Nhiều giải pháp bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vùng khó

GD&TĐ - Cử tri huyện Thường Xuân, Thanh Hóa đề nghị Bộ GD&ĐT đầu tư xây dựng nhà hiệu bộ, khu bán trú và chế độ nội trú cho các trường THCS bán trú ở huyện miền núi.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục, trước hết là trách nhiệm của các địa phương.

Để hỗ trợ địa phương khó khăn tăng cường cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chương trình, đề án hỗ trợ cơ sở vật chất như: Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020; Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025...

Các chương trình, đề án có nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương khó khăn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý và trách nhiệm để địa phương huy động các nguồn lực bảo đảm cơ sở vật chất trường, lớp học.

Bộ GD&ĐT đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa giám sát việc thực hiện các chương trình, đề án tại địa phương, bảo đảm các cấp chính quyền dành kinh phí thỏa đáng để đầu tư cho giáo dục.

Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đề nghị Chính phủ quan tâm tới các địa phương, nhất là tỉnh vùng núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và các tỉnh còn khó khăn, để hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ