Báo châu Á gọi VinFuture là "món quà mang theo hi vọng" từ Việt Nam

GD&TĐ - Giới khoa học cần nguồn cảm hứng mới để cùng giải quyết các vấn đề cấp bách. Đó là sứ mệnh của VinFuture - giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu do người Việt khởi xướng.

“Covid-19 đã dạy con người bài học sống còn về sự chung vai giải quyết những vấn đề của nhân loại. Hơn lúc nào hết, giới khoa học cần nguồn cảm hứng mới để cùng giải quyết các vấn đề cấp bách. Đó là sứ mệnh của VinFuture - giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu do người Việt khởi xướng”, tờ báo khoa học công nghệ châu Á TechNode nhận định trong bài phân tích chuyên sâu vừa đăng tải.
Chú thích ảnh

Sự khác biệt về sứ mệnh

Mở đầu bài phân tích, TechNode đưa độc giả quay ngược thời gian về thời điểm hơn 1 năm trước, ngày 20/12/2020, khi những con số thống kê dài về COVID-19 phủ bóng tối lên lễ giáng sinh trên toàn thế giới. Gần 77 triệu ca mắc, 1,7 triệu con người mãi mãi ra đi. Đó là một trong những thời khắc u tối nhất trong lịch sử. Singapore khi ấy là vùng dịch lớn thứ 3 của khu vực với hơn 58.000 ca mắc bệnh.

Cùng thời điểm ấy, TechNode nhắc tới Việt Nam - nơi khiến giới khoa học thế giới đổ dồn mọi ánh măt với Giải thưởng VinFuture có tổng giá trị giải thưởng 4,5 triệu USD, lần đầu được “khai sinh” với người sáng lập là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân là bà Phạm Thu Hương.

"Tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên Trái Đất bằng việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ”, sứ mệnh của VinFuture được TechNode cho rằng “ngắn gọn nhưng mang nhiều hi vọng cho cộng đồng giữa lúc khó khăn nhất”.

"Các nhà khoa học trong hội đồng giải thưởng đã nói với chúng tôi rằng họ bị thuyết phục bởi chính sứ mệnh của VinFuture", tờ báo chuyên về khoa học công nghệ trích lời GS, TS Nguyễn Thục Quyên (Đại học California), Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture nói về Hội đồng giải thưởng của VinFuture bao gồm nhiều tên tuổi lớn như Giáo sư Gérard Mourou, người đạt Giải Nobel Vật lý năm 2018; Giáo sư Richard Henry Friend – Giáo sư Vật lý Cavendish tại Đại học Cambridge, Giáo sư Michael Porter, Đại học Harvard, cha đẻ học thuyết “chiến lược cạnh tranh toàn cầu”;...

Hơn 1 năm sau, tại thời điểm khi VinFuture chuẩn bị công bố công trình được trao giải (20/1/2022), TechNode dẫn lời GS Quyên: Tham gia vào Hội đồng Giải thưởng VinFuture là một trong những điều ý nghĩa nhất trong cuộc đời bà. "VinFuture không chỉ mở ra một con đường mới mà đã tạo ra một “tuyến cao tốc mới” cho nền khoa học - công nghệ toàn cầu", GS Quyên nói về số lượng gần 600 đề cử của VinFuture, gấp 3 lần mong đợi ban đầu của bà.

Dẫn ý kiến của GS Quyên, TechNode cho rằng, sự khác biệt về sứ mệnh, tiêu chí theo xu hướng "tạo sự thay đổi cho cuộc sống của con người" đã làm nên sức hấp dẫn của VinFuture.

Theo TechNode, đó cũng là điều GS Jennifer Tour Chayes (Đại học California, Berkeley), thành viên Hội đồng giải thưởng chia sẻ sau 1 năm đồng hành với VinFuture. Theo GS Chayes, yếu tố con người tạo nên sự đặc biệt của VinFuture, khác với nhiều giải thưởng khác trên thế giới thường chỉ có xu hướng tập trung vào tác động về mặt khoa học. "Đây là nơi duy nhất có sự kết hợp của khoa học và khát vọng về nhân văn cao cả", vị giáo sư nói.

Ngọn lửa cho nền khoa học toàn cầu

Tờ báo về khoa học và công nghệ nhắc lại cột mốc quan trọng sẽ diễn ra vào ngày 20/01/2022 khi chủ nhân của 4 giải thưởng, bao gồm 1 Giải thưởng chính (trị giá 3 triệu USD) và 3 Giải Đặc biệt (trị giá 500.000 USD/mỗi giải) sẽ chính thức được công bố.

Chú thích ảnh

TechNode đặt ra câu hỏi: Những công trình chiến thắng mùa giải VinFuture đầu tiên có thực sự đủ tầm cỡ, để thực hiện được sứ mệnh tạo sự thay đổi cho hàng triệu người? Để trả lời, tờ báo dẫn khẳng định của GS Jennifer Tour Chayes rằng: Không chỉ 4 công trình có giải, ngay cả những dự án chưa được trao thưởng năm nay đều là những đột phá lớn trong khoa học hoặc công nghệ, có tác động sâu sắc đến nhân loại.

"Tôi cho rằng, chất lượng của những đề cử hàng đầu đều xuất sắc sánh ngang các Giải thưởng Khoa học danh giá nhất trên thế giới", GS Jennifer Tour Chayes - người từng là thành viên của Hội đồng Giải thưởng A.M.Turing nói.

Tờ báo dẫn thêm tiết lộ của GS Nguyễn Thục Quyên về Giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD của VinFuture. Theo bà, dự án đạt giải chắc chắn xứng đáng và mọi người sẽ muốn được nghe hành trình không hề dễ dàng để đến với chiến thắng của chủ nhân giải thưởng. Điều may mắn là vị chủ nhân giải thưởng VinFuture đã không bỏ cuộc, nhờ đó đã mang tới cho nhân loại một câu chuyện đầy cảm hứng về phát minh khoa học quan trọng cho thế giới trong hiện tại và tương lai.

Theo TechNode, trong một thế giới đầy biến động như hiện tại, con người rõ ràng cần những câu chuyện truyền cảm hứng như thế. “Khi nào COVID-19 biến mất” là câu hỏi đã được mọi người đặt ra trong nhiều tháng. Tới hiện tại, con người đã dần chấp nhận thực tại rằng, nhân loại sẽ phải đối mặt thêm nhiều đại dịch nữa, vấn đề chỉ là thời gian.

“Vũ khí của con người trong cuộc chiến khốc liệt này không gì hơn là khoa học công nghệ. Vấn đề chỉ là làm sao để những trí tuệ toàn cầu xích lại gần nhau hơn, để thắp lên những ngọn lửa khoa học ở khắp nơi trên thế giới, không phân biệt giàu, nghèo, giới tính, lĩnh vực... COVID-19 có thể là lời cảnh báo và nếu không gấp rút, con người sẽ phải hụt hơi trên chuyến tàu một chiều đầy biến động của thế giới”, TechNode phân tích.

Từ đó, tờ báo khẳng định, những giải thưởng như VinFuture có thể sẽ là chìa khóa để mở ra cánh cửa sáng cho hành trình sắp tới. Từ VinFuture, TechNode kì vọng, sẽ có nhiều nhà khoa học được tạo động lực, dám vượt lên khó khăn, dám thử thách bản thân. Thế giới sẽ có thêm những bạn trẻ quyết tâm theo con đường nghiên cứu, để có những công trình thực sự vì cuộc sống.

Có cái nhìn rộng hơn từ VinFuture, GS Leslie Gabriel Valiant, Trường Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng Harvard, Hoa Kỳ bày tỏ sự hi vọng vào tương lai lai khi thế giới ngày càng nhận thức được sức tác động của khoa học và công nghệ tới đời sống con người.

"Nhìn vào những đề cử của VinFuture năm nay, điều rõ ràng với tôi là chúng ta đang sống trong thời kì xuất sắc để làm nên những đóng góp, tạo tác động lớn trong khoa học và công nghệ", GS Leslie Gabriel Valiant nói.

Từ đó, trang khoa học công nghệ châu Á nhận định, điều thế giới cần là thổi bùng và kết tinh tất cả sự xuất sắc ấy lại, một cách chặt chẽ nhất, thần tốc nhất. “Có những cái tên đi đầu như VinFuture, hành trình đầy khó khăn ấy hi vọng sẽ được rút ngắn lại”, TechNode bày tỏ kì vọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...