“Bé cái nhầm” hay ý đồ chiếm dụng văn hóa từ trang phục Việt?

GD&TĐ - Sự kiện hãng giầy Biti’s nhận trách nhiệm dùng gấm Trung Quốc để tôn vinh nét đẹp miền Trung Việt Nam, đã dấy lên lo ngại về các yếu tố xâm thực văn hoá.

Một trong những thiết kế mà báo chí Hoa ngữ gọi là “phong cách Trung Quốc”.
Một trong những thiết kế mà báo chí Hoa ngữ gọi là “phong cách Trung Quốc”.

Từ xâm thực đến chiếm dụng văn hoá

Mới đây, đôi giày Biti’s Hunter Bloomin’ central được Biti’s công bố, nhà sản xuất cho biết sản phẩm mang cảm hứng tự hào về dải đất miền Trung. Đôi giày này cũng dùng lớp vải dệt thổ cẩm của các dân tộc Tây Nguyên.

Mặc dù vậy, nhiều người đã ngạc nhiên và không giấu nổi bức xúc vì sản phẩm này hóa ra lại có những nhầm lẫn văn hóa. Giới chuyên môn cho rằng, doanh nghiệp đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi tuyên truyền “Cảm hứng miền Trung” và “Được đầu tư sáng tạo, tìm tòi đa dạng vật liệu và tốn nhiều công sức sản xuất” tuy nhiên lại sử dụng loại gấm rẻ tiền có sẵn của Trung Quốc, rất phổ biến trong việc làm đồ lưu niệm giá thấp và bán nhiều nhất trên Taobao.

Một trong những người đấu tranh mạnh mẽ là nhà thiết kế La Quốc Bảo, ông phân tích trên trang Facebook cá nhân khi hãng này dùng gấm với hoa văn Trung Quốc: “Hình dáng mây, thủy ba cột thủy (hoa văn sóng nước) lẫn cách phối màu hoàn toàn không có nét nào liên quan đến mỹ thuật cung đình Việt Nam…”.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu lịch sử Hồ Nam cho rằng, trang phục luôn là phương tiện thể hiện nét văn hoá truyền thống của dân tộc. Chuyện “bé cái nhầm” trong việc nhận diện trang phục là một lẽ, nhưng câu chuyện “xâm thực” rồi chiếm dụng văn hoá thì rất nguy hại.

Ông Nam đưa ra hàng loạt dẫn chứng về câu chuyện này. Đặc biệt vào năm 2019, trong một bài viết trên tờ China Daily đăng tải các thiết kế giống hệt áo dài Việt Nam đi kèm nón lá, mấn đội đầu và gọi đó là “phong cách Trung Quốc”.

Người đọc dễ dàng nhận thấy hàng loạt thiết kế giống hệt áo dài Việt Nam từ kiểu dáng, họa tiết đến các phụ kiện đi kèm mang đậm dấu ấn văn hóa Việt như nón lá hay mấn đội đầu. Nhiều người Trung Quốc vẫn xem đây là “xường xám” cách tân, song có thể thấy hai loại trang phục này khác nhau về kiểu dáng, chiều dài tà áo cũng như cách kết hợp với các phụ kiện.

Một số trang mạng của Trung Quốc cho rằng, thiết kế lấy cảm hứng từ trang phục thời Minh và xường xám thời nhà Thanh. Sau đó kết hợp với các phụ kiện khác nhau như quần dài, mấn, nón để thêm phần độc đáo.

Giới chuyên môn đã rất lo lắng và phẫn nộ với các “sáng tạo” mang tính chiếm dụng, ngộ nhận và gọi đó là hành vi “ăn cắp văn hóa”. Điều này nguy hại hơn hành vi “bé cái nhầm”, nhưng nếu không đấu tranh, không chỉ ra các bằng chứng thì văn hoá dân tộc – giống như bản quyền một tác phẩm – bị xâm phạm, và có ngày “cái của mình thành thứ hợp pháp của người khác”.

Mẫu giày của Biti’s muốn kể chuyện văn hóa miền Trung, nhưng lại nhầm hoa văn Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình.

Mẫu giày của Biti’s muốn kể chuyện văn hóa miền Trung, nhưng lại nhầm hoa văn Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình.

Bôi nhọ văn hoá, làm ô uế áo dài

Giới nghiên cứu và thiết kế cho rằng, trong thực tế không nước nào có quy định cấm người nước ngoài mặc trang phục truyền thống của Việt Nam hay của nước khác. Tuy nhiên, nếu người mặc không giải thích hoặc cố tình ngộ nhận thì dễ gây hiểu lầm.

“Áo dài” được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford và được nhấn mạnh là trang phục của phụ nữ Việt Nam.

Theo Wiki, áo dài là một loại trang phục cách tân từ áo ngũ thân, và vốn được xem là trang phục truyền thống của người Việt. Xuất hiện từ năm 1744 (thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát - người có công sáng chế và định hình chiếc áo dài Việt Nam như hiện nay), áo dài đã đi qua bao thăng trầm lịch sử và trở thành trang phục quen thuộc, biểu tượng của văn hóa Việt.

Năm 2020, nhiếp ảnh gia người Trung Quốc là Trần Mạn đăng tải dòng trạng thái với nội dung: “Mặc sản phẩm do chính tôi thiết kế trong lần hợp tác gần nhất với @shangsia”. Kèm theo bài đăng là những bức hình chính cô mặc một bộ váy áo dài tay.

Tại Miss Earth 2020 (Hoa hậu Trái đất), thí sinh người Trung Quốc cũng gây chú ý khi diện mẫu trang phục có nhiều điểm giống với áo dài truyền thống của Việt Nam trong phần thi tài năng, để múa với quạt trên nền nhạc của Trung Quốc.

Chiếm dụng văn hoá đã đành là một chuyện, buồn hơn nữa là chính người Việt cẩu thả trong việc sử dụng trang phục nước khác trên phông nền văn hoá Việt.

Ca sĩ Hà L. từng gây sóng gió khi sử dụng phong cách cùng trang phục giống như nhân vật trong các bộ phim cổ trang Trung Quốc để hát… quan họ. Khi dư luận phản ứng, Hà L. lại khẳng định là trang phục của nhà hát tuồng Việt Nam. Tuy nhiên, cố nghệ sĩ Hán Văn Tình lúc đó là Trưởng đoàn Nghệ thuật 2 thuộc Nhà hát Tuồng Việt Nam đã phủ nhận về trang phục này.

Trước việc “kể nhầm” văn hoá, hãng Biti’s mới đây đã thừa nhận sự thiếu sót về chi tiết sản phẩm vải thổ cẩm. Hãng này cũng cho hay sẽ khắc phục theo hướng thay thế chất liệu vải gấm lấy cảm hứng từ văn hóa nghệ thuật Huế để hoàn thiện sản phẩm.

Nhà nghiên cứu Hồ Nam cho rằng, việc nhận lỗi và khắc phục cũng đã thể hiện lối ứng xử có văn hoá. Điều này khác biệt với cách mà nhiều đơn vị, cá nhân nước ngoài có ý đồ chiếm dụng văn hoá Việt Nam, cố tình nhận vơ. Cách ứng xử ấy cũng khác với nhiều nghệ sĩ Việt – sau khi làm ô uế tà dài truyền thống, thì lập tức phủi trách nhiệm, hoặc đổ lỗi cho ê-kíp chương trình.

Trước vấn nạn xâm thực về văn hoá, giới chuyên gia cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng, số hoá kho dữ liệu quốc gia về văn hoá. Cụ thể về trang phục truyền thống, về đặc điểm, đặc trưng cùng các hoạ tiết mang tính dân tộc.

Đó cũng là cơ sở không chỉ để đấu tranh với nạn chiếm dụng văn hoá, mà còn là tư liệu để các tổ chức, cá nhân người nước ngoài tham khảo khi hình thành sản phẩm lấy cảm hứng từ văn hoá Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.