Tài liệu tham khảo quý
Đọc Báo Giáo dục và Thời đại nhiều năm nay, thầy Chu Quang Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội) đánh giá cao nội dung và chất lượng các bài viết trên ấn phẩm của Báo. Hướng tới phục vụ đối tượng là giáo giới cả nước, Báo đã và đang phát huy tốt vai trò lan tỏa những mô hình hay, tấm gương điển hình tiên tiến trong sự nghiệp giáo dục. Qua đó, nhiều giá trị nhân văn được nhân lên từ bài học kinh nghiệm của các đơn vị, địa phương chia sẻ.
“Với diện tích khoảng 125m2, thư viện trường trang bị nhiều loại sách, báo, tạp chí trong đó có Báo GD&TĐ. Nhờ đó, mỗi nhà giáo được thường xuyên tiếp nhận thông tin về giáo dục - đào tạo, chính sách lớn của ngành qua các ấn phẩm và trang điện tử của Báo, đảm bảo tính chính thống. Đồng thời, qua đây thầy cô có thể học hỏi cách làm hay của trường bạn, địa phương trên cả nước cả về công tác chuyên môn lẫn hoạt động khác…”, thầy Hùng thông tin.
Cũng theo thầy Hùng, hiện thư viện trường có đủ đầu sách giáo khoa theo môn học, khối lớp để phục vụ giáo viên, học sinh dạy và học; loại sách nghiệp vụ theo môn học phục vụ cho giáo viên. Ngoài ra không để thiếu các loại văn bản, nghị quyết của Đảng, quy phạm pháp luật của Nhà nước, tài liệu hướng dẫn của ngành phù hợp với cấp học và nghiệp vụ quản lý giáo dục. Số lượng sách tham khảo cũng đa dạng, phong phú...
Cô giáo Phan Thị Hảo – Trường THCS Cổ Đô cho hay, trong giờ ra chơi hay cuối tuần, nhiều học sinh thích lên thư viện đọc sách, báo để nâng cao kiến thức, mở rộng kỹ năng. Thông qua bài viết chuyên sâu về lĩnh vực giáo dục của Báo GD&TĐ, thầy trò biết đến không ít tấm gương thầy cô, học sinh vượt khó vươn lên trong học tập ở các địa phương nên rất tâm đắc.
Căn cứ Thông tư 16/2022 của Bộ GD&ĐT về ban hành quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, Trường THCS Cổ Đô đã đạt các tiêu chí về tài nguyên thông tin, cơ sở vật chất, thiết bị chuyên dùng, tổ chức hoạt động và quản lý thư viện đạt mức độ 2.
Thầy Chu Quang Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội). |
Còn nhiều khó khăn
Là địa bàn nằm giáp biển với nhiều khó khăn của huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định), Trường Tiểu học Hải Anh đang trong quá trình xây dựng thư viện. Cô Hiệu trưởng Phạm Thị Huệ trao đổi, để lan tỏa văn hóa đọc tới học sinh, nhà trường thành lập các mô hình thư viện tại lớp học.
Mặt khác, trường không có nguồn để mua bổ sung sách báo mà học sinh thích điều mới mẻ nên thường xuyên tổ chức đổi sách ở thư viện lớp học để học sinh tiếp cận sách đa dạng hơn. Cuối năm học, trường sẽ vận động phụ huynh, học sinh tặng sách truyện cho thư viện trường và lớp.
Dõi theo và đồng hành cùng Báo GD&TĐ nhiều năm nay, thầy Nguyễn Hải Sơn – Hiệu trưởng Trường THCS Hải Xuân (huyện Hải Hậu), nhấn mạnh: Nhà trường đánh giá cao chất lượng Báo ngành. “Trong mỗi ấn phẩm phát hành, chúng tôi như thấy mình ở đó bởi sự nghiệp giáo dục là của toàn dân, không phân biệt vùng núi hay đồng bằng, biên giới, hải đảo. Do đó, việc trang bị các ấn phẩm Báo cho thư viện mỗi trường thực sự cần thiết, lan tỏa tính nhân văn tới thầy và trò để cùng nhau nỗ lực dạy và học”.
Tuy nhiên, theo thầy Sơn, vấn đề khó khăn nhất khi triển khai chính là nguồn kinh phí hạn hẹp. Có trường thư viện gần như không hoạt động bởi cơ sở vật chất, diện tích phòng không đảm bảo quy định. Sách, tư liệu tham khảo ít chủng loại, không được bổ sung do ngân sách Nhà nước phân bổ hạn chế.
Không những thế, đội ngũ nhân viên thư viện cũng thiếu hoặc làm kiêm nhiệm nên chưa phát huy vai trò, hiệu quả. Để phát huy tốt vai trò thư viện trường học cần sự chung tay của cộng đồng, phụ huynh, học sinh trong việc xã hội hóa nguồn sách, báo cho thư viện.
Sở hữu hàng nghìn đầu sách các thể loại, thư viện Trường Tiểu học Phú Nham (Phù Ninh, Phú Thọ) đang dần phát huy vai trò vốn có của mình. Cô Nguyễn Thị Ngân – Hiệu trưởng cho biết, năm học 2023 - 2024, toàn trường có 390 học sinh.
Tuy lượng học sinh ít nhưng trường rất quan tâm phát triển văn hóa đọc cho các em. Mỗi năm, trường huy động các nguồn kinh phí từ 10 – 12 triệu đồng để mua sách báo, trong đó có Báo GD&TĐ để đáp ứng nhu cầu của thầy và trò. Tuy nhiên, nếu theo Thông tư 16/2022 của Bộ GD&ĐT về quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, thư viện của nhà trường mới chỉ đạt mức độ 1.
“Nhiều học sinh không có thói quen đọc sách, báo giấy và tìm kiếm thông tin theo cách truyền thống. Việc sử dụng phần mềm thư viện gặp khó khăn bởi mới tiếp cận và đưa vào sử dụng; phần mềm thư viện chủ yếu phục vụ cho công tác quản lý đầu sách, lượt đọc, mượn trả sách… nên chưa phát triển được các đầu sách điện tử. Do đó, nhà trường khuyến khích giáo viên, học sinh tích cực đến thư viện và truy cập phần mềm để tìm tài nguyên thông tin phục vụ dạy và học”, cô Nguyễn Thị Ngân cho hay.
Thầy Chu Quang Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội) cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động thư viện, các trường cần tổ chức nhiều chương trình giao lưu, mở chuyên đề đa dạng, hấp dẫn như:
Thi kể chuyện, giới thiệu sách, thi đọc diễn cảm, vẽ nhân vật, vẽ tranh theo sách, diễn kịch, thi làm hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu về quê hương, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử các danh nhân văn hóa. Cùng đó, phát động phong trào quyên góp sách, tìm chọn tên sách cho thư viện, tổ chức các câu lạc bộ, hội sách, hoạt động có sự tham gia của các diễn giả, người truyền cảm hứng đọc sách.