Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, trong năm 2013 Bộ đã tổ chức 110 cuộc thanh tra, kiểm tra tới 114 tổ chức và cá nhân.
Kết quả, phát hiện 81 cá nhân và tổ chức có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ. Đoàn công tác đã xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo 10 tổ chức, 30 doanh nghiệp đang chờ xử lý vi phạm.
Nội dung các vi phạm chủ yếu là sao chép sách ngoại văn, giáo trình giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, các chương trình phần mềm máy tính, tác phẩm mỹ thuật, điện ảnh, đăng tải lên website, phát sóng chương trình, video clip âm nhạc mà không được phép của chủ sở hữu.
Muôn kiểu vi phạm bản quyền
Điển hình là vi phạm của công ty Sơn Ca khi liên kết với công ty Samsung Vina, cho phép người dùng khi mua Samsung Smart TV được truy cập vào kho nhạc karaoke trực tuyến của Công ty Sơn Ca để chọn bài hát karaoke. Đây là hành vi phân phối bản ghi âm tác phẩm âm nhạc mà không được phép của chủ sở hữu bản quyền tác phẩm âm nhạc…
Trong lĩnh vực giáo dục cũng đang nổi lên nhiều trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền tại các trường ĐH, các trung tâm đào tạo nhân lực và kỹ năng.
Ngày 5/3, Công ty CP Trường Doanh nhân Đắc Nhân Tâm (Dale Carnegie Việt Nam) đã chính thức tuyên bố khởi kiện ông Lê Như Hiếu (từng là chuyên viên đào tạo của công ty).
Từ năm 2009 - 2010, ông Hiếu đi giảng dạy ở bên ngoài các cơ sở đào tạo không phải của Dale Carnegie Việt Nam và sử dụng toàn bộ phương pháp đào tạo, giảng dạy và giáo trình của công ty mà không được sự đồng ý.
Dale Carnegie Việt Nam đã nhắc nhở nhiều lần sau đó chấm dứt hợp đồng với ông Hiếu. Tuy nhiên, năm 2012 ông Hiếu đã thành lập công ty và sử dụng chương trình của Dale Carnegie giống đến gần 100%.
Bên cạnh đó, tình trạng sao chép, in ấn ngang nhiên các loại sách ngoại văn cũng đang công khai diễn ra. Các ấn phẩm vi phạm thường là được photo từ sách gốc hay được tổ chức in ấn lại với chất liệu, màu sắc, hình thức gần giống 100%.
Bên cạnh đó, vẫn có những ấn bản bị thiếu trang, thiếu nội dung, dịch sai và không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng đối với người đọc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình kinh doanh của các công ty kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa.
Cần có các biện pháp chế tài mạnh hơn
Theo GS.TS, Luật gia Phạm Vân Nam, các hành vi sao chép, ăn cắp bản quyền của những người vi phạm không tốn chi phí đầu tư, nghiên cứu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi thế, khả năng cạnh tranh của các tác giả, các cơ sở kinh doanh. Nó làm triệt tiêu động lực sáng tạo, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh hiện đại và sâu xa hơn làm suy yếu nền tảng đạo đức.
Thực tế hiện nay, rất nhiều công ty kinh doanh, cá nhân khi bị vi phạm còn ngại ngùng, rụt rè và sợ phiền toái trong việc bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Điều đó đã vô tình tiếp tay cho các vi phạm bản quyền.
Mặc dù Nhà nước đã có những quy định xử phạt đối với hiện tượng này nhưng Luật Xuất bản hiện nay còn chưa đủ sức mạnh pháp chế mạnh đối với các trường hợp vi phạm bản quyền.
Thực tế mức phạt hành chính đối với những đối tượng vi phạm hiện chỉ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng nên họ vẫn quá lãi so với nguồn thu từ sách, băng đĩa lậu,
Ông Phạm Vân Nam cho rằng, cần phải có những hình thức xử phạt từ cao tới thấp, từ phạt vi phạm hành chính, xử lý dân sự đến hình sự.
Ngay cả mức phạt hành chính bằng tiền cũng nên tăng cao hơn nhiều so với mức đang áp dụng. Nếu một công ty kinh doanh vi phạm bản quyền mà bị phạt với mức hàng trăm triệu tới hàng tỷ đồng thì mức răn đe sẽ có hiệu quả hơn nhiều.
Cá biệt với những trường hợp tái phạm nhiều lần với mức độ nghiêm trọng và gây thiệt hại nhiều cho người bị vi phạm thì cần có các biện pháp chế tài mạnh mẽ để mang tính răn đe cao.
Tại một số nước như Đức, Mỹ, những trường hợp vi phạm nặng có thể bị tước giấy phép kinh doanh, cấm xuất cảnh với cá nhân và người chủ sở hữu thậm chí còn bị xử lý hình sự.
Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi thì hơn ai hết chính các công ty, cá nhân bị vi phạm bản quyền cũng phải xem việc phát hiện, khởi kiện các đơn vị cố tình vi phạm luật bản quyền không chỉ là vì quyền lợi cho cá nhân mình mà còn vì trách nhiệm xã hội.