Bạo hành trẻ em: Góc khuất đáng ngại tại Hàn Quốc

GD&TĐ - Theo báo cáo thường niên về lạm dụng trẻ em, năm 2019 ở Hàn Quốc có tổng cộng 41.389 vụ và 42 bé tử vong.

Quy định bảo vệ trẻ em khỏi lạm dụng của Hàn Quốc ít hiệu quả.
Quy định bảo vệ trẻ em khỏi lạm dụng của Hàn Quốc ít hiệu quả.

Trên 80% kẻ ngược đãi chính là cha mẹ ruột. Ngay cả khi đã bị pháp luật trừng trị, 10% vẫn tiếp diễn hành vi bạo lực.

“Tôi cứ tiếp tục đánh con mình”

Điều 915, Luật Dân sự Hàn Quốc quy định cha mẹ được phép sử dụng các hình thức kỷ luật đối với con cái. Tuy nhiên, cấm các kiểu trách phạt gây tổn hại đến thể chất và tinh thần. Nếu trẻ em bị thương nặng, kẻ lạm dụng có thể bị phạt tối đa 3 năm tù giam. Nếu trẻ em bị thiệt mạng, kẻ lạm dụng phải chịu án phạt từ 5 năm đến tù chung thân.

Ngày 27/9/2019, Cơ quan Cảnh sát thủ đô Seoul (Seoul Metropolitan Police Agency), Hàn Quốc hạ lệnh bắt giữ khẩn cấp một nghi phạm là đàn ông 26 tuổi. Hắn đã trói chân tay con trai riêng của vợ bằng dây cáp và dùng thanh gỗ đánh vào người liên tục suốt 20 tiếng. Khi cảnh sát tới nơi, cậu bé đã bất tỉnh. Họ lập tức đưa cậu bé tới bệnh viên gần nhất nhưng nạn nhân không qua khỏi.

Từ đầu đến chân cậu bé chằng chịt các vết bầm tím. Gã đàn ông bạo hành khai nhận, vì cậu bé nói dối khiến hắn tức giận, quyết định phạt nặng tay. Đây không phải lần đầu hắn bạo hành con trai riêng của vợ.

Theo hồ sơ lưu trữ của cảnh sát, hắn có 3 tiền án lạm dụng trẻ em và cả 3 lần đều với một đối tượng. Năm 2017, hắn từng ngược đãi cậu bé nghiêm trọng đến nỗi bị phạt án treo.

Cơ quan Bảo vệ Trẻ em quốc gia (National Child Protection Agency) và Bộ Phúc lợi (Ministry of Welfare) Hàn Quốc phải đưa cậu bé vào một tổ chức bảo vệ trẻ em để cách ly với cha dượng. Đầu tháng 9/2019, cậu bé mới trở lại nhà. Chưa đầy một tháng, cậu bị bạo hành đến chết.

“Ngược đãi trẻ em là vấn nạn nhức nhối trong xã hội”, Park Neung Hoo, Bộ trưởng Bộ Phúc lợi thừa nhận. Vào năm 1960, Hàn Quốc lần đầu đề xuất dự luật cấm sử dụng các hình phạt thể xác với trẻ em. 76,8% người dân phản đối, tuyên bố “thương cho roi cho vọt” là cần thiết.

“Tôi sẽ vẫn đánh con cái, ngay cả khi điều đó là phạm pháp” - Lee Kyung Ja, trưởng một hội phụ huynh bảo thủ lớn tiếng - “Tôi sẽ không cho chúng ăn hay trả tiền học phí nếu chúng dám cãi lời. Đây là cách tôi thiết lập quyền làm mẹ với các con”.

80% các vụ bạo hành trẻ em ở Hàn Quốc do chính cha mẹ ruột.
80% các vụ bạo hành trẻ em ở Hàn Quốc do chính cha mẹ ruột.

Xử phạt nhẹ tay

Ở Hàn Quốc, ngoại trừ áp lực học hành, các em còn phải tuyệt đối vâng lời người lớn.

Từ thời phong kiến, Hàn Quốc đã áp đặt tư tưởng Nho giáo cực đoan. Họ đòi hỏi con cái phải răm rắp phục tùng, xem phụ mẫu và những đối tượng bề trên như trời. Dù đã sang thế kỷ XXI, không ít cha mẹ Hàn Quốc vẫn nghĩ con cái là tài vật của bản thân. Họ tự cho mình có toàn quyền đối xử, dạy dỗ theo ý muốn.

Mặc dù, luật pháp Hàn Quốc cấm bạo hành trẻ em, người Hàn Quốc dường như không mấy quan tâm. Đến cả chính trị gia Lee Hee Beum, người đứng đầu đảng Tự do Bảo thủ (Freedom Union) Hàn Quốc cũng khẳng định: “Mỗi gia đình đều có quyền nuôi dạy con cái một cách độc lập”.

Các trường hợp tội phạm ngược đãi trẻ em ở Hàn Quốc thường chỉ bị xử phạt rất nhẹ. Ngay cả với các trường hợp gây thương tích nghiêm trọng, chỉ 1/4 bị kết án tù giam. 3/4 còn lại lĩnh án treo hoặc xử phạt hành chính. Chưa hết, 21% các trường hợp bạo hành trẻ em đến thiệt mạng còn tránh được án ngồi tù.

Đầy lỗ hổng lách luật

“Mỗi gia đình đều có quyền nuôi dạy con cái một cách độc lập”, Lee Hee Beum của đảng Tự do Bảo thủ phát biểu.
“Mỗi gia đình đều có quyền nuôi dạy con cái một cách độc lập”, Lee Hee Beum của đảng Tự do Bảo thủ phát biểu.

Tại Hàn Quốc, Cơ quan Bảo vệ Trẻ em quốc gia và Bộ Phúc lợi chỉ thụ lý những vụ bạo lực trẻ em có bằng chứng rõ ràng. Theo hướng dẫn thì khi phát hiện ngược đãi trẻ em, người dân có trách nhiệm gọi điện thoại tố giác với phòng cảnh sát. Phòng cảnh sát cắt cử nhân viên, phối hợp với cơ quan bảo vệ trẻ em đến điều tra.

Trong quá trình điều tra, cơ quan bảo vệ trẻ em có trách nhiệm bảo vệ nạn nhân. Tuy nhiên, họ không được quyền đưa ra các quyết định. Nếu đứa trẻ bị lạm dụng mà gia đình hoặc người giám hộ không cho phép đưa đứa bé đi, cơ quan bảo vệ trẻ em chỉ còn cách về tay không.

Luật Hàn Quốc quy định, kẻ lạm dụng trẻ em phải bị cách ly với nạn nhân từ 1 - 4 năm. Song hết thời gian này, kẻ ngược đãi có quyền đón đứa bé trở về. Cơ quan bảo vệ trẻ em chỉ được phép hỏi han, tư vấn từ xa. Nói cách khác, họ không hề có cơ hội phát hiện và giải cứu nếu lỡ đứa trẻ lại bị đánh đập.

Chính phủ Hàn Quốc phân tích, cho trẻ bị ngược đãi tái hợp với cha mẹ hoặc người giám hộ là cách thức giải quyết tốt nhất. Các phụ huynh sau khi bị khiển trách, chịu án phạt đã biết sai.

Khúc mắc giữa người lớn và trẻ em nên được tháo gỡ bằng tình cảm. Sóng gió đã qua khiến họ biết tha thứ, cảm thông và yêu thương nhau hơn… Vì thế, 81% các vụ lạm dụng trẻ em kết thúc bằng cách này.

“Với đứa trẻ bị bạo hành thì mối quan hệ giữa đôi bên không còn là cha mẹ với con cái, mà thành hung thủ với nạn nhân”, Lee Soo Jun, Giáo sư tâm lý tội phạm cảnh giác. Thực tế, có tới 10% tội phạm lạm dụng trẻ em bị pháp luật trừng phạt vẫn tiếp tục hành vi ngược đãi sau khi đón đứa trẻ về ở cùng.

Theo Koreaherald

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Câu trả lời rõ ràng

GD&TĐ - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị...
Rút ngắn kỳ nghỉ hè có thể cải thiện năng suất học tập của học sinh.

Đề xuất rút ngắn kỳ nghỉ hè tại Anh

GD&TĐ - Quỹ từ thiện Nuffield, Anh, đề xuất nước này nên rút ngắn kỳ nghỉ hè từ 6 tuần xuống 4 tuần còn thời gian nghỉ giữa các học kỳ kéo dài 1 - 2 tuần.
Đồng bào các dân tộc xem triển lãm ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 5 'Theo dấu chân Người'

GD&TĐ - Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 5/2024 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề 'Theo dấu chân Người'.