Báo chí phương Tây được đào tạo như thế nào?

GD&TĐ - Báo chí là một trong những chương trình đào tạo có bề dày lịch sử và chất lượng cao ở nhiều quốc gia phương Tây.

Một giờ học tại Trường Báo Lille, Pháp.
Một giờ học tại Trường Báo Lille, Pháp.

Sinh viên ngành báo chí có cơ hội làm việc thực tế khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Theo hướng đa phương tiện

Mỹ là một trong những quốc gia sở hữu chương trình đào tạo báo chí lâu đời nhất thế giới với nhiều cơ sở giáo dục đại học nằm trong tốp các trường đào tạo chuyên ngành tốt nhất. Một số trường có thể kể đến như Đại học Northwestern (bang Illinois), Đại học Washington tại St. Louis (bang Missouri), Đại học Richmond (bang Virginia)....

Tại Mỹ, đào tạo chuyên ngành báo chí gồm nhiều kỹ năng như viết báo, biên tập, sản xuất tin/bài, quản lý thông tin... Trọng tâm đào tạo phóng viên tại Mỹ là kỹ năng điều tra và đưa tin về các sự kiện thời sự trong nước và quốc tế một cách chính xác và nhanh nhất.

Truyền thông và báo chí là hai ngành làm việc liên quan đến tin tức phổ biến nhất tại Mỹ. Nước này hiện có hai chương trình đào tạo báo chí là cử nhân và sau đại học. Bằng cử nhân báo chí ở Mỹ liên quan chặt chẽ đến lĩnh vực khoa học xã hội và nghiên cứu truyền thông.

Nhiều năm trước, hầu hết chương trình đào tạo báo chí tại Mỹ đều cho phép sinh viên lựa chọn giữa hai chuyên ngành chính là báo in hoặc phát thanh - truyền hình.

Một chương trình giảng dạy báo chí thường kết hợp giữa học tập tại trường và kinh nghiệm thực hành để trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng cần thiết đáp ứng nhu cầu của ngành nghề trong thực tế. Trong đó, với chuyên ngành báo in, sinh viên được hướng dẫn cách biến một ý tưởng thành bài báo hoàn chỉnh gồm câu chuyện, hình ảnh hoặc các yếu tố đa phương tiện khác.

Sinh viên chuyên ngành phát thanh - truyền hình sẽ học các nội dung như cách viết, biên tập và đưa tin trên TV. Một tin truyền hình thông thường bao gồm nói trước công chúng, phỏng vấn, đưa tin trực tiếp từ hiện trường, đưa tin từ phòng thu và sản xuất tin tức...

Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, các chương trình đào tạo báo chí đã thay đổi để thích nghi với sự “nhảy vọt” của ngành công nghiệp tin tức. Báo chí hiện nay đi theo hướng đa phương tiện. Tuỳ thuộc vào trường học và chương trình đào tạo, sinh viên vẫn có thể chuyên về lĩnh vực như phát thanh, dữ liệu, báo chí điều tra hoặc chính trị... Dù học ngành nào, người học đều phải nắm bắt cách làm việc “đa-zi-năng” trong thời đại mới.

Chương trình giảng dạy cốt lõi bao gồm giới thiệu về các tổ chức truyền thông, phương tiện truyền thông và báo đài Mỹ; kỹ năng viết cơ bản; công cụ đa phương tiện; thu thập và phán đoán tin tức... Sinh viên có thể đăng ký môn tự chọn như Triết học, Lịch sử Báo chí... để trau dồi thêm kiến thức liên quan đến chuyên ngành học.

Sinh viên Mỹ tập quay dựng một bản tin.

Sinh viên Mỹ tập quay dựng một bản tin.

Một số lớp học chuyên ngành khác có thể kể đến như kỹ năng báo cáo và viết, tìm kiếm nguồn tin, kỹ thuật phỏng vấn... Sau khi hoàn thành chương trình chuyên ngành cốt lõi, sinh viên sẽ đi sâu vào từng chuyên môn như báo chí dữ liệu, sản xuất âm thanh, báo chí bình luận, thiết kế ấn phẩm...

Sinh viên cũng tìm hiểu về tác động của báo chí đối với xã hội thông qua các môn học như Truyền thông, Luật pháp Mỹ, Luật pháp và Đạo đức báo chí...

Một số trường như Trường báo thuộc Đại học Missouri, Đại học Northwestern yêu cầu sinh viên thực tập tại tạp chí, tờ báo hoặc đài truyền hình, đài phát thanh. Số khác yêu cầu sinh viên học một chuyên ngành phụ ngoài báo chí và truyền thông như khoa học chính trị, lịch sử... Điều này giúp người học nâng cao kiến thức về một lĩnh vực cụ thể.

Lấy ví dụ, Đại học Northwestern là trường đào tạo báo chí hàng đầu Mỹ, theo bảng xếp hạng các trường đào tạo chuyên ngành Báo chí tốt nhất nước Mỹ năm 2022 của tổ chức giáo dục US News & World Report. Ở hệ cử nhân, những môn học chuyên ngành bắt buộc của sinh viên báo chí có thể kể đến như: Nguyên tắc cơ bản của báo cáo và viết tin tức; Nguyên tắc cơ bản của báo chí video; Giá trị Báo chí, Thực tiễn & Xu hướng; Báo chí trong thực tế; Luật Truyền thông và Đạo đức... Sau đó, sinh viên phải học thêm một khóa về Lịch sử, Truyền thông hoặc Kinh doanh.

Trong những năm cuối, sinh viên phải đăng ký thực tập ở các tờ báo, tạp chí, đài truyền hình hoặc đài phát thanh. Sinh viên thậm chí có thể thực tập làm cộng tác viên thường trú tại Argentina, Qatar hay Nam Phi.

Nhìn chung, từ năm 2020 đến 2030, số lượng người tham gia vào lĩnh vực báo chí tại Mỹ dự kiến tăng 6%, bằng với tốc độ tăng trung bình của các ngành nghề khác. Một số tập đoàn truyền thông và cơ quan báo chí nổi tiếng tại Mỹ là New York Times, CNN, Nextstar Broadcasting Group, NBC, Bloomberg… thường xuyên tuyển dụng nhân sự làm việc trong nước và nước ngoài.

Sinh viên ngành báo chí thực tập tại cơ quan truyền hình.

Sinh viên ngành báo chí thực tập tại cơ quan truyền hình.

Tập trung vào thực hành

Pháp cũng là một trong những quốc gia có chương trình đào tạo báo chí chất lượng. Tại Pháp, trong quá trình học, sinh viên ngành báo chí được tham gia các hội thảo về báo chí và áp dụng các kỹ năng được học vào nhiều môi trường khác nhau bên ngoài lớp học.

Một trong những trường báo lâu đời và danh tiếng nhất nước Pháp là Trường Đại học Báo chí Lille. Đây là ngôi trường tư thục, được thành lập vào năm 1924. Trường từng được xếp hạng là trường đào tạo báo chí tốt nhất thế giới và sinh viên tốt nghiệp sẽ không lo bị thất nghiệp.

Hằng năm, trường tuyển dụng khoảng 60 sinh viên trong đó 10 sinh viên là người nước ngoài. Để đăng ký vào trường, người học phải tốt nghiệp đại học một chuyên ngành khác và làm bài thi viết, phỏng vấn. Học phí trung bình một năm là 3.900 euro (khoảng 95,5 triệu đồng).

Thời gian học lâu nhất là 2 năm. Trong thời gian này, sinh viên phải thử sức ở mọi thể loại báo chí từ báo in, phát thanh đến báo điện tử, truyền hình... Trong 6 tháng cuối khoá học, sinh viên sẽ theo đuổi một ngành học chuyên sâu là thể loại báo chí mình chọn lựa.

Trường không tổ chức thi tốt nghiệp nhưng tuần nào học viên cũng phải làm bài kiểm tra vì nhà trường quan niệm: “Một nhà báo giỏi cũng có khi viết bài dở và một nhà báo dở cũng có khi viết được bài hay”. Vì vậy, dù không phải là điều kiện đặt ra nhưng chỉ những ai có năng khiếu và đam mê nghề báo mới có thể theo học tại trường.

Đại học Báo chí Lille không có giảng viên cố định. Họ thường mời phóng viên, nhà báo từ các báo, đài trong nước về giảng dạy cho sinh viên. Từ đó, sinh viên có cơ hội học hỏi trực tiếp từ “đàn anh”. Ngoài ra, trường hợp tác giảng dạy với các trường đại học tại hơn 50 quốc gia.

Chương trình học chủ yếu dưới dạng thực hành. Giảng viên sẽ giới thiệu lý thuyết trong 10 – 15 phút sau đó ra bài tập để người học thực hành. Sinh viên phải tự tay thực hiện toàn bộ quy trình sản xuất của một tin thông thường ở bất kỳ thể loại báo chí nào. Mỗi sinh viên đều phải làm đạo diễn, quay phim, phóng viên ảnh, biên tập viên cho đến MC, nhà thiết kế...

Khuôn viên Đại học Northwestern, một trong những trường đào tạo báo chí tốt nhất nước Mỹ.

Khuôn viên Đại học Northwestern, một trong những trường đào tạo báo chí tốt nhất nước Mỹ.

Ngày báo chí ở các nước

Trên thế giới, ngày 3/5 hằng năm được chọn là Ngày Tự do Báo chí thế giới (World Press Freedom Day). Đây là ngày được Liên Hợp Quốc chọn để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tự do báo chí trên khắp thế giới.

Vào ngày 3/5/2022, Liên Hợp Quốc đã phối hợp với Cộng hòa Uruguay tổ chức Hội nghị toàn cầu về Ngày Tự do Báo chí thế giới tại Punta Del Este, Uruguay. Với chủ đề “Báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số”. Hội nghị thảo luận về tác động của kỷ nguyên kỹ thuật số đối với quyền tự do ngôn luận, sự an toàn của nhà báo, quyền tiếp cận thông tin và quyền riêng tư.

Năm 2023, chủ đề của Ngày tự do Báo chí thế giới là: “Định hình tương lai của các quyền: Tự do ngôn luận là động lực cho các quyền con người khác”. Cũng trong Ngày Tự do Báo chí thế giới hằng năm, Liên Hợp Quốc sẽ trao Giải thưởng Tự do Báo chí thế giới UNESCO/Guillermo Cano cho các cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan đã đóng góp cho việc bảo vệ và thúc đẩy tự do báo chí trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh nguy hiểm.

Ấn Độ là một trong số ít quốc gia tổ chức ngày kỷ niệm cho báo chí. Ngày Báo chí Quốc gia Ấn Độ là 16/11. Lễ kỷ niệm thường được tổ chức bởi Hội đồng Báo chí Ấn Độ.

Mỗi năm, vào Ngày Báo chí Quốc gia, Hội đồng Báo chí Ấn Độ thường tổ chức một số hội thảo với một chủ đề chính để đánh giá, phân tích và phát triển các yêu cầu của truyền thông và báo chí Ấn Độ. Năm 2022, chủ đề chương trình là “Vai trò của truyền thông trong việc xây dựng quốc gia”.

Ngoài ra, Hội đồng Báo chí Ấn Độ cũng tổ chức lễ kỷ niệm và các hội thảo bên lề thảo luận về thách thức mà báo chí Ấn Độ gặp phải. Các cơ quan truyền thông, báo chí, thông tấn... có thể tổ chức lễ kỷ niệm riêng hoặc các giải báo chí để khích lệ tinh thần, tôn vinh sự đóng góp của phóng viên, nhà báo.

Chương trình đào tạo báo chí ở các trường đại học Mỹ có học phí khác nhau. Tuy nhiên, mức trung bình hệ cử nhân là 30.000 USD/năm (khoảng 700 triệu đồng) và 40.000 USD/năm với lớp thạc sĩ (khoảng 940 triệu đồng). Về mức lương, trung bình hằng năm, một nhà báo Mỹ được trả 50.000 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng). Phóng viên thời sự, biên tập viên hay nhà sản xuất video lần lượt nhận về 43.000 USD, 63.000 USD và 60.000 USD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.