Bao giờ nối được đường bay?

GD&TĐ - Nghe tin Việt Nam mở lại 6 đường bay quốc tế từ 15/9, trong đó có Hàn Quốc, anh Nguyễn Văn Hưng (quê Thái Bình), đang làm việc cho một hãng tàu thủy của Mỹ vô cùng mừng rỡ. Giữa tháng 9, anh được công ty sắp xếp cho bay từ Mỹ về Seoul, chờ về Việt Nam trên những chuyến bay thương mại.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhưng tới giờ, anh Hưng vẫn “kẹt” ở Hàn Quốc. Từ khi Chính phủ có chủ trương cho phép ngành hàng không đón khách nhập cảnh, Cục Hàng không Việt Nam mới cấp phép cho 2 hãng hàng không là Vietnam Airlines và Vietjet Air tổ chức 2 chuyến bay thí điểm từ Seoul đến Hà Nội, TPHCM vào ngày 19/9 để các cơ quan chức năng xem xét quy trình phòng chống dịch.

Gần một tháng nữa trôi qua, quy trình phòng chống dịch thống nhất trên toàn quốc vẫn chưa có! Lại thêm “lùm xùm” chuyện phí cách ly trong 2 chuyến bay “thí điểm” (mà suy cho cùng, hãng hàng không, chủ khách sạn cũng phải thực hiện theo quy định, nhưng do quy định chưa rõ ràng, thiếu thống nhất nên triển khai chưa tốt), thời điểm chính thức nối lại các đường bay quốc tế hiện vẫn “mờ mịt”.

Chính phủ và các chuyên gia kinh tế xác định, mở lại đường bay quốc tế là thời cơ để cứu tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; là cơ hội sống còn của rất nhiều doanh nghiệp, giúp họ thoát khỏi tình trạng phải bán tài sản, đóng cửa đồng loạt.

Điều quan trọng là nước ta có điều kiện để tính đến chuyện mở cửa sớm vì đã làm tốt công tác phòng và chống dịch, năng lực xét nghiệm và tay nghề y bác sĩ đã được nâng cao, các cơ sở cách ly được bảo đảm an toàn…

Nếu chúng ta biết tận dụng thời cơ để mở đường bay quốc tế, đón khách du lịch và vẫn tổ chức kiểm soát dịch tốt thì không chỉ hàng không, du lịch mà nhiều ngành nghề sẽ được hưởng lợi, được phục hồi, phát triển sớm. 

Vậy nhưng, sau hơn 1 tháng đưa ra đề xuất, chúng ta vẫn loay hoay chưa thiết lập được quy trình phòng chống dịch áp dụng trên toàn quốc.

Trong khi đáng lẽ, ngay từ đầu tháng 9, khi đề xuất mở lại đường bay quốc tế, các bộ, ngành liên quan như giao thông vận tải, y tế, công an, du lịch phải cùng ngồi lại với nhau bàn bạc, thống nhất quy trình phòng chống dịch trên toàn quốc để bảo đảm an toàn cho cả khách tới và người dân trong nước và công khai quy trình, thủ tục liên quan…

Tương tự, chúng ta phải hợp tác tốt với các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong việc phòng chống và kiểm soát dịch bệnh khi bay đưa đón khách quốc tế.  

Sự chậm trễ này cho thấy trách nhiệm của các bộ ngành chưa cao, thiếu phối hợp chặt chẽ, thậm chí có biểu hiện của tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.

Có lẽ, Chính phủ cần tính tới phương án “ấn định thời hạn” buộc các bộ ngành thống nhất được quy trình cách ly chung, thay vì đợi khi nào các bộ làm xong thì báo cáo lên và xem xét phê duyệt.

Nếu không sớm khắc phục, mục tiêu kép mà Chính phủ luôn theo đuổi là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế khó đạt kết quả như ý; doanh nghiệp vẫn sống dở chết dở; và rất nhiều người Việt Nam tiếp tục mòn mỏi chờ ngày hồi hương! 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.