Bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên: Co kéo để lo cho trò

GD&TĐ - Theo quy định, nhà trường được trích lại 5% từ tổng tiền thu bảo hiểm y tế để sử dụng cho công tác y tế học đường.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Bản Khoang (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) được khám sức khỏe hằng năm. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Bản Khoang (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) được khám sức khỏe hằng năm. Ảnh: NTCC

Số tiền này dùng mua thuốc và thiết bị y tế… Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng kinh phí trích lại chỉ đủ mua sổ theo dõi sức khỏe, tổ chức khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm học cho học sinh.

Danh mục thuốc không phù hợp

Với đặc thù trường dân tộc nội trú, học sinh học tập, sinh hoạt tại trường, bởi vậy công tác y tế học đường luôn được Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn quan tâm và chú trọng.

Cô Vương Xuân Thuận - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Công tác y tế trường học đóng vai trò quan trọng trong hoạt động chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe học sinh, khi học tập và sinh hoạt tại trường; đảm bảo an toàn và phù hợp với sự phát triển thể chất, tinh thần của học sinh theo lứa tuổi. Sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng và tốc độ phát triển của học sinh cũng được theo dõi và quản lý để đảm bảo duy trì và nâng cao sức khỏe”.

Học sinh THPT trong giai đoạn phát triển thể chất, tinh thần và hình thành thói quen chăm sóc sức khỏe. Môi trường học tập nội trú tập trung đông người làm tăng nguy cơ mắc, lây lan dịch bệnh học đường. Y tế trường học thông qua công tác truyền thông, giáo dục cung cấp và trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe, thực hành vệ sinh cá nhân, môi trường góp phần phòng bệnh; phát hiện sớm, quản lý, dự phòng, tư vấn sức khỏe (thể chất và tinh thần), đảm bảo dinh dưỡng và hình thành những hành vi có lợi cho sức khỏe.

Đồng thời để đảm bảo sức khỏe của học trò, nhân viên y tế nhà trường thường xuyên túc trực 24/24 giờ tại trường; theo dõi nắm bắt tình hình thực tế để hỗ trợ, phát hiện em nào bị ốm, sốt và có phương án xử lý. Vào đầu mỗi năm học, nhà trường phối hợp với trung tâm y tế xã tổ chức khám bệnh ban đầu, lập sổ theo dõi sức khỏe cho mỗi học sinh suốt 3 năm học.

Cô Thuận cũng cho biết thêm, ngoài khoản trích lại 5% từ tổng thu bảo hiểm y tế để sử dụng cho công tác y tế học đường, đối với trường DTNT, một phần kinh phí thực hiện theo Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT, do đó quá trình chăm sóc y tế của học sinh cũng tốt hơn. Cùng đó, cô Thuận cũng chỉ ra những khó khăn trong công tác y tế học đường như danh mục thuốc theo văn bản quy định đã lâu nên nhiều loại không còn phù hợp.

Trường PTDTBT Tiểu học Bản Khoang (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) hiện chưa có nhân viên y tế học đường. Do đó, nhà trường phải cử giáo viên kiêm nhiệm đồng thời thành lập tổ công tác chăm sóc sức khỏe học sinh. Hằng năm, trường phối hợp với Trung tâm y tế xã khám sức khỏe học sinh; cho các em tiêm phòng, uống thuốc tẩy giun, theo dõi sức khỏe…

Thầy Hiệu trưởng Hoàng Hồng Giang chia sẻ: “Không có nhân viên y tế, giáo viên phải kiêm nhiệm nên rất khó khăn, nhiều sự việc phát sinh cần người có chuyên môn sâu, đây cũng là bất lợi trong triển khai công tác y tế học đường”.

bao-hiem-y-te-cho-hoc-sinh-sinh-vien2-802.jpg
Trường Tiểu học số 1 thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) tổ chức tuyên truyền sức khoẻ cho học sinh. Ảnh NVCC

Xoay xở cho đủ

Khoản 1, Điều 33 của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định trích 5% từ bảo hiểm y tế để lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế để mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường, tổ chức khám, chữa bệnh trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

Ông Phạm Văn Tuân - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo (Điện Biên) cho biết, trên thực tế, kinh phí trích lại từ bảo hiểm y tế chưa đáp ứng nhu cầu bao quát toàn bộ chi phí liên quan đến công tác y tế trường học, trang thiết bị vật tư y tế thuốc tăng cao. Điều này dẫn đến thách thức trong việc đảm bảo đầy đủ các dịch vụ y tế cần thiết cho học sinh, như cung cấp thuốc men, trang thiết bị và duy trì các hoạt động y tế khác ngoài khám sức khỏe định kỳ.

Vì vậy, việc sử dụng kinh phí hiệu quả cũng như cần có nguồn hỗ trợ bổ sung từ chính quyền địa phương hoặc các tổ chức liên quan, có thể là giải pháp để giải quyết khó khăn này.

Ông Tuân cũng cho biết thêm, thực hiện Công văn 4719/BGDĐT-GDTC hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học năm học 2024 - 2025, Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với y tế xã tổ chức khám sức khỏe ít nhất 2 lần/năm học cho học sinh nhằm sớm phát hiện các vấn đề về sức khỏe để có biện pháp xử lý kịp thời.

Chủ động phòng chống dịch bệnh trong trường học được đẩy mạnh, bao gồm tuyên truyền vệ sinh cá nhân, theo dõi sức khỏe thường xuyên và triển khai các biện pháp khử khuẩn.

Giáo dục học sinh thói quen lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, cách phòng chống các bệnh học đường như cận thị, cong vẹo cột sống, béo phì, rối loạn ăn uống. Các trường học đều có phòng y tế với đầy đủ trang thiết bị sơ cấp cứu cơ bản để ứng phó nhanh các tình huống khẩn cấp như tai nạn, ngộ độc, bị thương…

Bên cạnh đó, ngoài sử dụng nguồn kinh phí trích từ quỹ bảo hiểm y tế học sinh, công tác y tế học đường còn nhận kinh phí từ các nguồn khác. Ví như chính quyền địa phương có trách nhiệm bố trí kinh phí từ ngân sách để hỗ trợ các trường học nâng cao cơ sở vật chất y tế học đường. Nguồn này được sử dụng để mua sắm trang thiết bị, thuốc men và cải thiện điều kiện vệ sinh trường học.

Một số trường học có thể kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức xã hội để tài trợ cho các hoạt động y tế học đường để mua thêm thiết bị y tế hoặc cải thiện cơ sở hạ tầng y tế.

Tương tự, Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (Lạng Sơn) đã ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trường thực hiện nghiêm túc quy định về tham gia bảo hiểm y tế học sinh; tăng cường tuyên truyền về trách nhiệm, quyền hạn tham gia bảo hiểm y tế học sinh để phụ huynh hiểu và thực hiện. Các trường rà soát số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiến hành huy động xã hội hóa nộp bảo hiểm cho học sinh đó.

“Đối với nguồn kinh phí được trích lại, phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường quản lý và sử dụng đúng quy định như thăm khám sức khỏe cho học sinh, mua thuốc thiết yếu, thiết bị y tế trong quy định của y tế học đường của các trường nhằm đảm bảo sức khỏe học sinh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp”, ông Ngô Văn Hiền - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan thông tin.

Phòng GD&ĐT luôn chú trọng nắm bắt những khó khăn mà các trường học gặp phải, chẳng hạn như thiếu kinh phí, nhân lực y tế, hoặc cơ sở vật chất không đủ tiêu chuẩn, từ đó đề xuất giải pháp để hỗ trợ. Đó có thể là tăng cường xã hội hóa, tìm kiếm nguồn tài trợ từ các tổ chức xã hội, hoặc đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ thêm kinh phí. - Ông Phạm Văn Tuân (Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo, Điện Biên)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.