Bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên: Chuyện không đáng có

GD&TĐ - Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những khoản thu hộ mà nhà trường thực hiện từ đầu năm học. 

Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi. Ảnh: Thành Tâm
Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi. Ảnh: Thành Tâm

Sẽ không có gì để nói nếu thời gian qua không xuất hiện tình trạng phụ huynh đóng tiền nhưng nhà trường lại quên mua thẻ BHYT. Dù không nhiều nhưng năm nào cũng xảy ra “sự cố” này khiến phụ huynh giảm niềm tin và ảnh hưởng quyền lợi của người học.

Hi hữu “quên”

Mới đây, sự việc “quên” mua BHYT cho học sinh xảy ra tại Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên và bức xúc. Sự việc vỡ lở khi có học sinh nhập viện điều trị nhưng không thể thanh toán BHYT, dù em này đã đóng tiền để mua thẻ.

Có con học tại Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi, chị H., chia sẻ, đầu năm học 2023 - 2024, gia đình đóng 632.000 đồng cho văn thư trường để mua BHYT. Tháng 7/2024, con chị không may nhập viện điều trị. Khi chị đưa BHYT của con thì được bệnh viện thông báo đã hết hạn 7 tháng.

Do đó, gia đình phải đóng toàn bộ viện phí hơn 3 triệu đồng để chữa bệnh. Sau đó, chị lên trường hỏi thì được thông báo, do văn thư không đóng tiền gia hạn thẻ BHYT cho nhiều học sinh, trong đó có con chị.

Liên quan đến sự việc trên, ông Phạm Tiến Hưng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết, đơn vị đã chỉ đạo Thanh tra thành phố triển khai thanh tra toàn diện đối với Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi.

“Do sự việc phức tạp, để kết luận phải có cơ sở chính xác, khách quan. Muốn vậy, phải thanh tra toàn diện. Chúng tôi giao cho Thanh tra thành phố thực hiện việc này, trong đó có nội dung huy động mua bảo hiểm cho học sinh từ năm 2021 đến nay”, ông Phạm Tiến Hưng chia sẻ.

Từ năm học 2021 - 2022, Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi giao cho bà Lê Thị Thanh Huế - nhân viên văn thư, kiêm thủ quỹ phụ trách thu tiền BHYT của học sinh để nộp lên BHXH tỉnh. Chia sẻ thông tin, ông Nguyễn Hữu Luật - Trưởng phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột đồng thời cho hay: Đến ngày 18/9/2024, Trường nhận được thông tin, phụ huynh phản ánh về việc học sinh đóng tiền nhưng chưa được gia hạn thẻ BHYT dẫn đến không được hưởng chế độ khám, chữa bệnh theo quy định.

“Sau khi kiểm tra hồ sơ thu nộp cho thấy, việc phụ huynh phản ánh là đúng, cô Huế đã xin lỗi phụ huynh và thực hiện bồi thường toàn bộ kinh phí điều trị cho học sinh nằm viện. Đồng thời, khắc phục hậu quả theo yêu cầu của cơ quan quản lý”, ông Nguyễn Hữu Luật cho biết.

bao-hiem-y-te-cho-hoc-sinh-sinh-vie2n-9543.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Bài học đắt giá

Cũng theo Trưởng phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột, quá trình kiểm tra phát hiện thêm 134/278 học sinh nộp chậm BHYT từ 1 tháng đến 8 tháng. Nhận thấy sự việc trên gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín của ngành, phòng GD&ĐT chỉ đạo tập thể lãnh đạo Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo các hoạt động của đơn vị. Đồng thời yêu cầu lãnh đạo trường căn cứ mức độ vi phạm của cô Huế, có hình thức kiểm điểm phù hợp.

“Vụ việc hi hữu này là bài học đắt giá cho cá nhân, tập thể và toàn ngành Giáo dục của địa phương”, ông Nguyễn Hữu Luật nhìn nhận. Cô Huế đã khắc phục hậu quả bằng cách nộp số tiền thiếu với cơ quan bảo hiểm và trả lại số tiền thừa cho phụ huynh học sinh (trừ những gia đình bận chưa tới nhận). Tuy nhiên, sự việc có liên quan đến công tác quản lý cũng như trách nhiệm của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi.

Theo đại diện Phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột, phải chờ kết luận Thanh tra mới đầy đủ cơ sở để xử lý vụ việc. Tuy nhiên, với vai trò người đứng đầu đơn vị, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi Phạm Đình Lai phải chịu trách nhiệm do buông lỏng quản lý. Trước hết là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, sau nữa là trách nhiệm của một người thầy. Lẽ ra, hiệu trưởng phải kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, thậm chí tìm nguồn để hỗ trợ mua BHYT cho học sinh khó khăn.

“Quên” nộp tiền BHYT của học sinh cho cơ quan bảo hiểm không phải lần đầu xảy ra. Ngay đầu năm nay, kế toán của Trường tiểu học Thanh Hà (Thanh Chương, Nghệ An) là ông Võ Đình Thắng cũng bị kỷ luật khiển trách vì đã thu tiền mua BHYT của học sinh nhưng “quên” không nộp về cơ quan bảo hiểm để cấp thẻ BHYT cho các em.

Theo ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa, để xảy ra những sự việc nêu trên là điều đáng tiếc và không đáng có. Lỗi trước hết thuộc về cá nhân người được giao nhiệm vụ nộp tiền cho cơ quan bảo hiểm cấp trên.

“Điều đó thể hiện năng lực, chuyên môn yếu kém, thiếu trách nhiệm trong công việc. Cũng không loại trừ mục đích trục lợi từ nguồn tiền này”, ông Lê Tuấn Tứ đặt vấn đề, đồng thời nêu quan điểm, trước hết, phải hoàn trả số tiền mà học sinh tham gia BHYT bị thiệt hại (nếu có). Đồng thời, chịu trách nhiệm chi trả các khoản phí khám, chữa bệnh cho các em.

“Hiệu trưởng nhà trường cũng có phần trách nhiệm vì buông lỏng quản lý. Nếu cơ quan có thẩm quyền xác định được việc hiệu trưởng có “móc ngoặc” với nhân viên để làm liều, nhằm trục lợi, thì sự việc còn đi xa hơn và cần có biện pháp xử lý công minh, thích đáng. Với những trường hợp này, nếu chỉ phê bình, khiển trách thì không đủ sức răn đe, mà cần có biện pháp “mạnh tay” như cách chức, thậm chí xử lý hình sự những người cố tình sai phạm”, ông Lê Tuấn Tứ nói.

Viện dẫn Bộ luật Hình sự, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa làm rõ, Điều 215 Bộ luật này quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây: Chiếm đoạt tiền BHYT từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng.

Phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm với hành vi: Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng; giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ BHYT của người khác trong khám, chữa bệnh hưởng BHYT trái quy định…

Điều 83 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định, phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đối với hành vi lập và chuyển danh sách cấp thẻ BHYT chậm hơn thời gian quy định làm thiệt hại đến quyền lợi của người tham gia BHYT. Phạt tiền từ 1 đến 20 triệu đồng đối với hành vi lập và chuyển danh sách cấp thẻ BHYT cho đối tượng tham gia BHYT thuộc trách nhiệm quản lý không đủ số người theo quy định làm thiệt hại đến quyền lợi của đối tượng tham gia BHYT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.