện đại. Mỗi hiện vật từ chiếc cặp, cái mũ, máy ảnh, bộ quần áo, bi đông, đồng hồ, ống nhòm, cây súng trường, chiếc xe đạp…; mỗi tấm hình, tập tài liệu, cuốn sách, hộp thư… hiện diện ở đây đều chờ được khám phá và cùng kể chuyện.
Bảo tàng dành một gian nhỏ để tái hiện phòng khách năm xưa của gia đình Đại tướng lúc sinh thời thật bình dị mà ấm cúng. Ảnh: TG. |
Điều thú vị là các hiện vật không đơn thuần kể về riêng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, mà còn luôn đem đến câu chuyện cả một chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam. Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng luôn dốc sức, dốc lòng tận hiến cho cách mạng, cho Tổ quốc và nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng.
Đọc những câu nói, bài viết năm xưa của Đại tướng được trích dẫn tại bảo tàng càng khâm phục hơn về sự thông tuệ cũng như tầm nhìn còn nguyên tính thời sự đáng để thế hệ hôm nay tham khảo, học tập.
Khi làm Trưởng ban Công tác Nông thôn Trung ương, Đại tướng đi cấy cùng bà con HTX Chiến Thắng, Lý Ninh, Thị xã Đồng Hới, Quảng Bình và sâu sát chỉ đạo: “Cán bộ chúng ta phải rèn luyện tác phong đi sâu, đi sát: Đi sâu vào công tác quản lý, đi sát đồng ruộng, sát xã viên và cố gắng học tập để nắm vững khoa học kỹ thuật. Cán bộ quản trị phải biết rõ tình hình xảy ra trên đồng ruộng…”.
Là người “nổ phát súng đầu tiên trong quân đội chống chủ nghĩa cá nhân”, Đại tướng viết nhiều cuốn sách về vấn đề này thể hiện các quan điểm sát thực như: “Chủ nghĩa cá nhân thể hiện ra từng lúc, từng nơi khác nhau và từng trình độ, từng cương vị của từng người khác nhau nữa…
Trong quân đội thì có khi nó biểu hiện bằng tham ô, lãng phí, công thần, kiêu ngạo, địa vị, đòi hỏi hưởng thụ…” (trích sách “Chống chủ nghĩa cá nhân” của đồng chí Nguyễn Chí Thanh – Phó Bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị).
Bức tượng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lên đường đi công tác tại chiến trường miền Nam năm 1966. Ảnh: Bình Thanh. |
Đại tướng còn “gọi tên”: “Người cá nhân chủ nghĩa thì ngồi không yên, đứng không yên, như bị kiến đốt. Thấy cấp trên được đề bạt cũng buồn. Khi chưa được đề bạt thì mong sao được đề bạt, lúc được đề bạt rồi lại chóng chán, muốn làm sao được “đổi ngôi” mau hơn nữa. Thấy đồng chí có gì hơn mình cũng không vui, kém người cái gì đêm nằm đã phải giở mình luôn”…
Đại tướng ra đi chỉ ít giờ trước khi lên đường trở lại chiến trường miền Nam – ngày 6/7/1967 để chuẩn bị cho “kế hoạch Mậu Thân năm 1968 mà anh Nguyễn Chí Thanh đã đề xuất sớm tại chiến trường…” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Sự ra đi bất ngờ này được CIA đánh giá trong bản thông tin tình báo những khó khăn cho Bắc Việt sau cái chết của Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Chí Thanh (Hồ sơ tối mật số 1365): “Với cả lai lịch quân sự lẫn kinh nghiệm chính trị, ông Nguyễn Chí Thanh là người khó thay thế… Từ đầu năm 1965, ông Thanh là nhân vật số một tại Trung ương Cục miền Nam… Có rất ít nhân vật có uy tín và tầm vóc có thể thay thế được ông”…
Ngoài ra, cùng hiện diện tại không gian bảo tàng còn có những bức tượng đồng, do nhiều đơn vị, cá nhân hiến tặng, tái hiện nhiều khoảnh khắc xúc động như: Bác Hồ thăm gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Việt Bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với: Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, luật sư Nguyễn Hữu Thọ và bà Nguyễn Thị Định, nhà thơ Tố Hữu, chiến sĩ Sư đoàn 5 – miền Đông Nam Bộ…; Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lên đường đi công tác tại chiến trường miền Nam năm 1966, ngồi đọc sách tại chiến khu D - 1966…
Cũng tại đây, lán làm việc của Đại tướng tại Trung ương Cục miền Nam từ 1964 - 1967 được tái hiện với tỷ lệ 1:3 do nhóm nghệ nhân ở Tân Biên, Tây Ninh thực hiện. Một số hiện vật mà Đại tướng từng sử dụng trong thời gian này như: Đài, quả địa cầu, đèn bão… vẫn được gìn giữ và hiện diện.
Đặc biệt, bảo tàng dành một gian nhỏ để tái hiện phòng khách năm xưa của gia đình Đại tướng lúc sinh thời thật bình dị mà ấm cúng. Theo ông Phạm Văn Phi, Giám đốc Bảo tàng, từ sự tự nguyện đóng góp của các thành viên trong gia đình Đại tướng, bảo tàng được thiết kế với ý tưởng tạo không gian đầm ấm, gần gũi với công chúng, giống như cuộc đời và tính cách của Đại tướng.
“Công tác trưng bày và làm chú thích song ngữ Việt/Anh cho hình ảnh, tài liệu hiện vật do gia đình gìn giữ và bạn bè, đồng nghiệp hiến tặng… thực hiện cẩn trọng mấy tháng qua vẫn tiếp tục được rà soát theo ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học và đối chiếu với lịch sử làm sao chuẩn xác nhất, trung thực nhất có thể.
Để thu hút công chúng, chúng tôi đẩy mạnh công tác truyền thông, ký kết với các nhà trường, đơn vị, học viện để đưa khách đến tham quan với bảo tàng. Đồng thời, chúng tôi sẽ đưa ứng dụng công nghệ thuyết minh tự động, chiếu phim, mở thư viện… giúp mọi người dễ dàng tiếp cận với các nguồn tư liệu”, ông Phi cho biết.
“Với thế hệ trẻ chúng tôi mới chỉ biết đến Đại tướng thông qua các cung đường hoặc một số câu chuyện lịch sử ngắn. Làm hướng dẫn viên cho bảo tàng là dịp được nghiên cứu kỹ hơn về những chặng đường Đại tướng đã đi qua, những chức danh, chức vị mà ông đã từng đảm nhiệm và những đóng góp của Đại tướng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, tôi cảm thấy rất biết ơn và tự hào.
Cách bố trí, trưng bày hiện vật khoa học, hình thức bắt mắt và có không gian tái hiện lúc làm việc hay sinh hoạt đời thường của Đại tướng đem đến cho người xem cái nhìn sống động hơn, hình dung được rõ nét hơn về những chặng đường mà Đại tướng đã đi qua. Đây sẽ là một điểm đến rất hữu ích với các bạn trẻ vì không dễ gì chúng ta có thể tìm hiểu một cách sống động, khách quan bằng việc đến trực tiếp bảo tàng” - Hướng dẫn viên Thùy Linh.