Bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học: Trách nhiệm của địa phương

GD&TĐ - Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Thời gian qua, đầu tư về cơ sở vật chất như các phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị dạy học chưa kịp thời, làm ảnh hưởng đến công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng, cung cấp trang thiết bị dạy và học tối thiểu, kịp thời, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu giảng dạy của từng khối lớp.

Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục, trước hết là trách nhiệm của địa phương.

Ngày 26/12/2018, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT về Chương trình giáo dục phổ thông. Căn cứ lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho tất cả khối lớp (Thông tư số 05/2019/TT-BGDĐT ngày 5/4/2019; Thông tư số 43/2020/TT-BGDĐT ngày 3/11/2020; Thông tư số 44/2020/TT-BGDĐT ngày 3/11/2020; Thông tư số 37/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021; Thông tư số 38/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021; Thông tư số 39/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021).

Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu do Bộ GD&ĐT ban hành là căn cứ để UBND các tỉnh, thành phố tính toán, xây dựng kế hoạch mua sắm hàng năm cho cơ sở giáo dục; đồng thời là căn cứ để các doanh nghiệp tổ chức sản xuất, cung ứng thiết bị dạy học cho ngành Giáo dục tỉnh, thành phố.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, giao tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể mức vốn cho từng bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Thực hiện Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 giao kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương bao gồm: Tổng số vốn ngân sách địa phương, chi tiết danh mục dự án và mức vốn ngân sách Trung ương từng dự án của từng địa phương.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong giai đoạn tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với bộ, ngành đề nghị Chính phủ quan tâm tới các địa phương, nhất là tỉnh vùng núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và tỉnh còn khó khăn, để hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng hoạt động giáo dục; đồng thời đề nghị UBND tỉnh An Giang dành ngân sách thỏa đáng từ nguồn vốn ngân sách địa phương, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ