Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Với phương châm “Tất cả nhà giáo, người lao động đều có Tết, năm nay chương trình có nhiều điểm mới, phù hợp với điều kiện dịch bệnh.
- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các thầy, cô giáo ở vùng dịch gặp vô vàn khó khăn. Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã hỗ trợ đội ngũ nhà giáo ra sao?
- Quan tâm, hỗ trợ, sẻ chia là truyền thống của tổ chức công đoàn trong ngành Giáo dục từ lâu. Bất kể khi có địa phương, đơn vị nào gặp khó khăn, cần sự giúp đỡ thì ngay lập tức sẽ nhận được những lời hỏi thăm động viên, hỗ trợ về tiền và hiện vật kịp thời.
Trong điều kiện kinh phí hoạt động công đoàn còn hạn chế, việc các đơn vị gom góp, chắt chiu để có những khoản tiền hỗ trợ đồng nghiệp trong lúc hoạn nạn không chỉ thể hiện ý thức trách nhiệm mà còn mang đến sự động viên to lớn, giúp đồng nghiệp vững vàng để đương đầu với khó khăn, ổn định cuộc sống.
Trong đợt dịch bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố đã có nhiều hoạt động ý nghĩa như hỗ trợ gần 400 triệu đồng mua rau xanh cho nhà giáo, người lao động vùng dịch. Cán bộ công đoàn giáo dục các địa phương đến tận nơi hoặc trích quỹ gửi vào tài khoản kinh phí hỗ trợ kịp thời cho nhà giáo, người lao động tử vong vì Covid-19, cùng các trường hợp F0, F1, bị cách ly, có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã thành lập nhóm “Ứng phó với đại dịch Covid-19” trên Zalo bao gồm các cán bộ chủ chốt của cơ quan Công đoàn Giáo dục Việt Nam, cán bộ công đoàn là đầu mối vùng cung cấp lương thực thực phẩm, cán bộ công đoàn đầu mối nơi tiếp nhận để thông tin kịp thời, động viên nhau vượt qua khó khăn, tính toán các phương án hỗ trợ nhà giáo, người lao động một cách kịp thời nhất.
Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng tổ chức giao lưu trực tuyến với cán bộ công đoàn giáo dục vùng có dịch để động viên, trấn an tinh thần, nắm rõ nhu cầu cần hỗ trợ. Trên cơ sở đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã trích quỹ Xã hội để chuyển về các địa phương, đơn vị giải quyết khó khăn trước mắt mà nhà giáo, người lao động đang gặp phải.
- Một trong những chương trình hỗ trợ ý nghĩa và được nhà giáo, người lao động ngóng trông mỗi dịp Tết đến, xuân về là “Tết Sum vầy - Kết nối yêu thương” do Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức. Xin ông cho biết mục đích và ý nghĩa của chương trình này?
- “Tết sum vầy” là hoạt động thường niên của Công đoàn Giáo dục Việt Nam trong những năm gần đây, nhằm mục đích chăm lo cho đời sống cho nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn.
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ thiết thực đời sống vật chất, tinh thần cho nhà giáo, người lao động, đặc biệt là nhà giáo, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; những nhà giáo gặp khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ; bảo đảm nhà giáo, người lao động đón Tết vui tươi, ấm no, hạnh phúc.
Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ vận động các tổ chức, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, nhà hảo tâm ủng hộ nguồn lực để tổ chức hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho nhà giáo, người lao động. Các hoạt động này được tổ chức bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đúng đối tượng, an toàn, tuân thủ quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Công đoàn cơ sở, cấp trên cơ sở tổ chức linh hoạt, đa dạng hình thức chăm lo, hỗ trợ Tết, tập trung chăm lo, hỗ trợ nhà giáo, người lao động. Ưu tiên nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, mắc bệnh hiểm nghèo, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ. Chăm lo cho nhà giáo, người lao động thuộc đối tượng gia đình chính sách hoặc nhiều năm chưa có điều kiện về quê sum họp với gia đình trong dịp Tết Nguyên đán.
- Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các hoạt động cụ thể nhân dịp Tết Nguyên đán của Công đoàn Giáo dục Việt Nam là gì, thưa ông?
- Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức thăm, tặng quà, động viên, chúc Tết nhà giáo, người lao động. Quan tâm đặc biệt tới nhà giáo, người lao động phải ở trong các khu cách ly, phong tỏa, mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà hoặc các cơ sở y tế; nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo.
Công đoàn Giáo dục các cấp tổ chức các hoạt động vui Xuân, thăm hỏi, động viên nhà giáo, người lao động không có điều kiện về quê đón Tết để cảm nhận không khí đầm ấm, vui tươi trong ngày đầu năm mới. Trường hợp có nhiều nhà giáo, người lao động không về quê đón Tết do tình hình Covid-19 hoặc theo yêu cầu phòng chống dịch thì tổ chức Chương trình trực tuyến “Tết không xa nhà” và các hình thức phù hợp với từng địa phương, đơn vị.
Ngoài ra, các đơn vị thường xuyên nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng; tuyên truyền, vận động nhà giáo, người lao động đón Tết, vui Xuân tiết kiệm, an toàn, chấp hành quy định của pháp luật và trở lại làm việc đúng thời gian; thực hiện nghiêm hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!