Và mới đây, bộ áo dài - khăn xếp của một vị đại sứ Việt Nam mặc trong buổi lễ trình quốc thư cũng gây sự chú ý.
“Y phục xứng kỳ đức” không chỉ là lời răn dạy, đó còn là văn hóa và lịch sử của một dân tộc. Người Việt cổ, cách ngày nay khoảng 3.000 năm - phụ nữ mặc váy dài, đứng thẳng đâm chày giã vào cối gạo - các chàng trai đóng khố, đầu đội mũ lông chim, tay cầm giáo và khiên. Đó là hình ảnh trên mặt trống đồng Đông Sơn và Ngọc Lũ.
Trải qua các thời kỳ và triều đại, y phục được cải tiến không ngừng và hình thành một nền quốc phục trong suốt chiều dài lịch sử. Thế rồi từ năm 1945, người Việt thường dùng Âu phục, quốc phục dần bị quên lãng và suýt mất đi một bản sắc ngàn năm.
Không ai phủ định Âu phục có nhiều tiện lợi, và trở thành quốc tế phục. Nhưng y phục dân tộc – trong mỗi quốc gia châu Âu vẫn luôn được tồn tại, lưu giữ, tôn trọng.
Các nước có quốc phục, thường là loại y phục do dân chúng trong nước thường dùng phổ cập. Quốc phục luôn phân chia ra hai loại: Thường phục và lễ phục. Thường phục là loại y phục mặc thường ngày, lễ phục là y phục mặc vào những ngày lễ, Tết hoặc giao tiếp trong các dịp có tính long trọng.
Giới chuyên gia cho rằng, lễ phục khác với quốc phục đôi chút ở việc chế tác. Đó là lấy cốt cách và chuẩn mực từ quốc phục, nhưng khác ở chỗ vải vóc sang quý hơn, màu sắc sáng hơn, và thợ cắt may lành nghề hơn. Còn quốc phục phải là trang phục truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, không phải là một sáng tạo mới.
Thế nhưng, cho đến nay chúng ta vẫn cứ loay hoay chuyện quốc phục. Sau mỗi sự kiện nào đó, áo dài nam lại bị gán ghép, đánh đồng với cổ hủ lạc hậu. Từ đó, y phục cổ truyền bị chà đạp, vùi lấp.
Có thể nói y phục chưa bao giờ là chuyện nhỏ, vì đó là câu chuyện văn hóa của một dân tộc. Chính bởi vậy, muốn xóa sổ một dân tộc, trước hết phải xóa đi cái riêng thuộc về dân tộc đó. Người Việt cũng từng phải đối mặt với việc bị xoá bỏ văn hóa y phục - khi bị giặc Minh đô hộ.
Ngày nay khi xu hướng quốc tế hóa được đề cao, mọi quốc gia đều nhấn mạnh đến bản sắc riêng. Từ năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức tìm kiếm bộ lễ phục Nhà nước - sử dụng chung vào những dịp lễ trọng của quốc gia.
Nhiều hội thảo được tổ chức, nhiều ý kiến được đưa ra, tổ chức cả cuộc thi thiết kế bộ lễ phục… Nhưng đến nay, đề án ấy vẫn dở dang, dư luận vẫn phải loay hoay trong việc khen – chê.
Y phục không phải chuyện nhỏ, nên chúng ta cần phải khởi động lại đề án này. Việt Nam không chỉ cần phải có mẫu số chung của quốc phục, mà quốc phục cũng phải đưa vào cơ chế luật.
Có vậy, các tranh cãi tiêu cực bóp méo mới hết đường lắt léo, mà nền văn hóa y phục mới có cơ hội hồi phục và toả sáng giá trị bản sắc.