Báo Mỹ bình chọn chiến đấu cơ tệ nhất Liên Xô từng chế tạo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tạp chí 19FortyFive của Mỹ dành những đánh giá rất thấp đối với chiến đấu cơ Su-17/Su-22 Fitter của Liên Xô.

Chiến đấu cơ Su-17 Fitter của Không quân Liên Xô.
Chiến đấu cơ Su-17 Fitter của Không quân Liên Xô.

Chiến đấu cơ Su-17 Fitter (Thợ lắp máy) được Liên Xô thiết kế nhằm phá hủy các cỗ máy chiến tranh của kẻ thù hơn là sửa chữa chúng như tên gọi mà NATO đặt cho.

Su-17 Fitter thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 2/8/1966 và chính thức gia nhập biên chế Không quân Liên Xô năm 1972 với tư cách máy bay cánh cụp cánh xòe đầu tiên của lực lượng này.

Tổng cộng có 2.867 chiếc Fitter được xuất xưởng trong giai đoạn 1969 - 1990, có khoảng 30 khách hàng nước ngoài của loại tiêm kích-bom này bao gồm Iraq, Libya, Syria, Ba Lan, Peru... họ nhận biến thể xuất khẩu với tên định danh Su-22.

Máy bay chiến đấu Su-17 là sự phát triển từ Su-7 - một tiêm kích tấn công cánh xuôi rất chắc chắn ra đời từ năm 1955.

Để cải thiện tầm hoạt động và hiệu suất của Su-7, Sukhoi đã sửa đổi chiếc phi cơ với đôi cánh thay đổi hình dạng, từ đó tạo ra Su-17.

Phương Tây ban đầu tin rằng Su-17 chỉ là một máy bay thử nghiệm với nỗ lực sơ khai nhằm thử nghiệm công nghệ cánh cụp cánh xòe. Tuy nhiên thiết kế đã thành công đến mức Liên Xô tiến hành sản xuất một mẫu được gọi là Su-17M Fitter-C.

Phiên bản này được trang bị động cơ mới mạnh mẽ và tiết kiệm nhiên liệu hơn, đi kèm với đó là hệ thống định vị và tấn công được cải tiến rõ rệt.

Fitter có chiều dài 19,03 m, sải cánh 10,02 m khi cụp hoặc 13,68 m khi xòe, chiều cao 5,12 m, trọng lượng rỗng 12.160 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 19.430 kg. Tốc độ lớn nhất của Su-17/22 đạt Mach 1,77 (1.860 km/h) và trần bay 14.200 m.

Vũ khí của Fitter bao gồm 2 pháo 30 mm NR-30, các điểm treo ngoài mang được tên lửa không đối không K-13 (AA-2 Atoll), R-60 (AA-8 Aphid) hoặc tên lửa không đối đất như Kh-25ML/AS- 10 Karen, Kh-58E/AS-11 Kilter, Kh-25MP/AS-12 Kegler, Kh-29/AS-14 Kedge...

Một chiếc tiêm kích-bom Su-22M4 Fitter của Không quân Ba Lan.

Một chiếc tiêm kích-bom Su-22M4 Fitter của Không quân Ba Lan.

Các biến thể Su-17/Su-22 Fitter đã tham chiến trong nhiều cuộc xung đột, bao gồm Chiến tranh Iran - Iraq, Vịnh Ba Tư (Chiến dịch Bão táp sa mạc), xung đột Chadian - Libya và Nội chiến Libya.

Nghiên cứu chỉ ra rằng Fitter tạm ổn trong vai trò cường kích, nhưng thống kê lại cho thấy nó có màn thể hiện ở mức "thảm họa" khi bị kéo vào những trận không chiến.

Những chiếc Su-17 và Su-22 bị xem là con mồi dễ dàng đối với các phi công chiến đấu của Iran và Mỹ. Ví dụ trong sự cố Vịnh Sidra vào ngày 19/8/1981, hai chiếc Su-22 của Libya đã bị bắn hạ bởi F-14 Tomcat của Hải quân Mỹ.

Đến Chiến tranh vùng Vịnh, vào ngày 7/2/1991, hai chiếc Su-22 và một chiếc Su-7 đã bị F-15 Eagle của Không quân Mỹ bắn hạ bằng tên lửa AIM-7 Sparrow, tới tháng sau, thêm hai chiếc Su-22 nữa bị phi công Mỹ tiêu diệt.

Gần đây nhất, vào ngày 18/6/2017, một chiếc F/A-18E Super Hornet của Hải quân Mỹ đã bắn hạ Su-22 của Syria sau khi Fitter tiến vào khu vực của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn.

Nhược điểm chính của Su-17/22 là không có radar mà phải sử dụng hệ thống ngắm quang điện tử Klen-PS/54 để dẫn đường cho vũ khí, trong khi "cửa sổ" của tổ hợp này lại có góc quan sát khá hạn chế.

Không chỉ có vậy, kết cấu cánh cụp cánh xòe của Fitter mang tới độ cơ động thấp, phức tạp khi đảm bảo kỹ thuật, cho nên Su-17 Fitter đã bị Không quân Nga loại biên sớm sau khi thừa hưởng chúng từ Liên Xô.

Theo 19FortyFive

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.