Báo GD&TĐ làm việc với Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Ninh Thuận

GD&TĐ - Ngày 17/12, đại diện Báo Giáo dục & Thời đại đã có buổi làm việc với Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Ninh Thuận.

Công văn 2231 của Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận nêu rõ việc sử dụng ngôn ngữ lập trình Scratch hoặc Python cho dạy học môn Tin học lớp 8.
Công văn 2231 của Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận nêu rõ việc sử dụng ngôn ngữ lập trình Scratch hoặc Python cho dạy học môn Tin học lớp 8.

Nội dung làm việc về phản ánh của độc giả Lê Văn Huyên quanh nội dung bài viết “Ninh Thuận: Sáng kiến kinh nghiệm viết về nội dung được tinh giản?” đăng trên Báo Giáo dục & Thời đại ra ngày 17/6/2021.

Với tinh thần cầu thị và lắng nghe, Báo Giáo dục & Thời đại đã trao đổi và làm rõ những khúc mắc mà độc giả Lê Văn Huyên mong muốn được giải đáp cũng như các yêu cầu từ phía Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Ninh Thuận.

Tại buổi làm việc, Báo Giáo dục & Thời đại cho rằng: Việc chuyển tải thông tin, bài viết phản ánh nêu trên xuất phát từ căn cứ pháp lý là Công văn 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 10/8/2020 về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT.

Trong phần phụ lục Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS môn Tin học đối với lớp 8, phần Lưu ý có nêu: Để minh họa cho phần Lập trình cơ bản (lớp 8), trong SGK đã sử dụng Ngôn ngữ lập trình Pascal là ngôn ngữ lập trình có cấu trúc, các câu lệnh có ngữ nghĩa gần với tiếng Anh thông thường.

Tuy nhiên, tùy điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, giáo viên có thể lựa chọn bất kỳ ngôn ngữ bậc cao nào khác để minh họa cho các cấu trúc lập trình cơ bản.

Trước đó, PGS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) (thời điểm năm 2019) đã khẳng định: Việc điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng cắt giảm các nội dung quá khó, trùng lặp, chưa thật sự cần thiết với học sinh; các câu hỏi, bài tập đòi hỏi phải khai thác quá sâu kiến thức lí thuyết, để giáo viên, học sinh dành thời gian cho các nội dung khác, tạo thêm điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông. Theo đó, nội dung liên quan đến kĩ thuật chuyên sâu về ngôn ngữ Pascal đã được giảm tải.

Tiếp đó, năm 2017, Bộ GD&ĐT đã giao cho các tác giả phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nâng cấp sách bộ sách giáo khoa hiện hành trước thực tế nhiều nội dung đã lạc hậu trong sách tin học cấp THCS. Nội dung lập trình Pascal đã được thay bằng ngôn ngữ lập trình Free Pascal hoặc lập trình kéo thả Scratch.

Xuất phát từ nhận thức trên, Báo Giáo dục & Thời đại cho rằng, việc viết và công nhận sáng kiến liên quan đến ngôn ngữ Pascal là không phù hợp với thực tiễn và nhất là định hướng của Chương trình GDPT 2018.

Nhận thức này đã được chính ngành Giáo dục tỉnh Ninh Thuận cụ thể hóa bằng Công văn 223l/SGDĐT-NVDH - ban hành ngày 17/9/2021, do Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Thuận Nguyễn Anh Linh ký - nêu rõ, theo sách giáo khoa hiện hành, môn Tin học lớp 8 và lớp 11 sử dụng ngôn ngữ lập trình Pascal để minh họa.

Tuy nhiên, Pascal là ngôn ngữ lập trình sơ khai, nay đã khá lạc hậu vì nặng về lý thuyết, thiếu tính ứng dụng, gây quá tải cho việc dạy và học. Sở GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên chuyển đổi ngôn ngữ lập trình để dạy học môn Tin học lớp 8 và lớp 11.

Theo đó, với môn Tin học lớp 8: Sử dụng ngôn ngữ lập trình Scratch hoặc Python. Khuyến khích sử dụng ngôn ngữ lập trình Scratch để tăng đảm bảo tính trực quan, phù hợp lứa tuổi học sinh THCS.

Vì vậy, việc Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Ninh Thuận cho rằng, bài viết của Báo Giáo dục & Thời đại đăng tải là không khách quan và có thiếu sót, phía Báo Giáo dục & Thời đại cho rằng là nhận định chưa đầy đủ.

Báo xin ghi nhận phản hồi về việc bài viết dẫn lời một giáo viên dạy học tại Trường THCS Lê Văn Tám cho rằng Ban giám khảo chấm sáng kiến về môn Tin học bậc THCS cũng như Hội đồng xét duyệt sáng kiến ngành GD-ĐT TP Phan Rang - Tháp Chàm và người viết sáng kiến không đọc và không thực hiện Công 3280/BGDĐT-GDTrH là chưa cập nhật Công văn số 2084/SGDĐT-NVDH (ngày 28/8/2020) của Sở GD&ĐT Ninh Thuận.

Việc Báo phản ánh nhưng không ghi tên đơn vị, tên tác giả của sáng kiến là thể hiện rất rõ tinh thần xây dựng và góp ý của Báo với ngành, để mọi hoạt động của ngành Giáo dục tốt lên chứ không phải vì lý do khác. Vì vậy, việc độc giả cho rằng Báo Giáo dục & Thời đại viết bài sai sự thật, bôi nhọ danh dự của mình là không thuyết phục.

Để thông tin được khách quan và công tâm, phản ánh đầy đủ bản chất của vấn đề như kiến nghị từ Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Ninh Thuận tại buổi làm việc, cũng như có phản hồi một cách đầy đủ những yêu cầu của ông Lê Văn Huyên, Báo Giáo dục & Thời đại mong muốn sẽ được làm việc trực tiếp với Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận, Phòng Giáo dục và Đào tạo Phan Rang - Tháp Chàm trong thời gian sớm nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.