Những chiếc lu ở miền Tây

GD&TĐ - Từ xưa, với người miền Tây sông nước, không phải ngôi nhà mà chính những chiếc lu chứa nước mới được coi là “biểu tượng” của kinh tế gia đình. Nhìn những hàng lu trước sân, bên hiên nhà người ta biết đời sống của gia chủ như thế nào.

Người dân trữ nước trong lu ngay cả khi ở sát bên kênh rạch
Người dân trữ nước trong lu ngay cả khi ở sát bên kênh rạch

Vật dụng không thể thiếu

Hầu như bất cứ trong ngôi nhà nào ở miền châu thổ sông Cửu Long đều có vài chiếc lu. Những chiếc lu lớn có thể đựng lúa gạo, nước sinh hoạt cho tới lu vừa đựng đậu hay lu nhỏ đựng mắm, đồ ăn… Lu đặt trước hiên nhà, bên chái bếp, sau mái hứng nước mưa hay bên trong căn nhà…

Hiện nay, dù không còn quá quan trọng như ngày xưa nhưng với người dân miền Tây, nhất là ở những vùng quê sâu trong đồng đất, lu vẫn là vật dụng không thể thiếu trong gia đình. Những hàng lu “xếp hàng” bên hông nhà thường mang đến cho người ta cảm giác yên bình, nhẹ nhàng.

Còn nhớ cách đây khoảng chục năm, trong chuyến đi đầu tiên về vùng Đồng Tháp Mười, tôi rất bất ngờ khi thấy nhiều ngôi nhà mà đường dẫn từ lộ chính vào cửa là hai dãy lu có tới vài chục chiếc xếp san sát nhau. Những chiếc lu to bằng hai vòng tay ôm, cao ngang ngực người, được kê trên hàng gạch nung rất cẩn thận. Bất ngờ hơn khi quan sát thêm mới thấy, trong những ngôi nhà ấy, phía sau, bên chái hiên đều có thêm những hàng lu nữa. Đa phần những chiếc lu này nhỏ hơn chút, để người nhà dùng chứa một số nhu yếu phẩm như gạo, muối, mắm… 

Anh Nguyễn Văn Bình, 48 tuổi, một người dân xã Bình Phong Thạnh (huyện Mộc Hóa, Long An) cho  biết: Ở đây, hai hàng lu lớn trước cửa nhà thường là để chứa dự trữ nước ngọt. Mùa mưa, nước ngọt tràn trề nhưng mùa khô, đó là “hàng hiếm”. Dù sống ven kênh rạch nhưng nước tự nhiên ở đây thường nhiễm phèn mặn, người dân khó sử dụng cho sinh hoạt hằng ngày. Ngay cả sông Vàm Cỏ Tây, nơi cách bờ biển cả trăm cây số, nước vẫn bị nhiễm phèn mặn, rất khó dùng.

Vì thế, người dân phải mua những chiếc lu đất lớn để chứa nước. Vài chục năm trước, giá của một chiếc lu lớn đựng nước thực sự là một khối tài sản đáng giá. Bởi hầu hết lu mà người dân miền Tây sử dụng lại không được sản xuất ở miền Tây, nơi mà thổ nhưỡng nơi đây không có nguồn nguyên liệu đất sét để nung lu.

Hầu như tất cả các loại lu đều được các ghe lái thương hồ mua trên vùng Lái Thiêu, Thuận An (Bình Dương) hay Biên Hòa (Đồng Nai) đưa về bán lại. Đó là những chiếc lu sành được làm từ đất sét trắng nung ở nhiệt độ gần 500 độ C để có độ bền tốt trước điều kiện tự nhiên mưa nắng hai mùa. Ở miền Tây có nhiều chiếc lu có tuổi đời cả trăm năm.

Một lần ghé thăm mấy ngôi nhà cổ trăm tuổi ở vùng Cần Giuộc, Cần Đước (Long An) tôi được chủ ngôi nhà cho biết, ngoài ngôi nhà, những dãy lu ở xung quanh cũng là thứ tài sản quý giá mà cha ông đã để lại cho con cháu. Thậm chí, nhiều chiếc lu còn có mặt trước khi xây dựng ngôi nhà bởi những vật liệu bằng đất nung luôn có tuổi đời lớn hơn gỗ hay gạch ngói nung (ở nhiệt độ thấp hơn, khoảng 300 độ C).

Những chiếc lu làm mắm của ngư dân
Những chiếc lu làm mắm của ngư dân

Nét văn hóa của miền sông nước

Ngoài nước ngọt, lúa gạo… thì mắm - một sản phẩm đặc trưng của người dân miền Tây từ phía thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu cho tới các cửa sông phía hạ lưu, cũng được ủ trong những chiếc lu. Các vựa làm mắm buôn bán thì dùng lu lớn, các gia đình chỉ sử dụng hàng ngày thì dùng lu nhỏ. Mắm cá linh, mắm cá lóc, mắm cá sặc, mắm tôm…, mỗi loại mắm lại phải dùng một loại lu khác nhau. Thậm chí, một loại mắm cũng phải có vài cái lu, tùy từng thời gian mà người ta sẽ trữ mắm. Phía hạ lưu Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau thì có mắm cá biển, mắm rạm, mắm ba khía, mắm tôm tép…, vì thế, có nhiều gia đình, trong vườn có cả hàng trăm chiếc lu.

Đi trên những con đường quốc lộ, tỉnh lộ hay huyện lộ ở miền Tây, tôi dễ dàng bắt gặp những hàng lu san sát nằm hai bên đường. Đó là những tài sản giá trị của người dân, nhất là những cư dân nghèo nơi vùng sâu, vùng xa. Có cả những chiếc lu, như một tài sản có giá trị, được truyền từ đời cha sang đời con. Như ở gia đình anh Bình, ngoài những chiếc lu còn mới, tôi còn thấy một số chiếc bị hư hỏng, bị sứt mẻ vẫn được cẩn thận trám lại để tiếp tục sử dụng.

Tìm hiểu kỹ hơn về cuộc sống của người dân miền Tây, ta biết thói quen sử dụng lu - mà hầu hết là lu đất nung, xuất phát từ điều kiện tự nhiên nơi đây, đặc biệt là mùa nước nổi. Khi đó, những chiếc lu chứa lúa gạo, khoai sắn hay mắm muối của người dân được kê cao lên để đề phòng nước ngập.

Ngày nay, đời sống người dân có nhiều thay đổi, nhưng họ vẫn giữ thói quen dùng chiếc lu đất trong gia đình để chứa nước, gạo… Và đó cũng là lý do những ai về thăm các vùng quê thanh bình nơi đây vẫn dễ dàng nhận ra những hàng lu lặng lẽ, yên ả bên những nếp nhà quen thuộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ