Sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc tại căn cứ hải quân Ream ở Campuchia vẫn tiếp tục trong nhiều tháng, mặc dù lý do được nêu trước đó cho việc này (cuộc tập trận hải quân chung hồi tháng 5 của hai nước) đã cách xa từ lâu.
Theo ghi nhận, Trung Quốc rõ ràng đã đưa vào vận hành cơ sở quân sự nước ngoài mới nhất của mình, ấn phẩm quân sự Breaking Defense của Mỹ đưa tin.
"Những người đã theo dõi đều cho rằng đây sẽ không phải là căn cứ cuối cùng. Các quan chức quốc phòng, tình báo Mỹ và nhiều nhà phân tích khác đã theo dõi hàng chục quốc gia có thể đặt các cơ sở như vậy trong tương lai", tờ Breaking Defense nói thêm.
Những lo ngại của Mỹ về căn cứ Ream lần đầu tiên vào năm 2019, khi Campuchia bất ngờ từ chối "sự hỗ trợ" của Mỹ để hiện đại hóa cơ sở nói trên.
Mỹ ngay lập tức bày tỏ nghi ngờ rằng Campuchia đang lên kế hoạch cho phép sự hiện diện quân sự của Trung Quốc. Washington - theo cách ưa thích của mình, đã sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức Campuchia và áp đặt lệnh cấm vận vũ khí.
Phnom Penh đưa ra phản ứng khi thay thế toàn bộ vũ khí, thiết bị quân sự của Mỹ trong quân đội mình bằng các mẫu của Trung Quốc và một phần của Nga.
Ngoài ra hình ảnh vệ tinh cho thấy sự phá hủy nhanh chóng và rõ ràng một công trình kiến trúc ở Ream mà trước đây được xây dựng bằng tiền của Hoa Kỳ.
Campuchia đang chính thức thực hiện quá trình hiện đại hóa mới và được đẩy nhanh đáng kể tại căn cứ Ream, mặc dù nước này không che giấu sự thật rằng nó được tài trợ bởi “sự hỗ trợ từ Trung Quốc”.
Các quan chức Phnom Penh tuyên bố rằng: "Việc nâng cấp sẽ bao gồm một ụ khô, một bến tàu mở rộng và việc nạo vét để cho phép tiếp nhận các tàu có tải trọng lên tới 5.000 tấn. Cầu tàu mở rộng, dài gần 300 m được hoàn thành vào nửa đầu năm 2023 và hai tàu hộ tống của Hải quân Trung Quốc đã cập cảng vào tháng 12".
Các nhà phân tích quân sự Mỹ lưu ý rằng những chiến hạm này đã cùng với 3 tàu chiến Trung Quốc khác tham gia vào cuộc tập trận Rồng Vàng song phương hàng năm từ tháng 4 đến tháng 5. Tới ngày 2/7, đại diện Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết tàu chiến Trung Quốc lại đến Ream.
Trước tình hình trên - ông Thomas Shugart, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ kết luận: "Đây là dấu hiệu cho thấy Hải quân Trung Quốc sẽ có sự hiện diện thường trực ở Campuchia, mặc dù dưới hình thức 'luân phiên'”.
"Lầu Năm Góc lo ngại rằng Trung Quốc có thể sẽ sử dụng căn cứ Ream để hỗ trợ các hoạt động ở phía Nam Biển Đông, Vịnh Thái Lan và phía đông Ấn Độ Dương, bao gồm cả hàng không nếu một sân bay gần đó được chuyển đổi sang mục đích quân sự, cũng như để mở rộng thu thập thông tin tình báo".
"Ream gần eo biển Malacca hơn - một hành lang quan trọng cho hàng hóa và đi giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương", tờ Breaking Defense nói rõ.
Ấn phẩm nhắc lại rằng các công ty Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở cảng trên khắp thế giới, bao gồm cả “những cơ sở có công dụng kép” - dành cho các hoạt động thương mại nhưng có khả năng hỗ trợ hoạt động quân sự.
Trung Quốc thành lập căn cứ hải quân ở nước ngoài đầu tiên ở Djibouti, công bố kế hoạch vào cuối năm 2015 và khai trương cơ sở này vào năm 2017. Những lực lượng tiến hành tuần tra “chống cướp biển” và các hoạt động tương tự đều đóng quân tại đây.
"Hai căn cứ của Trung Quốc đều có quy mô khiêm tốn, đều cách xa mạng lưới căn cứ toàn cầu của Mỹ, nhưng tốc độ xây dựng của Bắc Kinh đã khiến Washington lo ngại".
"Đánh giá mối đe dọa thường niên mới nhất của cộng đồng tình báo Mỹ cho biết, Bắc Kinh đang xem xét việc triển khai quân sự ở một số địa điểm như Myanmar, Cuba, Guinea Xích Đạo, Pakistan, Seychelles, Sri Lanka, Tajikistan, Tanzania và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất", tờ Breaking Defense nói thêm.
Ấn phẩm này cũng trích dẫn một báo cáo gần đây của AidData (một nhóm phân tích quân sự tại Đại học William & Mary có trụ sở tại Williamsburg, Virginia) về 7 “địa điểm có khả năng nhất mà Trung Quốc có thể thiết lập căn cứ hải quân trong 2 - 5 năm tới”.
Danh sách này bao gồm Hambantota (Sri Lanka), Bata (Guinea Xích Đạo), Gwadar (Pakistan), Kribi (Cameroon), Loganville (Vanuatu), Nacala (Mozambique) và Nouakchott (Mauritania).