Bạo hành trẻ mầm non: Chủ yếu ở ý thức đội ngũ giáo viên

GD&TĐ - Để hạn chế tình trạng bạo hành trẻ, nhất là trẻ mầm non, chủ yếu vẫn ở ý thức của đội ngũ giáo viên.

Giáo viên mầm non có hành vi bạo hành trẻ. (Ảnh chụp màn hình)
Giáo viên mầm non có hành vi bạo hành trẻ. (Ảnh chụp màn hình)

Chiều 25/4, tại cuộc họp báo kinh tế - xã hội, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, phó Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thủ Đức (TP HCM) cho rằng, để hạn chế việc bạo hành trẻ chủ yếu vẫn là ở ý thức, nhận thức của đội ngũ thầy cô.

Theo bà Hiền, để xảy ra vụ việc trẻ bị bạo hành, ở góc độ là lãnh đạo ngành giáo dục phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và đề ra những giải pháp để làm tốt hơn công tác quản lý.

Đối với vấn đề lắp camera trong lớp học, về góc độ ngành, bà Hiền cho biết việc lắp đặt camera nhằm phục vụ công tác quản lý của hiệu trưởng với các trường công lập và phục vụ công tác quản lý của chính quyền địa phương; việc lắp camera trong lớp học chủ yếu do tâm lý phụ huynh muốn theo dõi hoạt động của trẻ trên lớp.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, phó Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thủ Đức. (Ảnh: Thành Nhân)

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, phó Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thủ Đức. (Ảnh: Thành Nhân)

“Ở góc độ ngành, đây là vấn đề rất tế nhị vì hình ảnh trẻ, hình ảnh thầy cô trong lớp cũng là hình ảnh riêng tư, cần được bảo vệ. Phụ huynh muốn nhìn thấy hình ảnh của con mình, nhưng làm sao quản lý được hình ảnh của thầy cô và các trẻ khác”, bà Hiền nói.

Ngoài ra, bà Hiền cho biết thêm, thời gian qua, Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức đã tăng cường phối hợp với UBND các phường thực hiện công tác quản lý, kiểm tra và tổ chức các lớp nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kỹ năng của đội ngũ giáo viên mầm non, bảo mẫu.

Liên quan đến vấn đề này trẻ bị bạo hành tại lớp mẫu giáo Tí Bo, ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, ngay khi sự việc vừa xảy ra, Sở đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức xử lý ngay. UBND phường Linh Đông đã ban hành quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục đối với lớp mẫu giáo Tí Bo kể từ ngày 25/4.

Qua vụ việc này, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cũng phải rút ra một số kinh nghiệm, cần nâng cao trách nhiệm và tăng cường các giải pháp trong quản lý.

"Sở nhận thấy rằng quản lý theo quy định thôi là chưa đủ, mà quan trọng cần phải nâng cao nhận thức của đội ngũ làm công tác giáo dục mầm non, để đội ngũ này thấy được trách nhiệm của mình, có tình yêu thương với trẻ", ông Nam nhấn mạnh.

Như Báo Giáo dục và Thời đại đưa tin, sáng 24/4 trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một cô giáo có hành vi túm tóc trẻ ngã ra sàn nhà, ngồi lên người nhét thức ăn vào miệng trẻ. Cụ thể, clip ghi lại cảnh một giờ học trong lớp, ở góc tường, một phụ nữ mặc áo đen ngồi lên người trẻ rồi nhét thức ăn vào miệng trẻ. Cô vừa ngồi, vừa đút, vừa nói với bé. Sự việc này xảy ra nhiều trẻ cùng chứng kiến.

Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM. (Ảnh: Thành Nhân)

Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM. (Ảnh: Thành Nhân)

Ở một đoạn clip khác, cô giáo này xô một bé nam vào góc, cũng mặc cho bé khóc, sợ hãi và đưa tay che đầu, chủ nhóm lớp dùng vật cứng trên bàn đập vào đầu trẻ, chỉ tay vào mặt và giơ tay doạ tát trẻ.

Qua xác minh, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD&ĐT TP Thủ Đức cho biết sự việc xảy ra ngày 11/4 tại lớp mẫu giáo Tí Bo. Lớp có 9 trẻ đa phần ở lứa tuổi 3 và 4.

Theo ông Nguyên, Phòng GD&ĐT đã sắp xếp toàn thể học sinh nhóm lớp này sang học nhóm lớp khác lân cận. Điều này đã được phụ huynh đồng ý.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Chủ tịch UBND phường Linh Đông, TP Thủ Đức cho biết sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện, công an đã vào cuộc xử lý, giám định thương tích để có căn cứ xử lý vụ việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.