Trải nghiệm thú vị
Trước đây, du khách đến với miền Tây thường gắn với du lịch sông nước miệt vườn, các loại hình du lịch chưa phát triển nên khó cầm chân khách. Bên cạnh đó, cách làm du lịch theo kiểu “cây nhà lá vườn” nhỏ lẻ, thiếu liên kết nên chưa có sức hấp dẫn du khách. Nhiều du khách cho rằng, đi du lịch ở miền Tây, chỉ cần đến 1, 2 tỉnh là có thể trải nghiệm hết vì quanh đi quẩn lại chỉ đi thăm vườn cây trái, bơi xuồng, thưởng thức ẩm thực tại vườn rồi nghe đờn ca tài tử…
Với tiềm năng, lợi thế và được thiên nhiên ưu đãi, các tỉnh ĐBSCL trong thời gian qua đã tìm giải pháp để phát triển du lịch. Trong đó, du lịch nông nghiệp được nhiều địa phương lựa cho là hướng phát triển bền vững. Ưu điểm của loại hình du lịch nông nghiệp là vốn đầu tư ít, tận dụng thế mạnh của địa phương và sự tham gia của cộng đồng. Tuy nhiên, để mô hình du lịch nông nghiệp phát triển bền vững, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông, doanh nghiệp và chính quyền địa phương, trong đó định hướng của ngành văn hóa, du lịch đóng vai trò chủ đạo.
Một trong những địa phương đi đầu phát triển nông nghiệp là tỉnh Đồng Tháp. Đến nay, các điểm du lịch của tỉnh bắt đầu hút khách không chỉ trong tỉnh mà còn khách nước ngoài. Cánh đồng sen bạt ngàn ở Khu Đồng Sen Tháp Mười; Vườn cam, quýt ở huyện Lai Vung; Làng du lịch Tân Thuận Đông; Làng hoa Sa Đéc; Làng bột Tân Phú Đông; Homestay Tư Các Linh ở Tam Nông... Chỉ tính riêng TP Sa Đéc, năm 2018 thu hút hơn 1 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế trên 40.000 lượt.
Không dừng lại ở đó, các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư ở các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp cũng mạnh dạn phối hợp với nhiều công ty du lịch lữ hành xây dựng chương trình du lịch khá hấp dẫn như chương trình du lịch “Trải nghiệm một ngày làm nông dân”, “Trải nghiệm mùa nước nổi của ngư dân vùng Đồng Tháp Mười”, “Sắc xuân Đồng Tháp”, “Mỗi ngày một nghề”, “Đi trong màu xanh của vườn cây trái”…
Thay vì du khách đi, nhìn ngắm, giờ đây họ có thể tham gia cùng nông dân trực tiếp sản xuất, nuôi trồng và thu hoạch nông sản. Đây cũng là xu hướng du lịch đang được du khách trong và ngoài nước ưa thích. Theo ông Ngô Quang Tuyên - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Đồng Tháp: “Du lịch nông nghiệp là loại hình mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Không chỉ giúp người dân bảo vệ môi trường mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương”.
Loại hình du lịch chủ lực trong tương lai
Loại hình du lịch nông nghiệp đang hút khách bởi sự thú vị của sự trải nghiệm. Điều mà du khách cần là khám phá vùng đất mới lạ, tìm hiểu nền văn hóa, tận hưởng cuộc sống và tiếp xúc với người bản địa…
Trong Đề án cơ cấu lại ngành du lịch, tỉnh Hậu Giang kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, tiêu biểu về du lịch sinh thái sông nước, sinh thái nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ thu hút 1 triệu lượt du khách, trong đó có 70.000 lượt khách quốc tế, doanh thu hơn 1.400 tỷ đồng, tạo việc làm cho 4.200 người dân địa phương…
Đến nay, khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng, Lung Tràm của Hậu Giang nổi lên nhờ phát triển theo mô hình du lịch nông nghiệp. Với vẻ đẹp hoang sơ, cùng hệ thống động thực vật đa dạng thuộc hệ sinh thái rừng tràm ngập nước tiêu biểu đang được bảo tồn và khai thác có hiệu quả. Du khách có thể khám phá vườn cây trái, thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm làm nông dân với nhiều hoạt động điền dã, nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách…
Riêng tỉnh Đồng Tháp, hướng phát triển du lịch nông nghiệp gắn với nông nghiệp công nghệ cao; đa dạng hóa, làm phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách. “Du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa.
Không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương. Đồng thời giúp kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân”, ông Ngô Quang Tuyên - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Đồng Tháp cho biết.