Do đó việc phối hợp kiểm tra đột xuất cơ sở cung cấp suất ăn bán trú, bếp ăn tập thể, căng-tin trường học… được kỳ vọng góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng bữa ăn của học sinh tại trường.
Nhà trường, phụ huynh cùng giám sát
Ngày 12/10/2023, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, TPHCM ban hành văn bản về thông tin phối hợp trong công tác tổ chức, quản lý và phục vụ bán trú cho học sinh năm học 2023 - 2024. Theo cô Nguyễn Thị Tường Minh - Phó Hiệu trưởng nhà trường, cha mẹ có thể đến trường bất cứ ngày nào trong tuần, cùng nhà trường quan sát trực tiếp bữa ăn bán trú của con.
Nếu có ý kiến trong quá trình tham gia bán trú, phụ huynh và học sinh phản hồi trực tiếp về bộ phận quản lý bán trú của trường, hoặc phản ánh thông qua giáo viên chủ nhiệm lớp. Các cá nhân được phân công tiếp nhận thông tin phải báo cáo kịp thời về ban giám hiệu để xử lý vướng mắc.
“Toàn trường có hơn 700 học sinh đăng ký bán trú. Khu vực học sinh ăn trưa sạch sẽ, mát mẻ, bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng. Nhân viên phục vụ nhà bếp thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước và sau khi sơ chế, chế biến thực phẩm. Hằng ngày ban giám hiệu xuống nhà ăn, cùng ăn với học sinh”, cô Tường Minh cho hay.
Còn tại Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ (Quận 4, TPHCM), mỗi học kỳ ít nhất 1 lần đại diện nhà trường, nhân viên y tế, ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ kiểm tra đột xuất công ty cung cấp suất ăn. Khi đó, đoàn sẽ gọi điện rồi 30 phút sau có mặt ở công ty để kiểm tra. Đoàn đặc biệt chú ý tới nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, biên lai, giấy tờ…
Thầy Phan Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, kiểm tra xong ở công ty, đại diện phụ huynh trở về trường, ăn thử phần ăn của học sinh được cung cấp. Phụ huynh lấy ngẫu nhiên một khay cơm để đánh giá chất lượng. “Mỗi ngày, lúc 10 giờ, hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng phụ trách bán trú sẽ ăn thử trước khi học sinh ăn và có nhận xét. Nhân viên y tế thực hiện kiểm tra 3 bước và lưu mẫu”, thầy Tuấn chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Nhân kiểm tra thực tế bếp ăn tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). |
Trong tháng 10 vừa qua, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng và Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1, TPHCM) còn “mở cửa” trường đón cha mẹ vào tham gia tiết học của con, thăm nhà bếp của trường. Cách làm này được nhiều phụ huynh đánh giá cao về sự minh bạch, mong muốn nhân rộng mô hình tới nhiều trường hơn nữa.
Theo bác sĩ Đặng Ngọc Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (TPHCM), việc tận mắt chứng kiến bữa ăn bán trú có ý nghĩa quan trọng. Công tác giám sát luôn cần sự phối hợp của ban giám hiệu, đại diện phụ huynh học sinh và nhân viên y tế nhà trường.
Nguyên tắc là phụ huynh nào cũng được quyền tham gia kiểm tra, giám sát bữa ăn. Việc này được kết hợp giữa kiểm tra định kỳ và đột xuất. Nhà trường có trách nhiệm công bố thực đơn theo tuần để phụ huynh biết và theo dõi. Thông thường, thực đơn không lặp lại trong 4 - 8 tuần.
“Các trường học không có bếp ăn có thể ký kết với đơn vị cung cấp suất ăn bán trú bên ngoài. Tuy nhiên cần chọn đơn vị có đầy đủ giấy tờ pháp lý theo quy định và bắt buộc phải lưu mẫu 24 giờ tất cả món ăn trong ngày tại bếp ăn để phục vụ việc truy xuất nguyên nhân nếu gây ra sự cố an toàn thực phẩm.
Nếu được, cần sử dụng các bộ kit thử nhanh trong quá trình kiểm tra giám sát. Ngoài nguồn gốc thực phẩm, nên kiểm tra, giám sát quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với người trực tiếp sơ chế, chế biến, cơ sở vật chất, dụng cụ nấu ăn, nguồn nước… vì đây là vấn đề quan trọng”, bác sĩ Đặng Ngọc Hùng cho biết.
Bếp ăn của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1, TPHCM). |
Nâng cao dinh dưỡng bữa ăn
Chia sẻ về việc đảm bảo an toàn chất lượng bữa ăn học đường, theo ông Nguyễn Hữu Nhân - Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), hằng năm, đơn vị đều ban hành các văn bản về phòng chống ngộ độc thực phẩm, đảm bảo bếp ăn an toàn, truyền thông sức khoẻ… Ngoài ra, trong lớp chính trị hè cho cán bộ quản lý, giáo viên, sở cũng lồng ghép tập huấn thêm nội dung này. Đặc biệt, sở rất quan tâm đến bữa ăn học đường cho học sinh mầm non và tiểu học.
“Về công tác kiểm tra, sau lễ khai giảng năm học mới, sở GD&ĐT và sở Y tế phối hợp liên ngành kiểm tra toàn diện công tác y tế trường học tại 9 quận/huyện, với xác suất mỗi địa phương có 2 đơn vị để đánh giá và đưa ra góp ý... Bên cạnh đó, thông qua kiểm tra chuyên môn, chúng tôi đặc biệt chú trọng các nội dung liên quan đến an toàn trường học, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc”, ông Nhân cho hay.
Tại Cần Thơ, để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho học sinh, trường thực hiện theo tháp dinh dưỡng của Bộ Y tế, giúp trò nhận đủ chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện. Ngoài ra, để lên thực đơn hằng ngày, trường tham khảo phần mềm Ajinomoto, góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn. Ngành Giáo dục thành phố khuyến khích các trường tự nấu ăn để kiểm soát dễ hơn, đặc biệt trong quá trình di chuyển nhiều khi cũng nảy sinh vấn đề. Tuy nhiên do khó khăn, một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố vẫn phải hợp đồng bên ngoài.
“Dù tự tổ chức hay hợp đồng thuê bên ngoài, đều phải thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhà trường phải triển khai công tác kiểm tra giám sát thức ăn mỗi ngày”, ông Nhân nhấn mạnh.
Tại TPHCM, một trong những nhiệm vụ y tế trường học năm học này là đảm bảo yêu cầu dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong tổ chức bữa ăn học đường. Trường học triển khai có hiệu quả thực đơn cân bằng dinh dưỡng, phù hợp lứa tuổi học sinh. Theo đại diện Sở GD&ĐT TPHCM, từ nay đến hết tháng 12/2023, sở phối hợp Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM tổ chức các lớp tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm tại trường học, đồng thời phối hợp với ngành y tế kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Liên quan đến vấn đề dinh dưỡng suất ăn, bác sĩ Đặng Ngọc Hùng thông tin, tiêu chuẩn chung của thực đơn phải có trên 10 loại thực phẩm: Thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa và thực vật như đậu đỗ, lạc, vừng. Thực đơn bữa trưa có 2 - 3 loại thực phẩm cung cấp chất đạm, nên có 1 loại thực phẩm nguồn hải sản.
Thực đơn đa dạng về các loại rau, củ và quả chín (3 - 5 loại). Khuyến cáo định lượng rau củ bữa trưa của trẻ em tiểu học là 80 - 120g rau sống sạch và trẻ mẫu giáo là 60 - 80g rau sống sạch cho bữa trưa (bữa chính). Hạn chế sử dụng thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn như: Xúc xích, lạp xưởng, giò, chả lụa,…
Chị Đặng Thị Dưng có con học Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ: “Giám sát bữa ăn bán trú vô cùng quan trọng vì các con đang ở độ tuổi non nớt, phụ thuộc phần lớn vào bố mẹ và nhà trường. Vì thế, cha mẹ, nhà trường, chính quyền địa phương cần quyết liệt quan tâm, giám sát bữa ăn bán trú, cũng là để bảo vệ sức khỏe, quyền lợi cho các con”.