(GD&TĐ) - Hiện nay ở nước ta trung bình mỗi năm có trên 11 nghìn vụ TNGT đường bộ với khoảng 12 nghìn người chết do TNGT. Bình quân cứ mỗi tháng có hơn 1 nghìn người chết trong đó có nhiều nạn nhân là trẻ em. Riêng bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) một năm đã cấp cứu, điều trị cho khoảng hơn 1.600 trẻ em dưới 15 tuổi bị TNGT. Những vụ TNGT có liên quan đến trẻ em xảy ra thường nghiêm trọng và rất đau lòng.
Bên cạnh những nguyên nhân do người lớn điều khiển xe ô tô, xe máy, xe thô sơ không chấp hành đúng quy định về ATGT gây TNGT cho trẻ em thì nhiều vụ TNGT xảy ra các em vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm gây tai nạn. Phần lớn các em ở lứa tuổi hiếu động lại thiếu sự hiểu biết về ATGT, không chấp hành đúng quy tắc giao thông.
Theo Thượng tá Trần Sơn - Cục CSGT đường bộ đường sắt, lỗi của các em nhỏ khi tham gia giao thông thường là: Đi dưới lòng, lề đường; đi hoặc chạy qua đường không chú ý quan sát; trèo qua dải phân cách; nơi có tín hiệu đèn và vạch kẻ đường dành cho người đi bộ qua đường vẫn qua đường khi chưa có tín hiệu cho phép, qua đường không đúng nơi quy định; đi sai phần đường, đi ngược chiều, thậm chí đi cả vào đường cấm, điều khiển xe đạp chở quá số người quy định, chưa đủ 12 tuổi vẫn đi xe đạp của người lớn, đi xe dàn hàng ngang 3,4 xe trở lên vừa đi vừa đùa nghịch, rẽ ngoặt đột ngột trước đầu xe cơ giới đang chạy, chuyển hướng xe không đúng quy định, lạng lách, đánh võng hoặc đua xe trái phép; chưa đến tuổi, chưa có giấy phép lái xe vẫn điều khiển xe gắn máy, xe mô tô. Khi TNGT xảy ra, nếu các em đang điều khiển hoặc ngồi trên xe máy, xe đạp không đội MBH thì bị chấn thương sọ não dẫn tới tử vong hoặc tàn tật suốt đời là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
Nhằm hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, những năm qua lực lượng CSGT đã chủ động phối hợp với ngành Giáo dục- Đào tạo biên soạn tài liệu, sách giáo khoa, tập huấn cho đội ngũ giáo viên đưa chương trình giảng dạy Luật GTĐB vào giảng dạy ở các cấp học, đồng thời phối hợp với các trường học tổ chức các hoạt động ngoại khóa về TTATGT. Những nỗ lực kết quả công tác bảo đảm TTATGT của lực lượng CSGT đã góp phần quan trọng trong việc kiềm chế gia tăng, phòng ngừa TNGT nói chung, TNGT có liên quan đến trẻ em nói riêng.
Một buổi tuyên truyền luật giao thông trong trường học |
Tuy nhiên, công tác phòng ngừa TNGT đối với trẻ em vẫn còn gặp nhiều khó khăn trở ngại. Hiện pháp luật vẫn chưa có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với người điều khiển ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy đối với trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Mà việc đội mũ bảo hiểm mới chỉ áp dụng cho người lớn, còn đối với trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương lại chưa được pháp luật quy định bắt buộc đội MBH. Do vậy, cần thiết phải quy định và bắt buộc người lớn phải đội MBH cho trẻ em khi ngồi trên xe máy để phòng ngừa tai nạn giao thông cho trẻ em.
Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cần tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp trong Chương trình quốc gia phòng, chống tai nạn thương tích giai đoạn 2002-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 197/2001/QĐ-TTg. Xác định phòng, chống tai nạn thương tích nói chung, TNGT với trẻ em nói riêng là trách nhiệm của toàn xã hội và là nhiệm vụ quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Thường xuyên tuyên truyền giáo dục để mọi người, đặc biệt là lứa tuổi trẻ em nâng cao hiểu biết về các nguy cơ, khả năng xảy ra TNGT, biết cách phòng ngừa TNGT, chấp hành nghiêm quy định đội MBH khi tham gia giao thông bằng xe máy.
Đối với ngành Giáo dục - Đào tạo, các trường học cần tăng cường xây dựng chương trình giáo dục TTATGT phù hợp, mang tính liên thông ở các bậc học; tập huấn kiến thức pháp luật về TTATGT cho đội ngũ giáo viên. Phối hợp với lực lượng CSGT ở địa bàn đến các trường học tuyên truyền về ATGT, tổ chức các hoạt động ngoại khóa về TTATGT, tổ chức cho các em tham gia hướng dẫn giao thông nhằm tạo sân chơi thu hút các em tìm hiểu và thực hành tham gia giao thông an toàn.
Các cơ quan thông tin, báo chí cần thường xuyên tuyên truyền cảnh báo về TNGT, các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, hậu quả tác hại của việc không chấp hành các quy định về đội MBH. Kịp thời biểu dương khen ngợi, nêu gương người tốt, việc tốt của trẻ em, học sinh trong việc chấp hành các quy định về ATGT và góp phần bảo đảm TTATGT. Để giảm thiểu thiệt hại do TNGT gây ra, cần chú trọng tuyên truyền vận động phụ huynh đội MBH cho các em khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp.
Một biện pháp quan trọng khác là, lực lượng CSGT cần phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp học sinh, trẻ em không chấp hành đúng các quy định về ATGT, nhất là các vi phạm không đội MBH theo quy định. Đồng thời thông báo vi phạm về các trường học, khu dân cư để phối hợp giáo dục, quản lý.
Đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu bổ sung quy định và có chế tài xử phạt đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện (khi chạy bằng điện) chở trẻ em dưới 6 tuổi không đội MBH theo khuyến cáo của WHO và UNICEF, Quỹ phòng chống thương vong Châu Á.
Trà My