Cách đây không lâu, anh Lee, một nhân viên văn phòng 40 tuổi đã rơi vào tình huống bi hài này khi công ty tổ chức một sự kiện thể thao và anh dẫn gia đình đến tham dự. Đứa con thứ hai của anh đã khóc không ngừng khi nhìn thấy mặt cha.
"Tôi ở lại văn phòng rất muộn, thường ba đến bốn ngày mỗi tuần và chỉ trở về nhà sau 10 giờ đêm. Tôi nghĩ rằng vì hiếm khi được nhìn thấy tôi nên con đã trông tôi như người lạ", Lee nói. "Phải mất hai tháng tôi mới có cơ hội đọc xong một cuốn sách cho đứa con lớn 6 tuổi".
Với anh Myung-yong, một bác sĩ nhi khoa, chuyện dùng bữa cơm tối với gia đình cũng là điều trong mơ. Thường anh sẽ làm việc và sau đó đi ăn uống với đồng nghiệp đến tận 1 hoặc 2 giờ sáng ngày hôm sau, trong khi 7h là phải bắt đầu ngày làm việc. Anh không được nói chuyện với các con, trừ một chút thời gian ngắn ngủi ngày cuối tuần.
Theo một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD thì trẻ em ở Hàn Quốc dành trung bình 6 phút mỗi ngày với bố, ít nhất trong 34 nước OECD. Khi được hỏi nếu gặp trải qua thời kỳ khó khăn, bạn có tìm đến chia sẻ với một người bạn hay một người thân nào không thì số người Hàn nói "Không" thuộc hàng cao nhất trong các nước OECD. Các chuyên gia nói rằng những xu hướng này không chỉ là kết quả từ những giờ làm việc mệt mỏi mà còn là phong tục của đất nước.
Các ông bố Hàn Quốc chỉ dành 3 phút đọc sách cho con của họ, giúp chúng làm bài tập và chơi với chúng. Thêm ba phút nữa chăm sóc các nhu cầu khác như ăn, ngủ, nghỉ. Điều này kém xa so với mức trung bình của OECD là 47 phút, ở Austrilia là 72 phút, ở Mỹ là 76 phút, ở Nhật Bản ít ra còn được 19 phút.
Một báo cáo gần đây của OECD cũng cho thấy trẻ em Hàn Quốc chỉ được ở bên cả cha lẫn mẹ 48 phút mỗi ngày. Con số này không chỉ thấp hơn nhiều so với mức trung bình 151 phút trong 34 nước thành viên OECD, mà còn là thấp nhất trong tất cả các nước được khảo sát.
Với câu hỏi "Khi gặp rắc rối, bạn có chia sẻ với bạn bè hay người thân?" thì tại Hàn Quốc chỉ có 72% trả lời rằng họ có một người như thế trong cuộc đời, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của OECD là 88%, và con số này còn thấp hơn nữa với những người từ 50 tuổi trở lên.
"Vì mọi người quá bận rộn với cuộc sống, họ không có thời gian chăm sóc những người xung quanh, dẫn tới họ cho rằng những người khác cũng sẽ không chăm sóc họ. Điều này phản ánh đặc điểm của xã hội Hàn Quốc, một đất nước có giờ làm việc cao hơn rất nhiều các quốc gia khác", Chung Hae-sik, trợ lý nghiên cứu của Viện nghiên cứu Hàn Quốc cho biết.
Người Hàn Quốc dành trung bình 2.071 giờ làm việc mỗi năm (tính đến năm 2013), cao hơn 400 giờ với mức trung bình của OECD.
Ngoài ra, đất nước này xếp hạng sự hài lòng cuộc sống của họ ở mức 5,8/10, dưới mức trung bình của OECD là 6,58 điểm. Hàn Quốc đứng thứ 27 trong tổng số 34 quốc gia ở hạng mục này. Sự hài lòng của cuộc sống càng thấp hơn ở những người lớn tuổi.