Bạo lực bắt đầu từ đâu?

GD&TĐ - Trước những vụ việc học trò đánh nhau, nhiều người lập tức quy tội cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, hãy bình tĩnh phân tích căn nguyên sự việc và suy nghĩ xem nên làm thế nào để không còn những vụ việc đau lòng tương tự?

Sống trong môi trường gia đình không bạo lực là điều kiện tốt để vun xới một tâm hồn thánh thiện (Ảnh minh họa)
Sống trong môi trường gia đình không bạo lực là điều kiện tốt để vun xới một tâm hồn thánh thiện (Ảnh minh họa)

Vụ việc nữ sinh bị đánh hội đồng bởi 5 bạn gái cùng lớp 9, có cả bạn bè thản nhiên quay phim và ngồi xem, không can ngăn đã gây nên một làn sóng căm phẫn mạnh mẽ trong dư luận.

Nếu bạn là bố mẹ cô bé bị bạo hành, bạn sẽ làm gì khi thấy cảnh ấy? Tôi đồ rằng sẽ có 99% bố mẹ lao vào "xử lý" những đứa trẻ đang hành hạ con mình. Tôi cũng nằm trong số 99% này.

Mọi người có cho rằng mình làm đúng khi đánh bọn trẻ không?. Ai cũng hiểu sử dụng vũ lực với kẻ yếu hơn là hèn và sai. Nhưng tại sao mọi người vẫn lao vào đánh người khác bất chấp hậu quả?

Khi bạn tức giận, não bạn sẽ điều khiển tuyến thượng thận tiết ra các hoá chất gây hại cho cơ thể và đặc biệt gây tê liệt phần vỏ não người và lúc ấy chỉ có não thú được sử dụng nên bạn trở nên hung hãn, độc ác. Trong gia đình, nếu bạn thường xuyên hành xử trong cơn tức giận thì con cái bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Đứa bé sống trong gia đình ứng xử bằng bạo lực sẽ trở thành kẻ bạo lực trong xã hội và trong chính gia đình của nó. Hoặc có thể đứa bé đó sẽ trưởng thành, cư xử ôn hoà do học hỏi kinh nghiệm từ sự thất bại của cha mẹ nhưng trong tiềm thức vẫn là ngọn núi lửa đang ngủ. Vì thế có những đứa trẻ rất hiền nhưng lại rất "cục tính".

Như vậy để bọn trẻ không ứng xử bạo lực thì người cần được giáo dục đầu tiên chính là cha mẹ chúng, ngay tại chính môi trường giáo dục đầu tiên - đó là gia đình.

Vậy có lý giải nào cho những đứa trẻ quay phim?

Chỉ đơn giản là mạng xã hội đã khiến hình thành những người ưa thích sự nổi tiếng. Và vì không có gì độc lạ để nổi tiếng, bọn trẻ bèn mượn hoặc tạo ra những tình huống gây sốc để mọi người phải chú ý đến chúng.

Phải nói rằng, sáng kiến nút "like" của Facebook là một công cụ tâm lý dẫn dắt hành vi vĩ đại nhất của thế kỷ và công nghệ số. Người ta sung sướng hay buồn bã đều dựa vào cái nút thần thánh này. Thật kỳ lạ!

Còn những đứa trẻ ngồi xem không can thiệp?

Những đứa trẻ này là sản phẩm giáo dục lỗi khi mà từ gia đình đến nhà trường chúng đều được dạy rằng: "Không phải chuyện của mày đừng xía vào!” ; "Phải luôn nghe lời người lớn. Cấm cãi!” hoặc "Đừng can thiệp chuyện người khác mà mắc vạ”...

Nhiều bố mẹ thấy con quan tâm công tác xã hội thường mắng con lo chuyện "hàng tổng". Biết con đang giúp bạn học thì nhiếc móc con mất thời gian, phải biết lo thân mình trước đi. Và còn nhiều điều khác nữa khiến đa số người Việt đã quen với việc không thích hoặc không dám can thiệp vào những điều sai trái, chỉ lo bình yên cho bản thân. Thậm chí khi các bạn nước ngoài đi nhặt rác ở Việt Nam thì nhiều người Việt còn chê cười họ là khùng điên vớ vẩn.

Sự ích kỷ và bỏ rơi đồng loại là hành vi còn thua loài vật!

Tất cả học sinh của lớp này không vô can trong câu chuyện đau lòng khi mà đứa bé bị đánh đã thường xuyên bị bắt nạt.

Tôi cho rằng, không chỉ những đứa bé tham gia đánh bạn mà tất cả thành viên trong lớp đó đều cần được giáo dục lại. Và đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm của lớp cũng cần xem lại và điều chỉnh nghiệp vụ sư phạm của mình bởi sự quan tâm, hiểu biết, phương pháp và tình yêu thương chưa đủ để cảm hoá, giáo dục, kiểm soát và điều chỉnh hành vi của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ