Bao giờ trở lại?

GD&TĐ - Câu hỏi này dành cho người lao động vừa rời khỏi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TPHCM.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Rất khó để đoán là họ có trở lại hay không chứ đừng nói là bao giờ thì trở lại. Bởi nhìn hành trang mang theo trên đường hồi hương đủ để biết sự “quyết tâm” rời khỏi chỗ đã từng gắn bó nhiều năm đối với họ như thế nào. Nếu chỉ về lánh dịch dăm bữa nửa tháng thì sẽ không mang theo từng chiếc móc treo quần áo, từng chiếc quạt điện cũ kỹ như thế.

Nhưng có một điều chắc chắn rằng, không phải tất cả đều “một đi không trở lại”, vì nhiều vùng quê hiện nay rất khó để có thể gắn bó cả đời mình ở đó. Vì vậy, trở lại các đô thị lớn và các khu công nghiệp để tiếp tục tìm kế sinh nhai là điều chắc chắn.

Nhưng cái khó hiện nay là, các nhà máy thì đang rất thiếu công nhân, trong khi công nhân thì vẫn tìm đường thoát thân. Giải bài toán này không hề đơn giản.

Để tìm lời giải cho câu chuyện giữa đi và ở trên đây, cần phải nhìn nhận thực tế từ nhiều phía. Vì sao có người đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin mà vẫn kiên quyết dứt áo tìm đường hồi hương bất chấp những rủi ro dọc đường như chúng ta đã thấy trong những ngày qua? Điều dễ nhận thấy là, số người này gần như đã hết cả tiền lẫn sự kiên nhẫn.

Suốt 4 tháng qua, những doanh nghiệp mà họ gắn bó đa số đều cạn nguồn tài chính nên họ đành “thả nổi” người lao động mặc sức tự do bươn chải. Các tỉnh, thành có nhiều người lao động thì áp dụng Chỉ thị 16 suốt 3 - 4 tháng qua nên số công nhân này cũng không còn lối thoát nào khác, đành thúc thủ trong những căn nhà trọ chật chội và chờ đợi các gói cứu trợ từ Nhà nước.

Tuy nhiên, việc cứu trợ từ Nhà nước nặng tính “phủi nóng” hơn là giữ chân số công nhân này. Vì thế, họ tìm đường thoát thân là điều tất yếu.

Doanh nghiệp thì thả nổi người lao động, Nhà nước thì không thể “phủ sóng” lương thực, thực phẩm cho hàng triệu người cùng lúc, trong khi dịch dã đe dọa mạng sống họ từng ngày… tất cả những điều kể trên đã làm lung lay ý chí bám trụ của từng gia đình công nhân.

Về quê, rau cháo nuôi nhau để chờ tình hình rồi tính tiếp, đó là suy nghĩ chung của nhiều người lao động hiện nay. Điều này cắt nghĩa vì sao, nới lỏng giãn cách ngày một dễ chịu hơn nhưng dòng người vẫn tiếp tục rời các đô thị lớn và các khu công nghiệp các tỉnh phía Nam hiện nay.

Trong những ngày qua, Thủ tướng Chính phủ liên tục có những “công văn hỏa tốc” gửi các địa phương và các ngành liên quan để điều chỉnh kịp thời việc cát cứ ở các nơi, vì vậy, việc nới lỏng giãn cách dần dần đi vào thực chất hơn.

Số người được tiêm hai mũi vắc-xin được đi lại bình thường để tìm cơ hội cho mình ngày một dễ dàng hơn… Những tín hiệu đó đã mang lại đôi chút hy vọng để người lao động có thể quay trở lại nơi họ đã từng làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp.

Tuy vậy, việc chống dịch cực đoan chưa thể thoát khỏi não trạng của nhiều địa phương, nhiều ngành hiện nay. Chính vì lẽ đó, con đường trở lại của người lao động vẫn còn lắm gập ghềnh, khổ ải.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.
Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ