Báo động về mức sinh thay thế tại Việt Nam

GD&TĐ - Suốt hơn 10 năm, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế, thậm chí mức sinh được kiểm soát dưới mức sinh thay thế (dưới 2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) nhưng thực tế, công tác dân số không chỉ là vấn đề của những con số.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiện nay mức sinh không đồng đều ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc. Đây là những vùng có mức sinh rất cao, nhiều tỉnh vẫn là mức 2,5 thậm chí trên 3 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó có những tỉnh như Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh mức sinh lại quá thấp, chỉ đạt mức 1,3 – 1,4 con/1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

TS Lê Cảnh Nhạc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cho biết: “Nếu so sánh với các quốc gia khác thì đây là mức sinh tại Việt Nam hiện nay rất thấp và rất đáng báo động.

Bài toán kiểm soát mức sinh không thể chỉ nhìn vào một con số bình quân chung của cả nước để hài lòng về mức sinh tốt mà phải đánh giá tổng thể. 

Nghịch lý những vùng có mức sống cao thì mức sinh lại xuống thấp còn những vùng chất lượng sống thấp thì mức sinh lại tăng cao. Như vậy, tỷ lệ chất lượng dân số không tốt sẽ ngày càng cao hơn”.

Bài toán mà công tác dân số cần gấp rút tìm phương án là tiếp tục kiểm soát mức sinh ở mức sinh thay thế nhưng phải làm sao để ở những vùng có mức sinh cao được kiểm soát đưa về mức sinh thay thế và nâng cao mức sinh những vùng thấp.

Trong giai đoạn hiện nay, thông điệp về dân số không còn là “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh 1 hoặc 2 con” mà phải chuyển thành “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh 2 con” để phù hợp với tình hình thực tế. 

Thông điệp được nhấn mạnh ở con số nhằm hướng tới mục tiêu cần bằng tỷ lệ và chất lượng dân số. Đây là thông điệp chung để các vùng cùng phấn đấu cho mục tiêu dân số chung.

Khuyến khích sinh 2 con trước là vì mục tiêu dân số quốc gia, thêm vào đó, gia đình 2 con có xu hướng hạnh phúc hơn sinh 1 con vì trẻ có anh có em, có điều kiện tốt hình thành thói quen biết quan tâm chăm sóc và sống có trách nhiệm,…

Kiểm soát mức sinh trong công tác dân số hiện nay rất sinh động và phức tạp. Mỗi địa phương, mỗi vùng lại có những đặc điểm khác nhau. Thậm chí, cùng trong 1 tỉnh nhưng có địa bàn mức sinh cao, có địa bàn mức sinh thấp.

Cũng theo TS Lê Cảnh Nhạc, tình trạng sinh con thứ 3 hiện nay tập trung vào đối tượng cán bộ, đảng viên, giáo viên. Điều dẫn đến mất công bằng xã hội, đồng thời là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng vì phần lớn những người sinh con thứ ba là vì họ chưa có con trai.

Kiểm soát mức sinh trong quy mô dân số hiện nay diễn biến ngày càng phức tạp nên kế sách cũng cần đa dạng để phù hợp thực tiễn. Vì vậy, con số dưới 93 triệu dân vào năm 2015 chưa hẳn là con số khiến chúng ta yên tâm vì ẩn chất đằng sau con số đó là quy mô dân số có nhiều vấn đề bất ổn.

Những chương trình, kế hoạch cụ thể đã và đang được triển khai một cách tích cực để từng bước khắc phục những mất cân đối trong cấu trúc dân số, cùng với đó là góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội.

“Mức sinh thay thế là mức sinh mà trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời sinh đẻ của mình sinh đủ số con gái để thay thế mình thực hiện chức năng sinh đẻ, duy trì nòi giống.

Hiểu một cách nôm na, nếu mỗi người mẹ sinh được 2 con là đạt mức sinh thay thế, vì theo quy luật tự nhiên và tính trên phạm vi rộng thì trong 2 con sẽ có 1 con gái để thay thế mẹ mình thực hiện chức năng sinh đẻ (tái sản xuất dân số). 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi các yếu tố như tuổi thọ của phụ nữ, tỷ suất chết trẻ em, tỷ lệ người độc thân, vô sinh… nên mức sinh thay thế thường là hơn 2 con.

Tổng tỷ suất sinh (ký hiệu TFR - Total Fertility Rate) trong khoảng 2,1 con được coi là mức sinh thay thế".

TS. Lê Cảnh Nhạc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ