Phải mất rất nhiều công sức, trí tuệ cùng với lòng đam mê nhiệt thành, họa sĩ mới có thể sáng tạo được những tác phẩm xứng đáng gửi đến triển lãm. Không họa sĩ nào gửi đến triển lãm mỹ thuật một tác phẩm mà họ cho là chưa hoàn hảo, không ưng ý hoặc nói thẳng theo cách gọi của giới hội họa là “dở hơi”.
Tác phẩm gửi đến không chỉ là “đứa con tinh thần” mà còn là danh tiếng, bộ mặt đại diện cho tâm huyết và tài năng của nghệ sĩ. Có những họa sĩ, trước khi gửi một bức tranh đến triển lãm đã phải cân nhắc rất kỹ vì có thể, tác phẩm ấy giống như bảo vật, là viên minh châu suốt một đời gọt giũa tài năng.
Nhưng hỡi ôi! Nhìn vào các cuộc triển lãm mỹ thuật, họa sĩ phải đau xót, hối hận vì đã “gửi trứng cho ác”. Những “đứa con tinh thần” bị bạo hành đến biến dạng bởi sự quăng quật, cào xước… từ những thái độ khinh nhờn nghệ thuật, vô cảm trước công sức sáng tạo của nghệ sĩ.
Vào đầu tháng 12 vừa qua tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội), Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 được khai mạc trong sự ồn ào lẫn bức xúc của giới nghệ sĩ. Nhiều bức tranh bị vấy bẩn, trầy xước, gãy khung với các cấp độ khác nhau. Có bức bị cào xước ở vị trí trung tâm, bức khác gạch ngang trước khuôn mặt nhân vật, sơn trắng của tường vấy bẩn bề mặt tranh, rồi tác phẩm điêu khắc vỡ vụn…
5 năm triển lãm mới diễn ra một lần, cũng đồng nghĩa những khắc khoải kỳ vọng của giới nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật là rất lớn. Thế nhưng, kỳ vọng bao nhiêu lại thất vọng bấy nhiêu, người ta “ngã ngửa” lý do dẫn tới tác phẩm nghệ thuật bị hỏng vì Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam – làm vội, chỉ thuê cửu vạn không có chuyên môn vận chuyển.
Những lời xin lỗi hay phương án bồi thường là cần thiết. Nhưng suy cho cùng, đó chỉ là cách xử lý khủng hoảng tạm thời. Còn về lâu dài, cả nhà tổ chức và nghệ sĩ đều phải tìm ra phương án thích hợp, an toàn thể hiện sự tôn trọng đối với nghệ thuật.
Đã đến lúc nói không với hai chữ “nghiệp dư”, vì hai chữ đó đã và đang góp phần bạo hành những “đứa con tinh thần” của nghệ sĩ. Đa số các đơn vị triển lãm mỹ thuật hiện nay hoạt động rất thủ công và lạc hậu. Họ không có bộ phận chuyên vận chuyển và trưng bày tác phẩm. Vì một lý do là tiết kiệm nên chỉ thuê cửu vạn thông thường bốc vác tác phẩm nghệ thuật như một món hàng bình dân ngoài chợ.
Nghệ sĩ cũng không kém thờ ơ. Rất ít người bỏ tiền mua bảo hiểm cho việc vận chuyển tác phẩm. Họ phó mặc cho “hên – xui”, cho cái tâm của đơn vị vận chuyển, trưng bày. Đến khi tác phẩm bị hỏng thì “chờ được vạ má đã sưng” – nhiều tác phẩm hỏng nặng đến nỗi không thể “chữa” được.
Chuyên nghiệp hóa – điều cần thiết phải thay đổi – từ cơ quan quản lý đến nghệ sĩ. Trong khi nhiều nước, đến miếng vải lau tranh cũng là một ngành chuyên nghiệp; thì tại sao chúng ta không hướng tới điều đó mà chỉ với ý niệm “mong tranh gửi đi đừng bị bạo hành”.