Một báo cáo mật của Bộ Quốc phòng Mỹ mà các nhà phân tích có được đã đặt ra nghi ngờ về hiệu quả của chiến dịch quân sự chống lại Houthi của Yemen, đang được tiến hành bằng các nguồn lực đáng kể của Lầu Năm Góc.
Tài liệu lưu ý rằng, các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Houthi (Ansar Allah), mặc dù sử dụng công nghệ tiên tiến và vũ khí đắt tiền, đã không đạt được mục tiêu của chúng.
Sự chú ý đặc biệt được dành cho các hoạt động chống lại các cấu trúc ngầm kiên cố, bao gồm các boongke được xây dựng theo mô hình phát triển quân sự của Iran.
Ngay cả việc sử dụng bom xuyên thủng do máy bay ném bom chiến lược B-2A Spirit thả xuống cũng không thể mang lại kết quả hữu hình, điều này làm dấy lên câu hỏi về tính cấp thiết của các nhiệm vụ như vậy.
Các tác giả của báo cáo chỉ ra rằng, Houthi được Iran hậu thuẫn đã chứng minh được khả năng phục hồi cao nhờ mạng lưới boongke ngầm và kho vũ khí rộng lớn của họ. Những công sự này, được thiết kế với sự cân nhắc đến chuyên môn của Iran, đã chứng minh rằng, hầu như không bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công của Mỹ, ngay cả với vũ khí chính xác.
Lầu Năm Góc buộc phải thừa nhận rằng, việc phá hủy các cơ sở quan trọng của Houthi, chẳng hạn như kho tên lửa và UAV, vẫn là một nhiệm vụ có thành công hạn chế. Điều này đặt ra câu hỏi không chỉ về chiến lược hiện tại ở Yemen, mà còn về các kế hoạch rộng lớn hơn của Mỹ nhằm chống lại ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Một phát hiện quan trọng khác của báo cáo là đánh giá lại năng lực của các lực lượng Mỹ trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công giả định vào các cơ sở hạt nhân của Iran.
Giả định ban đầu rằng, đợt tấn công đầu tiên có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran hiện được coi là quá lạc quan.
Các nhà phân tích của Lầu Năm Góc lưu ý rằng, các công sự tương tự như những công sự mà Houthi sử dụng cũng phổ biến tại các địa điểm hạt nhân của Iran như Fordow và Natanz, nằm sâu dưới lòng đất. Điều này đòi hỏi phải xem xét lại các chiến thuật và có thể là các nguồn lực bổ sung, bao gồm vũ khí mạnh hơn hoặc các hoạt động chung với các đồng minh.
Tình hình ở Yemen đã căng thẳng kể từ tháng 3/2025, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho phép các cuộc tấn công quy mô lớn vào các vị trí của Houthi như một phần của Chiến dịch Rough Rider.
Theo tờ The New York Times đưa tin hôm 4/4, trong ba tuần đầu tiên của chiến dịch, Lầu Năm Góc đã chi khoảng 200 triệu đô la cho đạn dược, sử dụng hai tàu sân bay, máy bay ném bom B-2 và hệ thống phòng không Patriot và THAAD.
Tuy nhiên, như tờ báo lưu ý, những thành công là khiêm tốn: một phần đáng kể kho vũ khí của Houthi, bao gồm tên lửa và UAV, vẫn còn nguyên vẹn nhờ các hầm trú ẩn dưới lòng đất. Đến lượt mình, Houthi tiếp tục tấn công các tàu thương mại ở Biển Đỏ, buộc Mỹ phải duy trì sự hiện diện tốn kém trong khu vực.
Vào đầu tháng 4/2025, Reuters đưa tin rằng, Houthi đã thích nghi thành công với các cuộc tấn công, củng cố vị trí của họ và duy trì khả năng phản công.
Vào ngày 6/4, Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM) tuyên bố phá hủy tám UAV của Houthi trên Biển Đỏ, nhưng các chuyên gia tin rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Các nhà phân tích tại Hội đồng Đại Tây Dương lưu ý rằng, nếu không gây áp lực lên Iran, nhà tài trợ chính của Houthi, chiến dịch có nguy cơ trở nên kéo dài và gây gánh nặng về tài chính.
Trong khi đó, vào tháng 3/2025, Iran đã từ chối lời đề nghị đàm phán chương trình hạt nhân của Tổng thống Trump, làm phức tạp thêm triển vọng giải quyết ngoại giao.