Báo GD&TĐ và bạn đọc: Kết nối cộng đồng giáo dục

GD&TĐ - Nhiều độc giả trong và ngoài ngành tìm đọc Báo GD&TĐ để nắm bắt, tìm hiểu các chính sách lớn...

Bài học Địa lý trong SGK lớp 10 được cô giáo Phạm Thị Ái Vân (GV Địa lý, Trường THPT Trần Phú - Đà Nẵng) chuyển thành chủ đề, mô phỏng theo Báo GD&TĐ để học sinh sử dụng học tập.
Bài học Địa lý trong SGK lớp 10 được cô giáo Phạm Thị Ái Vân (GV Địa lý, Trường THPT Trần Phú - Đà Nẵng) chuyển thành chủ đề, mô phỏng theo Báo GD&TĐ để học sinh sử dụng học tập.

Cũng qua Báo GD&TĐ, bạn đọc biết đến chân dung thầy cô giáo tiêu biểu, cách làm hay ở lĩnh vực giáo dục và cả những phản biện vấn đề giáo dục với góc nhìn khách quan…

Thấy mình trên mỗi trang viết

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) kể: “Khi làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành, sau bài báo viết về cách vận động giáo viên tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm, tôi nhận được tin nhắn chúc mừng từ một đồng nghiệp trong miền Nam.

Trước đó, thầy đọc bài viết về mô hình xây dựng thư viện hạnh phúc của trường do tôi viết đăng trên Báo GD&TĐ. Thầy tìm được số điện thoại của tôi trên website nhà trường và liên hệ để chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng mô hình này. Tôi đã gửi một số hình ảnh thực tế triển khai tại trường để giúp thầy áp dụng nếu phù hợp với điều kiện đơn vị”.

Làm quản lý ở đơn vị nào, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt đều đặt mua đủ bộ ấn phẩm của Báo GD&TĐ. “Theo dõi nhiều năm, tôi thấy Báo tổ chức các chuyên đề sâu mang tính đón đầu trong triển khai Chương trình GDPT 2018. Chúng tôi học hỏi rất nhiều giải pháp, cách triển khai ở đơn vị bạn trên toàn quốc để áp dụng vào quá trình thực hiện tại nhà trường. Mô hình 6T (Trí tuệ - Tận tâm - Thân thiện) triển khai tại Trường Tiểu học Núi Thành được chúng tôi xây dựng thông qua học tập một số mô hình ở các trường tiểu học điển hình mà Báo giới thiệu”.

Công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), cô Nguyễn Thị Thu Ba chia sẻ: “Những năm dạy học ở điểm trường lẻ, không có điều kiện đọc báo giấy thường xuyên nhưng tôi vẫn tìm đọc những bài viết về phương pháp dạy học tích cực cấp tiểu học trên Báo GD&TĐ. Từ tấm gương thầy cô dạy học vùng khó, điều kiện triển khai còn khắc nghiệt hơn cả địa bàn chúng tôi đang dạy học, bản thân tìm thấy ý nghĩa trong công việc mình theo đuổi; thấy mình được tiếp sức từ chính đồng nghiệp khắp cả nước”.

Cô Thu Ba kể, năm nào cũng thu xếp thời gian để theo dõi Chương trình Thay lời tri ân do Báo GD&TĐ phối hợp tổ chức. “Chúng tôi tìm thấy hình ảnh của mình trong hành trang của đồng nghiệp. Mỗi giáo viên vùng cao đều phải gánh nhiều vai, vừa dạy chữ, vừa chăm chút học sinh từ cái áo, đôi dép, bữa cơm…

Mang nỗi lo của một người mẹ, những nặng trĩu của chúng tôi không chỉ dừng lại trên trang giáo án, bài kiểm tra học sinh, mà còn là cái ăn, mặc, thậm chí xin cả học bổng giúp các em để đường tới trường không bị đứt đoạn. Đổi lại, chúng tôi nhận được niềm vui bình dị nhưng ấm áp. Sự quan tâm chân thành, mộc mạc của phụ huynh khiến những băn khoăn, so sánh điều kiện dạy học… trong mỗi giáo viên vơi bớt nặng nề”.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt bên góc đọc được xây dựng theo mô hình Trường học hạnh phúc.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt bên góc đọc được xây dựng theo mô hình Trường học hạnh phúc.

Cùng đồng hành, gỡ khó

Từ 1/1/2021, giáo viên các trường THCS, tiểu học, mầm non ở Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) không được hưởng cơ chế, chính sách công tác ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 76/2019 của Chính phủ.

Với Trường THPT Lý Sơn, giáo viên không còn nhận chế độ này từ tháng 10/2020. Khác với một số báo chỉ đưa tin về sự kiện Lý Sơn hoàn thành mục tiêu nông thôn mới nên các chế độ có liên quan đến hỗ trợ vùng sâu xa không còn, Báo GD&TĐ đã tổ chức tuyến bài, trong đó nhấn mạnh việc các thầy cô công tác ở Lý Sơn cần được hỗ trợ vì điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, cách trở với đất liền, nhất là vào tháng mùa Đông hoặc lúc biển động.

Kể về tuyến bài mà Báo GD&TĐ đồng hành cùng học sinh, giáo viên huyện đảo, thầy Huỳnh Văn Long - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn đồng thời cho hay: Cùng với kiến nghị của các cấp ngành có liên quan, tháng 3/2022, giáo viên dạy học trên huyện đảo Lý Sơn tiếp tục hưởng một số cơ chế, chính sách và đưa vào danh sách ưu tiên hưởng chính sách như các xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 131 ngày 25/11/2017 của Thủ tướng như huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị).

“Lý Sơn là địa bàn cách trở, xa xôi với đất liền, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, sinh hoạt khó khăn. Vì vậy, việc được xét duyệt hỗ trợ trở lại đối với giáo viên, học sinh là hợp tình, để giảm bớt khó khăn, trở thành nguồn động viên cho việc dạy và học tốt hơn”, thầy Huỳnh Văn Long chia sẻ.

Ở góc độ khác, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt nhận xét: “Chúng tôi được học hỏi, tiếp sức bởi nhiều giáo viên, cán bộ quản lý tiên phong trong đổi mới giáo dục từ những bài báo trên GD&TĐ. Tôi và đồng nghiệp cũng có cái nhìn tổng thể hơn về ngành Giáo dục đang thay đổi gì, cải tiến đến đâu, chất lượng đào tạo thế nào qua các bài báo.

Trong bối cảnh gần như cách nhìn nhận, đánh giá của xã hội về giáo dục ít tính toàn diện và vì nó liên quan đến mọi gia đình nên ai cũng có thể phê phán nhưng lại không nhiều “tiếng nói” chia sẻ, nhất là đối với những chủ trương mới thì thông tin trên Báo là điều quý giá”.

Ông Lê Văn Nghĩa - Phó Trưởng ban Văn hóa - xã hội, Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng cho biết: “Ngoài chủ động trong tuyên truyền hoạt động, chính sách của ngành, giới thiệu gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến để tạo sự lan tỏa, khích lệ thầy cô giáo và học sinh, Báo GD&TĐ cũng không tránh né đề cập đến khó khăn, bất cập của ngành để các ban ngành, đoàn thể và phụ huynh chung tay tháo gỡ.

Thành công của đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo phụ thuộc nhiều vào việc phải làm sao thay đổi nhận thức của cả xã hội về quan niệm chất lượng giáo dục. Báo đã có nhiều bài viết đón đầu vấn đề này, giúp phụ huynh và xã hội hiểu rõ những thay đổi trong phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, chuyển từ mục tiêu dạy học theo kiểu truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất - năng lực cho học sinh”.

“Để xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc, tôi đã tham khảo các bài viết trên Báo GD&TĐ nhằm xây dựng nền tảng lý thuyết, chọn lọc những mô hình, cách làm phù hợp thực tế của trường và vận dụng. Ví như cách để học sinh không phải mặc đồng phục tất cả các ngày trong tuần mà có một ngày mặc áo quần tự do…”, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.