Đi tìm “Bản sắc Việt trong trang phục dân gian”

GD&TĐ - Ngày 9/6, tại Phố sách Hà Nội diễn ra tọa đàm “Bản sắc Việt trong trang phục dân gian” do Thaihabooks tổ chức, xoay quanh cuốn sách "Nét cũ duyên xưa" của tác giả Bùi Quang Thắng.

Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Đặc biệt buổi tọa đàm có 2 vị khách mời là ông Nguyễn Đức Bình -Trưởng nhóm Đình Làng Việt và ông Nguyễn Đức Lộc – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Ỷ Vân Hiên cùng trò chuyện về những nét đẹp mang tâm hồn Việt Nam trong Nón thúng và Áo dài.

Từ khi con người đặt vào y phục những chức năng cao hơn chức năng bảo vệ thân thể người mặc thì y phục đã trở thành trang phục mang thêm chức năng trang trí, làm đẹp.

Cùng với sự phát triển của xã hội loài người, trang phục còn mang thêm chức năng cao hơn nữa là truyền tải những ký hiệu văn hóa, những thông điệp phong phú về đời sống vật chất, tinh thần của mỗi cá nhân, cộng đồng xã hội, thậm chí về một dân tộc, một quốc gia.

Trang phục là hình thức bên ngoài nhưng cũng có thể là một lát cắt bộc lộ những sắc thái vi tế nhất trong đời sống tinh thần thời đại, trong chuyển biến tâm lý xã hội. Trang phục truyền thống của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng tộc người trên thế giới là thành tố quan trọng tạo nên những giá trị văn hóa đặc thù và bền vững mà ta vẫn gọi là bản sắc văn hóa. Vậy, trang phục truyền thống mang bản sắc văn hóa của dân tộc Việt là gì?

Trang phục dân gian của người Việt ‒ đặc biệt là trang phục phụ nữ vẫn còn gìn giữ được tương đối nhiều những nét đặc sắc, thậm chí có cả những tập tục đã xuất hiện từ thời Đông Sơn cách đây mấy ngàn năm.

Song song với việc lưu truyền phong tục cũ, người dân Việt Nam tự ngàn đời cũng vẫn bền bỉ thẩm thấu những tinh hoa văn hóa bốn phương, rồi chuyển biến chúng thành những nét đặc sắc của mình. Không cầu kỳ như những vàng son nhung gấm, mão miện hài hia của vua chúa và giới chức quan lại, nhưng những chiếc nón lá, nón cụ quai tơ, nón thúng quai thao, yếm đào, khăn vấn, áo tứ thân, áo dài, guốc sơn, guốc tre… những thứ y phục quá đỗi bình dị của tầng lớp thường dân vẫn luôn là nơi nâng niu những nét duyên thuần Việt nhất, nơi lưu giữ những hình ảnh đặc thù cho bản sắc văn hóa trang phục Việt.

Trong trang phục dân gian, trang phục phụ nữ đa dạng và mang nhiều nét đặc trưng hơn hẳn so với trang phục nam giới. Xưa nay, từ Tây sang Đông, trang phục của cánh đàn ông thường có xu hướng đồng nhất và kém đa dạng.

Làm đẹp là nhu cầu hết sức tự nhiên của chị em phụ nữ. Bằng sự khéo léo và sáng tạo, phụ nữ không chỉ tạo ra những bộ trang phục đẹp mà còn góp phần dệt lên tấm thảm văn hóa đa sắc cho cộng đồng, một thứ “điệu thức, âm giai” bằng vật chất, màu sắc và hình khối mang sắc thái đặc trưng cho mỗi cộng đồng dân tộc, mỗi vùng miền.

Dù ở bất cứ nơi đâu thì một nếp khăn vấn bỏ tóc đuôi gà, một vành nón cụ quai tơ hay nón thúng quai thao, những tà áo tứ thân buộc vạt hay tà áo dài thướt tha đều có thể gợi nhớ về tổ quốc, đó chính là những hình ảnh “rất Việt”.

Trang phục dân gian luôn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thế nhưng thư tịch xưa nay chưa bao giờ dành cho nó một vị trí xứng đáng. Trong phần Phong tục của các sách vở xưa nay chỉ nhắc qua về trang phục dân gian trong khi đề cập rất chi tiết đến phẩm phục, lễ phục.

Bìa cuốn sách "Nét cũ duyên xưa"
Bìa cuốn sách "Nét cũ duyên xưa"

Cuốn sách Nét cũ duyên xưa với ước vọng làm sáng rõ thêm những nét đẹp thuần Việt trong trang phục dân gian của phụ nữ, cũng như cung cấp cho bạn đọc những câu chuyện xác thực và lý thú về lai lịch của những thứ y phục tưởng chừng đã quá đỗi quen thuộc như nón thúng, áo dài, hay những bước thăng trầm trong câu chuyện tóc dài – tóc ngắn của người Việt.

Trên tinh thần ấy, buổi tọa đàm “Bản sắc Việt trong trang phục dân gian” sẽ mang đến một cuộc gặp mặt thú vị để tác cùng quý vị độc giả bàn sâu hơn, rộng hơn về những nét đẹp mang tâm hồn Việt Nam trong Nón thúng và Áo dài.

Như một món quà tri ân đến bạn đọc, chương trình có sự góp mặt của Giáo phường Đình Làng Việt dưới sự dẫn dắt của Nghệ sĩ Ưu tú Đoàn Thanh Bình với những tiết mục ca nhạc truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ