Những dòng kênh mở cõi ở phương Nam

GD&TĐ - Trong lịch sử tiến về phương Nam của người Việt, có lẽ những dòng kênh là chứng nhân tồn tại lâu đời, bền vững nhất thay vì những thành quách, đền đài như các vùng đất khác.

Hệ thống kênh rạch xen kẽ làng xóm, ruộng đồng ở miền Nam
Hệ thống kênh rạch xen kẽ làng xóm, ruộng đồng ở miền Nam

Dòng kênh trăm tuổi

Những lần đi về miền đồng bằng châu thổ Cửu Long Giang, tôi luôn băn khoăn về những dòng kênh nơi đây. Ngoài những dòng kênh tự nhiên, dải châu thổ còn có nhiều dòng kênh do chính bàn tay con người tạo nên. Đây là những công trình gắn với máu xương hàng ngàn người, của những lớp thế hệ cha ông đi mở cõi phương Nam.

Trong lịch sử khai phá phương Nam, các kênh đào có vai trò quan trọng, nhất là trong phân chia địa giới, lãnh thổ. Những con kênh mang tên Vĩnh Tế, Thoại Hà, Chợ Gạo, Nguyễn Văn Tiếp, Xáng Xà No, Tháp Mười… cho tới tận bây giờ vẫn là tuyến đường giao thông cũng như trị thủy huyết mạch của dải đất châu thổ rộng lớn này.

Càng đặc biệt hơn, mặc dù tất thảy đều được đào bởi mục đích quân sự, là tấn công hay phòng thủ trước kẻ thù của các triều đại cai trị, nhưng sau rất nhiều thăng trầm, hưng phế của thời gian, những dòng kênh ấy bây giờ chỉ đơn thuần là nơi người dân dựa vào để sinh sống. Từ những mái nhà ven kênh san sát nhau, những lồng nuôi thủy sản kín mặt kênh cho tới những ghe vỏ lãi ngược xuôi hối hả mưu sinh. Có lẽ, không có điều gì bền lâu ở dải đất này nếu không gắn bó trực tiếp với quyền lợi người dân.

Có lần, đứng ở chùa Bồng Lai, nhìn dòng kênh Vĩnh Tế yên bình tấp nập ghe thuyền qua lại, xa xa là ngôi làng cổ Vĩnh Tế (nay là một phần của xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, An Giang), tôi bất giác bồi hồi. Ba trăm năm trước, khi đây còn là vùng đất biên ải hoang vu cỏ mọc um tùm, sình lầy không cách gì tới được, quyết định đào một con kênh dài cả trăm cây số nối liền Châu Đốc và Hà Tiên, hai thủ phủ kinh tế lớn miền Tây thời đó, của danh tướng Thoại Ngọc Hầu là quyết định thay đổi cả lịch sử. Nếu không có dòng kênh từng là nơi phân chia biên giới này, có lẽ tới tận bây giờ cũng không có những làng mạc, thị trấn phồn thịnh đến vậy nơi biên ải xa xôi.

Tương truyền, ngày xưa chỉ những tử tù, tù binh của đối phương khi bị bắt mới buộc phải đi đào kênh. Nói vậy để thấy cái khổ cực, gian lao của những lớp người đi đào kênh mở cõi phương Nam như thế nào, tương đương với chọn lựa cái chết vậy. Nhưng những thành quả mà họ làm nên, sau mấy trăm năm vẫn vô cùng hữu ích. Những đền đài thành lũy thường bị phá hủy sau mỗi vương triều, những những dòng kênh thì ngược lại luôn được gìn giữ và ngày càng quan trọng trong cuộc sống của cư dân ở dải đất này.

Theo sách Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì, khi đào con kênh Thoại Hà (kéo dài 3 đời vua là Gia Long, Thiệu Trị, Minh Mạng) đã có hàng ngàn phu dịch, lính đào bị chết. Nhưng nguyên nhân của những cái chết ấy, chủ yếu là do bị hổ, rắn, cá sấu cắn và ăn thịt. Nói vậy để thấy, lúc ra đời, vùng đất ven kênh Vĩnh Tế hoang dã đến nhường nào. Và khi hoàn thành, đây cũng là công trình hiếm hoi được khắc trên Cửu Đỉnh, báu vật trấn quốc triều Nguyễn ở Đại Nội, kinh thành Huế. Đến ngày nay, người dân vào thăm kinh thành Huế vẫn thấy bóng dáng của công trình này trên những chiếc đỉnh còn sót lại sau nhiều biến cố.

Nhưng dòng kênh Vĩnh Tế không chỉ có tên tuổi trong chính sử, là nó gắn bó với vô vàn những câu chuyện dã sử của người dân vùng biên giới An Giang, Kiên Giang. Khi hoàn thành, để tưởng thưởng cho công lao danh tướng Thoại Ngọc Hầu, triều đình đã cho ông tự chọn tên dòng kênh. Và ông lấy tên vợ mình, Châu Thị Vĩnh Tế để đặt cho dòng kênh này.

Còn nhớ có lần về thăm lăng Thoại Ngọc Hầu ở TP Châu Đốc, ngay bên bờ sông Hậu, ngoài ngôi mộ Thoại Ngọc Hầu và bà Vĩnh Tế, tôi còn chú ý tới những mộ chúng vô danh. Nghe người dân trong vùng bảo, họ là những binh lính đã theo Thoại Ngọc Hầu đào kênh mở cõi, bỏ xác nơi hoang vắng nên ông đưa về an táng tại khu đất mà sau này chính ông cũng nằm lại vĩnh viễn. Câu chuyện thủy chung sống chết bền chặt giữa người danh tướng và những tùy tùng của mình bây giờ vẫn được lưu truyền. Nhìn những ngôi mộ ấy, nhớ lại khoảnh khắc đứng bên cầu La Tha nhìn dòng kênh Vĩnh Tế thẳng tắp hun hút in hình mây trắng trời xanh trong một trưa vắng, tôi bất giác bùi ngùi.

Cũng liên quan đến Thoại Ngọc Hầu - một trong những người có nhiều công lao mở cõi ở miền Tây Nam Bộ nhất - còn có kênh Thoại Hà, dòng kênh mang chính tên ông. Đặc biệt, đây là dòng kênh đào đầu tiên được con người tạo ra, nối liền vùng Rạch Giá và Hà Tiên ngày nay.

Kênh đào Chợ Gạo nối TP Mỹ Tho và TPHCM
Kênh đào Chợ Gạo nối TP Mỹ Tho và TPHCM

Trước đó, người dân muốn đi từ Rạch Giá tới Hà Tiên hay ngược lại đều phải đi ra biển rồi vòng trở lại vào sông, rất bất tiện. Thoại Ngọc Hầu sau đó đã xin vua Gia Long cho đào con kênh nối hai thành trên. Kênh được đào theo một con rạch nhỏ có trước nên rất nhanh, chỉ hơn một tháng đã hoàn thành, giúp cho việc trị thủy, giao thông, buôn bán… của người dân trong vùng thuận lợi. Khi hoàn thành công trình này, vua Gia Long cảm kích đặt tên kênh là Thoại Hà, theo tên chữ của Thoại Ngọc Hầu, vào năm 1817.

Công trình này có lẽ cũng là lý do để triều đình nhà Nguyễn khi đó quyết định giao cho Thoại Ngọc Hầu đào tiếp kênh Vĩnh Tế, một công trình có quy mô và ý nghĩa lớn hơn rất nhiều lần, vào 2 năm sau.

Soi bóng tiền nhân

Gần chục năm qua, tôi đi về miền Tây không biết bao nhiêu lần. Có bận thì vài ba hôm, đợt thì nửa tháng. Lang thang đúng nghĩa với chiếc xe máy cà tàng, dăm bộ quần áo, máy ảnh, máy tính. Và lần nào cũng vậy, tôi luôn cố gắng đi thật chậm khi bắt gặp một dòng kênh thẳng tắp ven đường. Đó chắc chắn là dòng kênh được tạo nên bởi bàn tay con người, dù tôi có thể chưa biết tên, hay lịch sử hình thành của nó.

Bởi những dòng sông, kênh tự nhiên thường có hình dạng uốn lượn, hầu như không bao giờ thẳng thớm. Cùng hàng ngàn kênh rạch, những dòng sông lớn được tự nhiên ưu ái ban cho, chính những dòng kênh đào có chủ đích của con người mới thực sự làm thay đổi hệ thống đường thủy ở đây. Nhiều dòng kênh chỉ dài hơn chục cây số nhưng nó giúp cho thủy lộ thuận tiện đi tới cả trăm cây số. Những dòng kênh này đã giúp cho cha ông ta chinh phục và định cư bền lâu ở vùng châu thổ trũng thấp có điều kiện tự nhiên rất đặc trưng này.

Vẫn biết, tất cả các công trình kênh đào ở miền Tây, dù thời nào và ai khởi xướng thì mục đích đầu tiên vẫn là quân sự, nhằm phòng thủ và ngăn chặn cũng như tiếp tế, giao lưu để chống kẻ thù. Tuy nhiên, trong suốt chiều dài lịch sử, những cuộc chiến tranh dù khốc liệt đến đâu cũng luôn ngắn ngủi so với quãng thời gian hòa bình của những vùng đất ấy. Đó là lý do những dòng kênh sinh ra trong chiến tranh nhưng lại mang đến ích lợi cho hòa bình. Hòa bình lâu dài.

Kênh Vĩnh Tế, dòng kênh quan trọng nhất ở miền Tây
Kênh Vĩnh Tế, dòng kênh quan trọng nhất ở miền Tây

Kênh Nguyễn Văn Tiếp (còn gọi là kênh Tháp Mười), một dòng kênh dài gần một trăm cây số, được bắt đầu đào bởi một tướng dưới thời Tây Sơn trong hành trình truy đuổi quân của chúa Nguyễn Ánh. Tuy nhiên, lịch sử dòng kênh này lại gắn với những chiến tích khẩn hoang vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn.

Đây là kênh nối liền sông Vàm Cỏ Tây và sông Tiền, giúp cho giao thương cả một vùng rộng hàng ngàn cây số được thông suốt, thay vì phải đi vòng xuống phía hạ lưu gần biển rồi lại quay ngược lên. Ngày nay, không ai còn nhớ tới các cuộc truy đuổi của quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh ở vùng Đồng Tháp Mười nhưng dòng kênh này thì ngày ngày vẫn là “một cõi đi về” của hàng trăm ghe thuyền, giúp lưu thông nông thủy sản dễ dàng.

Từng có một thời gian dài tới hàng trăm năm, chính những dòng kênh mới là nơi thu hút các cụm dân cư của đồng bằng sông Cửu Long, chứ không phải những con đường. Và những nơi dòng kênh giao nhau, đan xen cũng là nơi xôm tụ, đông đúc cư dân nhất. Chợ nổi - văn hóa đặc trưng của miền sông nước cũng ra đời ở nơi mà thường có từ 2 - 3 hay thậm chí 6 - 7 dòng kênh giao nhau. Ngày nay, công thức trên dù không còn đúng do sự giao lưu văn hóa, biến đổi thói quen sinh hoạt, nhưng tập quán sinh sống, dựng nhà ven sông, kênh rạch vẫn ăn sâu vào suy nghĩ của người dân. Hình ảnh những mái nhà san sát ven kênh vẫn là “đặc sản” của vùng châu thổ này.

Từng có thời gian dài cai quản vùng đất lục tỉnh Nam Kỳ nên không có gì lạ khi người Pháp cũng để lại dấu ấn với khá nhiều những dòng kênh đào quan trọng. Đầu tiên, đó chính là dòng kênh Chợ Gạo nối liền Sài Gòn và Mỹ Tho, thủ phủ lớn nhất miền Tây thế kỷ 19. Từ khi hình thành cho tới nay, đây là tuyến kênh vận tải quan trọng nhất của dải đất đồng bằng. Tất cả hàng hóa nông thủy sản ở Nam Bộ nếu đi đường thủy đều phải qua kênh này để lên Sài Gòn - Chợ Lớn và ngược lại, những mặt hàng nhu yếu phẩm thiết thực khác cũng buộc phải đi theo chiều ngược lại.

Với vùng đất mà thói quen di chuyển bằng ghe thuyền nhiều như Nam Bộ, những tuyến kênh như Chợ Gạo thực sự có vai trò không khác tuyến quốc lộ là bao. Hay kênh Xáng Xà No (hoàn thành năm 1903), dòng kênh chỉ hơn 30km nhưng có thể giúp ghe thuyền đi thẳng từ TP Cần Thơ ra phía biển, khi mới hoàn thành, hai bên bờ kênh đã kín các hộ dân định cư, xây nhà.

Nhà văn Sơn Nam, thuở sinh thời nhận xét rằng, kênh không chỉ giúp ghe thuyền đi từ biển tới Cần Thơ dễ dàng mà còn đồng thời giúp cho hàng ngàn ngôi nhà mọc lên ven hai bên bờ. Nhưng không chỉ có những dòng kênh đi mở cõi, cách đây chừng hơn 30 năm, hàng trăm tuyến kênh ở vùng sâu hơn, xa hơn của biên giới Đồng Tháp Mười cũng được đào và đắp, hệ thống lại. Chính những dòng kênh này đã góp phần biến cả dải đất hoang vu Đồng Tháp Mười thành một vựa lúa lớn nhất cả nước và đó cũng là cột mốc biến Việt Nam từ nước thường xuyên thiếu gạo, trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất, nhì thế giới cho tới tận ngày nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.