Bạo hành nhân viên y tế: Nỗi đau của cả xã hội

GD&TĐ - Bạo hành nhân viên y tế vừa được Bộ Y tế chọn là một trong những sự kiện của ngành trong năm 2017. Việc lựa chọn trên cho thấy những vụ hành hung, tấn công thầy thuốc trở nên phổ biến. 

Bạo hành nhân viên y tế: Nỗi đau của cả xã hội

Bạo hành nhân viên y tế trong khi họ đang làm nhiệm vụ cứu người chắc chắn có nguyên nhân chủ quan, khách quan nhưng hậu quả trước mắt mà nhiều người không lường được là nỗi sợ, nỗi ám ảnh, là tinh thần làm việc sa sút và đôi khi người bệnh phải gánh chịu hậu quả trên.

Khi bác sĩ trở thành nạn nhân

Khảo sát của Bộ Y tế tại các bệnh viện cho thấy, các vụ bạo lực, hành hung nhân viên y tế xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh là 60% và 20% ở tuyến Trung ương. 70% đối tượng bị tấn công là bác sĩ, 15% là điều dưỡng viên. 90% số vụ xảy ra trong khu vực bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc người bệnh. Tình hình bạo lực y tế gia tăng đã trở thành tâm điểm chú ý của cả xã hội.

Bạo hành nhân viên y tế một lần nữa được nhắc lại trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành năm 2017. Đó là vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Thạch Thất (Hà Nội), Bệnh viện 115 (Nghệ An), Trạm Y tế xã Hương Long (Hà Tĩnh), Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) hay gần đây nhất là tại Bệnh viện 115 Thái Bình.

Bác sĩ Đỗ Chính Nghĩa bị người nhà bệnh nhân hành hung trong khi đang thực hiện trình tự cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn trên đường. Kết quả kiểm tra cho thấy, bác sĩ Nghĩa bị gãy xương mũi, tổn thương vùng mặt và mắt trái bị xước giác mạc, sưng nề vùng trán. Điều đáng nói, dù bị tổn thương như vậy nhưng bác sĩ Nghĩa vẫn tiến hành cấp cứu, chuyển bệnh nhân về bệnh viện đa khoa tỉnh sau đó mới về trung tâm nhờ đồng nghiệp chăm sóc vết thương.

Là nạn nhân của nạn bạo hành, chị Hoàng Thị Minh, nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An chia sẻ: “Đang làm nhiệm vụ bị người nhà nạn nhân xông vào đánh, tôi ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì xảy ra. Sau đó, tôi chạy vào phòng ngồi khóc vì sợ, vì tủi thân”. Cũng như nhiều nhân viên y tế từng bị bạo hành, chị Minh mất một thời gian sau đó mới bình tâm trở lại và bắt tay vào công việc.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, bạo lực tại các cơ sở y tế không chỉ gây tổn thương về thể chất, mà còn bao gồm các hành vi bạo lực về tinh thần như xúc phạm danh dự, đe dọa, lạm dụng... Những hành vi đó không chỉ gây thương tích cơ thể, mà còn gây ra các tổn hại về mặt tâm lý, như trầm cảm, lo lắng, làm giảm hiệu quả trong công việc của nhân viên y tế.

Trách nhiệm không của riêng ai

Nghề y là nghề đặc thù và việc liên tục có nhân viên y tế bị bạo hành trong thời gian qua cho thấy môi trường y tế không còn an toàn với nhân viên y tế và người bệnh.

Bạo hành nhân viên y tế có nhiều nguyên nhân. Phần lớn do lo lắng thái quá của người nhà bệnh nhân đã gây tổn thương cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, trong những vụ bạo hành gần đây, thông tin từ phía cơ quan chức năng cho thấy, thái độ của nhân viên y tế trong lúc “nước sôi lửa bỏng” đã góp phần thổi bùng lên cơn giận dữ của người thân bệnh nhân. Và khi không làm chủ được mình, họ sẽ trút giận lên chính những đang cứu chữa cho người thân của họ.

Để ngăn chặn bạo lực trong bệnh viện, thời gian qua, ngành y tế cũng lên tiếng kêu gọi chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật tại địa phương xem xét và có những hình thức xử phạt thích đáng đối với những kẻ đã gây thương tích cho các thầy thuốc.

Đồng thời, kêu gọi chính quyền địa phương các cấp chủ động phối hợp với ngành y tế áp dụng những biện pháp an ninh cần thiết để bảo đảm an toàn cho các nhân viên y tế, phối hợp với công an sở tại triển khai các biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân viên y tế và kêu gọi các cơ quan báo chí và cộng đồng lên án mạnh mẽ những hành vi bạo lực nhằm vào nhân viên y tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận, mặc dù cả hệ thống khám chữa bệnh của ngành đang nỗ lực chuyển mình cải tiến chất lượng, nhưng vẫn có những bệnh viện, nhân viên y tế chưa nỗ lực hết mình, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, để lại hình ảnh xấu trong mắt người bệnh và người dân.

Bằng chứng là qua cuộc gọi từ đường dây nóng cho thấy, những phản ánh liên quan đến thái độ, hành vi ứng xử của nhân viên y tế tuy có giảm nhưng vẫn còn. Do đó, để giải quyết dứt điểm tình trạng bạo hành trong cơ sở y tế, ngành y tế xác định ngoài việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới phong cách thái độ, hướng tới sự hài lòng người bệnh là điều quan trọng.

-Đẩy mạnh đánh giá chất lượng và cải tiến chất lượng theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện được kỳ vọng sẽ giải quyết được những bất cập trong cơ sở y tế hiện nay. Việc đánh giá theo 83 tiêu chí chất lượng của Bộ Y tế sẽ giúp bệnh viện tự xác định những vấn đề còn tồn tại, những vấn đề còn yếu, chưa đáp ứng được mong đợi của người dân để đưa ra các vấn đề ưu tiên cần cải tiến.

-Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ gắn kết quả đánh giá chất lượng vào việc thanh toán giá dịch vụ y tế. Đây chính là biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ các bệnh viện cải tiến chất lượng tích cực hơn nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.