Việt Nam không chỉ làm phẳng đường cong Covid-19 mà còn “dẹp tan” nó. Chưa có ca tử vong nào được báo cáo, số ca mắc vẫn duy trì ở 271 và không có ca lây nhiễm trong cộng đồng nào được báo cáo trong 2 tuần qua.
Ngày 23/4, Việt Nam nới lỏng các giới hạn tại các thành phố lớn và cuộc sống đang trở lại bình thường. Đây là điều hoàn toàn trái ngược với nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Đại diện Kidong Park của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã khen ngợi phản ứng của quốc gia Đông Nam Á này đối với cuộc khủng hoảng Covid-19.
Việc cách ly hàng chục ngàn người trong những doanh trại quân đội và truy tìm gắt gao người tiếp xúc với ca nhiễm đã giúp Việt Nam tránh được thảm họa đang diễn ra ở châu Âu và Mỹ.
Sau khi xét nghiệm hơn 213.000 người, Việt Nam có tỷ lệ xét nghiệm trên mỗi ca mắc cao nhất thế giới.
Một chiến dịch thông tin cộng đồng sáng tạo với bài hát rửa tay nổi tiếng cùng với nghệ thuật tuyên truyền đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, chính hành động sớm là yếu tố quyết định giúp Việt Nam thành công. Điều này đã được chứng tỏ hiệu quả khi nước này chống dịch Sars năm 2003.
2 ca mắc Covid-19 đầu tiên được xác nhận ở Việt Nam vào cuối tháng 1. Ngày 1/2, hãng hàng không Vietnam Airlines đã dừng mọi chuyến bay tới Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong và biên giới với Trung Quốc được đóng một ngày sau đó.
Sau một làn sóng các ca nhiễm trong tháng 3, tất cả các chuyến bay quốc tế đều bị đình chỉ và việc giãn cách xã hội đã được áp dụng từ ngày 1/4.
Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm thứ 2 đã tấn công Nhật Bản và Hong Kong. Để giảm thiểu khả năng xảy ra một đợt bùng phát dịch mới ở đây, việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng vẫn là điều bắt buộc và các cuộc tụ họp trên 30 người bị cấm cùng với các lễ hội, nghi lễ tôn giáo và sự kiện thể thao.
Ông Park nhấn mạnh tầm quan trọng của việc GD về virus trong cộng đồng cùng với việc tăng cường các biện pháp ngăn ngừa tại những cơ sở y tế, văn phòng, trường học và những nơi mà nhiều người tui tới thường xuyên.
Tuy nhiên, ông Park cảnh báo về hậu quả kinh tế do dịch bệnh gây ra và việc này có thể ảnh hưởng đến quyết định của chính phủ về việc chấm dứt giãn cách xã hội vào ngày 23/4.
Nhiều dịch vụ không thiết yếu như các quán bar, karaoke vẫn phải đóng cửa. Những ràng buộc cũng được dỡ bỏ đối với các cửa hàng, khách sạn và nhà hàng, tuy nhiên tại một quốc gia mà du lịch chiếm 6% GDP, nhiều thách thức còn ở phía trước, đặc biệt là khi chưa có ai chắc chắn khi nào mở cửa đường biên giới.
Một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tháng trước cho nhiều người Việt Nam có thể mất việc làm hoặc giảm thu nhập trong quý thứ 2 của năm 2020. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán mức tăng trưởng 2,7% cho Việt Nam năm 2020, giảm so với 7% của năm ngoái.
Đầu tháng 4, chính phủ Việt Nam công bố gói hỗ trợ 2,5 tỉ USD dành cho người nghèo. Những máy “ATM gạo” và “cửa hàng 0 đồng” đã được thiết lập tại các thành phố lớn để hỗ trợ người bị ảnh hưởng nặng nhất. Tuy nhiên, cùng với quỹ hỗ trợ của chính phủ, những hỗ trợ này chỉ mang tính trước mắt.
Nhà kinh tế Nguyen Van Trang ở Hà Nội nói rằng con đường phía trước có nhiều thách thức. “Có những quyết định cực kỳ khó khăn sắp tới về thời gian và cách thức mở cửa đất nước...” – bà cho biết nhưng nói thêm rằng, bất chấp những rủi ro từ bên ngoài, Việt Nam đã bắt đầu khôi phục lại các ngành sản xuất, dịch vụ và bán lẻ - “Khả năng phục hồi trong nước là rất lớn. Một phần lớn dân số ở đây đã vượt qua qua khó khăn của chiến tranh nên họ có thể phục hồi rất nhanh”.
Cho dù tương lai như thế nào, quốc gia có 96 triệu dân này dường như đã kiềm chế được virus. Tính đến hôm nay, Singapore có hơn 20 ngàn ca mắc Covid-19 – cao nhất Đông Nam Á, trong khi đó Indonesia có hơn 12.000 ca mắc. Khi Việt Nam dỡ bỏ giãn cách xã hội, cả thế giới đang dõi theo.