Theo kết quả điều tra của báo The Times, các băng nhóm buôn người được cho là đã đưa các học sinh người Việt, trong đó có em chỉ mới 15 tuổi, sang Anh thông qua thị thực hợp pháp do các trường tư thục hàng đầu tại Anh bảo lãnh.
Tuy nhiên, các học sinh này thường biến mất, trong một số trường hợp còn không để lại bất kỳ dấu vết nào, chỉ vài tuần sau khi bắt đầu nhập học.
Báo Anh nghi ngờ các học sinh này là nạn nhân của các băng nhóm buôn người, những kẻ đã lợi dụng lỗ hổng trong luật thị thực của Anh để đưa các học sinh người Việt vào Anh.
Cuộc điều tra của The Times đã hé lộ ít nhất 12 học sinh Việt Nam bỗng dưng biến mất khỏi các trường nội trú và tư thục trên toàn nước Anh trong vòng 4 năm qua. Các trường ban đầu đều không được biết về cuộc điều tra này.
Các trường hợp học sinh Việt Nam biến mất tại Anh chủ yếu là nữ. Họ được cho là đứng trước nhiều nguy cơ bị đưa vào làm việc tại các tiệm làm móng, trại trồng cần sa hoặc nhà chứa.
Cảnh sát và Bộ Nội vụ Anh vẫn đang điều tra về các vụ mất tích, song vẫn còn nhiều trường hợp nữ sinh chưa được làm rõ.
Theo The Times, 8 học sinh Việt Nam đã biến mất khỏi trường Cao đẳng Độc lập Chelsea với mức học phí 25.000 bảng/năm (32.200 USD/năm). Đây là một trường tư thục do tổ chức giáo dục Astrum sở hữu ở phía tây thủ đô London.
Một cựu nhân viên của trường Cao đẳng Độc lập Chelsea cho biết, một nữ sinh đã chạy trốn vào ban đêm thông qua lối thoát hiểm hỏa hoạn. Vụ việc này khiến nhà trường rất kinh ngạc.
Tại trường Cao đẳng Abbey ở Malvern, Worcestershire, Anh, nơi được giới thiệu là từng dạy cho con cháu của các vị vua, nguyên thủ và các nhân vật xuất chúng toàn cầu khác, một nữ sinh 15 tuổi người Việt bắt đầu nhập học từ tháng 9/2017, song không trở lại trường sau kỳ nghỉ Giáng sinh.
Lỗ hổng bị lợi dụng
Tất cả các trường trên đều tuân thủ quy trình và trình báo về các vụ mất tích bí ẩn của học sinh cho cảnh sát và Bộ Nội vụ Anh. Tất cả học sinh mất tích đều vào Anh theo diện thị thực du học dành cho trẻ em do các trường bảo lãnh và không yêu cầu kiểm tra trình độ tiếng Anh.
“Sau các kỳ nghỉ, các em không trở lại trường, cũng không trả lời điện thoại. Đây là một lỗ hổng. Một số người đã nhận ra rằng đây là cách để đưa các bé gái người Việt vào mạng lưới”, một cựu giáo viên cho biết.
Tổ chức giáo dục Astrum thừa nhận họ đã trở thành mục tiêu tấn công của “hoạt động tội phạm có tổ chức”. Astrum cũng xem xét lại các quy trình để bảo đảm an toàn cho các du học sinh.
"Chúng tôi coi việc này cực kỳ nghiêm trọng. Không có bất kỳ cơ quan chức năng nào theo dõi vụ việc này và phát hiện bất kỳ sai sót nào trong trường của chúng tôi", Malcolm Wood - hiệu trưởng trường Cao đẳng Abbey, tuyên bố.
Yvette Cooper, Chủ tịch Ủy ban Tuyển chọn Bộ Nội vụ Anh, đã gọi cuộc điều tra về các trường hợp học sinh mất tích là “thực sự gây sốc”.
“Không thể tưởng tượng được việc bọn trẻ phải rời xa nhà hàng nghìn km đáng lẽ để đi học nhưng thực tế lại bị biến thành nô lệ tại Anh", bà Cooper nói.
Quan chức Bộ Nội vụ Anh cho rằng các trường “cần phải chịu một phần trách nhiệm trong việc tuyển chọn học sinh của mình” khi để xảy ra những vụ việc như vậy.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Các trường Nội trú Anh Robin Fletcher cho biết trong từ 2 - 3 năm qua, các trường nội trú đã nắm được thông tin về “một số lượng nhỏ” các vụ việc liên quan tới các họ sinh từ Việt Nam.
“Một số tội phạm và đối tượng xấu đã tìm cách lợi dụng hệ thống giáo dục và sử dụng một số trường học để đưa lậu trẻ em (vào Anh)”, ông Fletcher cho biết.
“Chúng tôi đã khuyến cáo tất cả các (trường) thành viên của chúng tôi cần cảnh giác khi tuyển chọn bất kỳ học sinh nào từ Việt Nam, đồng thời cũng làm việc với các trường về việc thông báo cho Bộ Nội vụ nếu có bất kỳ vấn đề nào xảy ra”, ông Fletcher cho biết thêm.
Khoảng 666 trường độc lập đã được Bộ Nội vụ Anh cho phép bảo lãnh thị thực du học cho các học sinh nước ngoài. Tất cả các trường ở trên đều đã trải qua đợt sát hạch của Bộ Nội vụ Anh và được cấp phép bảo lãnh thị thực cho các du học sinh.
"Sự an toàn và lợi ích của trẻ em là điều được xem xét chính trong bất kỳ trường hợp tiếp nhận du học sinh nào, với sự chấp thuận bằng văn bản của cha mẹ và bằng chứng về việc sắp xếp chương trình chăm sóc trẻ em đầy đủ theo yêu cầu", một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Anh khẳng định.
Thông tin trên được công bố chưa đầy 2 tuần sau khi cảnh sát Anh phát hiện 39 thi thể trong thùng xe tải ở Grays, hạt Essex hôm 23/10.
Cảnh sát Essex tin rằng, các nạn nhân là người Việt Nam, song vẫn chưa công bố danh tính cụ thể. Vụ việc đã gây chấn động nước Anh và gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng buôn người bất hợp pháp vào Anh.